Phối hợp đẩy mạnh phát triển văn hóa đọc cho học sinh

Phối hợp đẩy mạnh phát triển văn hóa đọc cho học sinh

Sáng 12/6, tại Hội trường Nhà Xuất bản Trẻ, Hội Xuất bản Việt Nam - Công ty TNHH Đường Sách Thành phố Hồ Chí Minh và Tạp chí điện tử Tri thức trực tuyến đã tổ chức tọa đàm “Các giải pháp phối hợp đẩy mạnh phát triển văn hóa đọc cho học sinh trong nhà trường và tại Đường Sách TP.HCM” nhằm góp phần tạo nên thói quen đọc sách, đẩy mạnh phát triển văn hóa đọc cho học sinh tiểu học và học sinh trung học các cấp. 

Phối hợp đẩy mạnh phát triển văn hóa đọc cho học sinh ảnh 1Ông Lê Hoàng, Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam phát biểu tại buổi tọa đàm.

Theo ông Lê Hoàng - Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, bức tranh về người đọc ở nước ta không sáng. Sức đọc của người Việt, thói quen, văn hóa đọc của cộng đồng quá thấp. Gia đình, nhà trường chưa hình thành thói quen đọc sách cho trẻ em từ nhỏ, đa số người dân không có thói quen đọc sách.

Theo số liệu của Cục Xuất bản, In và Phát hành, Bộ Thông tin và Truyền thông, 3 năm gần đây, nước ta xuất bản trên 400 triệu bản sách/năm, bình quân 4 đầu sách/người/năm. Trong đó, số lượng sách giáo khoa, giáo trình khoảng 300 triệu bản, chiếm 80%. Như vậy, số lượng đầu sách (không tính sách giáo khoa) bình quân hàng năm chỉ ở mức một đầu sách/người.

Sức đọc kém dẫn đến bức tranh thị trường tiêu thụ sách cũng không sáng sủa. Ông Lê Hoàng thông tin một đầu sách ở nước ta in lần đầu trung bình 1.000-3.000 bản nhưng bán 1-2 năm chưa chắc hết. Vấn đề này một phần nằm ở việc tạo thói quen đọc sách cho trẻ.

Rõ ràng những nước quan tâm, phát triển tốt văn hóa đọc trong học sinh, có nền văn hóa đọc tốt, hiệu quả xuất bản cao hơn nhiều lần so với Việt Nam”, ông Lê Hoàng khẳng định.

Trước tình hình trên, các đại diện lãnh đạo các đơn vị xuất bản, phát hành sách thiếu nhi, những tổ chức cộng đồng, cá nhân cùng chung tay tìm kiếm các giải pháp làm lan tỏa tình yêu với sách, đưa sách đến đối tượng học sinh, góp phần tạo nên thói quen đọc sách cho trẻ từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Theo đó, Đường Sách TP. HCM giới thiệu 4 chương trình mà Hội Xuất Bản và Công ty Đường Sách TP. HCM đang tổ chức cho học sinh khi đến thăm, tham gia các hoạt động trải nghiệm tại Đường Sách TP.HCM bao gồm: “Du hành vui cùng sách - Happy Reading Tour” dành cho các bạn học sinh khối lớp 3,4,5 bậc tiểu học và khối lớp thuộc bậc trung học với sinh hoạt chuyên đề 45′ về lợi ích của việc đọc sách, tham gia các trò chơi tương tác sách tại các cửa hàng sách; tham quan và mua những tựa sách phù hợp; Hoạt động “Bé làm quen với luật giao thông’ dành cho các em mẫu giáo và học sinh khối lớp 1, lớp 2 của bậc tiểu học, với hoạt động tương tác nhẹ nhàng tìm hiểu luật giao thông cơ bản tại Đường Sách và những giờ đọc sách tại chỗ; Hoạt động “Học trải nghiệm ngoài nhà trường tại Đường Sách TP.HCM” với các tiết học tương tác trực tiếp với bài giảng trên lớp nhưng tổ chức tại không gian Đường Sách, các bạn học sinh sẽ có thể tìm kiếm những quyển sách hay để thưc hiện đề tài của mình; và hoạt động “Mừng Sinh nhật cùng Sách” hàng tháng tại Đường Sách là các hoạt động vui chơi cùng sách để mừng sinh nhật các bạn nhỏ từ 6 - 15 tuổi có sinh nhật trong tháng đó với những món quà sinh nhật là những quyển sách hay. 

Cùng với đó là các hoạt động tổ chức dành cho học sinh tại nhà trường như lớp tập huấn “Cách thức hỗ trợ học sinh phát triển thói quen đọc sách trong nhà trường” nhằm truyền giảng những kiến thức phù hợp với giáo viên, cán bộ thư viện có những kỹ năng khuyến khích học sinh đọc sách hiệu quả, tạo niềm say mê và thói quen đọc sách nơi trẻ; tổ chức Hội Sách mini với các hoạt động xoay quanh sách; tổ chức các chuyên đề, giao lưu tác giả - tác phẩm, trưng bày giới thiệu sách. Tạo điều kiện để các em học sinh dễ dàng tiếp cận với sách và tìm đọc các tựa sách yêu thích... 

Phối hợp đẩy mạnh phát triển văn hóa đọc cho học sinh ảnh 2Quang cảnh buổi tọa đàm

Thời gian tới, Hội Xuất bản Việt Nam - Công ty TNHH Đường Sách TP. HCM sẽ tiếp tục tổ chức các buổi họp trao đổi giữa những nhà làm sách, những người đọc sách, những tác giả viết sách thiếu nhi để tìm ra tiếng nói chung, hiệu quả và thiết thực trong công cuộc tạo lập thói quen và hình thành văn hóa đọc cho học sinh, góp phần nâng cao sức đọc của người Việt trong tương lai.

Thu Hương

(Báo ảnh DT&MN-TTXVN)

Có thể bạn quan tâm