Phối hợp xây dựng Chính phủ điện tử, Tòa án điện tử và cải cách thủ tục hành chính

Phối hợp xây dựng Chính phủ điện tử, Tòa án điện tử và cải cách thủ tục hành chính

Sáng 12/1, tại Trụ sở Chính phủ, Văn phòng Chính phủ và Tòa án nhân dân tối cao đã ký quy chế phối hợp trong công tác xây dựng Chính phủ điện tử, Tòa án điện tử phục vụ sự chỉ đạo, điều hành và cải cách thủ tục hành chính. Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình và Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chủ trì Lễ ký kết.

Phối hợp xây dựng Chính phủ điện tử, Tòa án điện tử và cải cách thủ tục hành chính ảnh 1Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng và Phó Chánh án Thường trực Tòa án nhân dân tối cao Lê Hồng Quang ký Quy chế phối hợp. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

Với quy chế này, Văn phòng Chính phủ và Tòa án nhân dân tối cao sẽ phối hợp trong công tác xây dựng Chính phủ điện tử, Tòa án điện tử và cải cách thủ tục hành chính. Trong đó, hai bên hỗ trợ, phối hợp chặt chẽ trong việc xây dựng, hoàn thiện thể chế tạo môi trường pháp lý đầy đủ để triển khai Tòa án điện tử; tham vấn, chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình xây dựng các đề án, dự án về ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng Chính phủ điện tử và Tòa án điện tử. Văn phòng Chính phủ tư vấn, hỗ trợ việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác điều hành, quản lý hồ sơ, tài liệu, văn bản và xử lý công việc trên môi trường điện tử của hệ thống Tòa án, kết nối, liên thông với Trục liên thông văn bản quốc gia để phục vụ gửi, nhận văn bản điện tử trong nội bộ hệ thống Tòa án và với các cơ quan hành chính nhà nước các cấp.

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động chỉ đạo, điều hành, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp, nhất là trong lĩnh vực hành chính tư pháp đã được Chính phủ xác định là một trong những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đột phá. Tuy nhiên, việc triển khai các nội dung này mới chủ yếu tập trung tổ chức thực hiện ở nội khối các cơ quan hành chính nhà nước, dường như còn thiếu sự gắn kết, phối hợp chặt chẽ với quá trình cải cách giữa các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp.

Việc ký kết quy chế phối hợp đánh dấu một dấu mốc trong việc gắn kết, phối hợp chặt chẽ giữa công tác cải cách, xây dựng Chính phủ điện tử của cơ quan hành chính nhà nước với công tác cải cách hành chính tư pháp, xây dựng Tòa án điện tử của cơ quan tư pháp, tạo thành sức mạnh tổng hợp, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong thực hiện các nhiệm vụ được giao của cả hai cơ quan; tạo cơ sở cho công tác phối hợp giữa hai cơ quan đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả hơn nữa. Đây cũng là cơ sở để Văn phòng Chính phủ nâng cao chất lượng công tác tham mưu, giúp việc cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong chỉ đạo, điều hành công tác cải cách hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số.

Hiện, Văn phòng Chính phủ và Tòa án nhân dân tối cao đã kết nối thành công, liên thông gửi, nhận văn bản điện tử trên Trục liên thông văn bản quốc gia; tích hợp, cung cấp các dịch vụ công trực tuyến của Tòa án trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, gồm: Tra cứu bản án, quyết định của Tòa án, nghị quyết của Hội đồng thẩm phán, án lệ; nộp đơn khởi kiện, tài liệu, chứng cứ; đăng ký nhận các thông báo, văn bản tố tụng bằng phương thức điện tử; đăng ký cấp bản sao bản án, tài liệu trong hồ sơ vụ án; thanh toán tạm ứng án phí được thí điểm tại thành phố Hà Nội.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đề nghị Văn phòng Chính phủ và Tòa án nhân dân tối cao phối hợp tiếp tục mở rộng triển khai gửi nhận văn bản điện tử trên Trục liên thông văn bản quốc gia đến tất cả các cơ quan Tòa án nhân dân và giữa các cơ quan Tòa án nhân dân với các cơ quan hành chính nhà nước các cấp; tăng cường việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác điều hành, quản lý hồ sơ, tài liệu, văn bản và xử lý công việc trên môi trường điện tử của hệ thống Tòa án nhân dân.

Hai bên hoàn chỉnh hệ sinh thái trong công tác phục vụ người dân, doanh nghiệp trên môi trường điện tử thông qua việc đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến của ngành Tòa án nhân dân trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, tạo cơ sở hình thành doanh nghiệp, công dân điện tử - một trong những nhiệm vụ quan trọng góp phần thực hiện thành công chuyển đổi số quốc gia.

Phó Chánh án thường trực Tòa án nhân dân tối cao Lê Hồng Quang cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về triển khai Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số, nhằm nâng cao tính minh bạch cho hoạt động của Chính phủ, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ người dân tốt hơn, Tòa án nhân dân tối cao đã phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan triển khai kết nối hệ thống văn bản và chỉ đạo điều hành của Tòa án nhân dân tối cao với Trục liên thông văn bản quốc gia; tích hợp 5 dịch vụ công của Tòa án với Cổng dịch vụ công quốc gia. Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, góp phần thúc đẩy, trao đổi thông tin một cách nhanh chóng, hiệu quả, minh bạch giữa Chính phủ và Tòa án nhân dân tối cao, cũng như phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn, tác động tích cực đến việc cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam.

Với tinh thần chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao và Văn phòng Chính phủ, việc kết nối đã hoàn thành, tạo cơ sở vận hành, chia sẻ thông tin và tiếp tục phát triển hệ thống kết nối. Việc ban hành quy chế phối hợp không chỉ tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động phối hợp giữa Văn phòng Chính phủ với Tòa án nhân dân tối cao, mà còn là điều kiện thuận lợi để Tòa án triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ công tác tòa án, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, chỉ đạo, điều hành, cải cách thủ tục hành chính.

Phó Chánh án Lê Hồng Quang khẳng định, Tòa án nhân dân tối cao sẽ chỉ đạo các cơ quan chức năng trong toàn hệ thống thực hiện nghiêm các nội dung quy chế; đồng thời đề nghị hai cơ quan tích cực, chủ động trao đổi thông tin, tăng cường tham vấn lẫn nhau trong quá trình xây dựng các đề án, dự án, văn bản có liên quan đến việc ứng dụng công nghệ thông tin xây dựng Chính phủ điện tử, Tòa án điện tử; thường xuyên phối hợp và rà soát các nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, kịp thời đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các chủ trương, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của Tòa án.

Chu Thanh Vân

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm