Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh: Phát triển hạ tầng vùng đồng bằng sông Cửu Long phải gắn với ứng phó biến đổi khí hậu

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh: Phát triển hạ tầng vùng đồng bằng sông Cửu Long phải gắn với ứng phó biến đổi khí hậu
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Trưởng ban Chỉ đạo Tây Nam bộ chủ trì hội thảo "Phát triển kinh tế xã hội vùng kinh tế trọng điểm đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2030". Ảnh: Duy Khương - TTXVN
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Trưởng ban Chỉ đạo Tây Nam bộ chủ trì hội thảo "Phát triển kinh tế xã hội vùng kinh tế trọng điểm đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2030". Ảnh: Duy Khương - TTXVN

Tại hội thảo, đại diện các bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo các tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Cửu Long đã trình bày, phân tích những tiềm năng thế mạnh cũng như những tồn tại hạn chế, yếu kém trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội vừa qua, đồng thời tập trung thảo luận đề xuất các giải pháp, cơ chế chính sách để phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững vùng kinh tế trọng điểm đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian tới.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nhấn mạnh, thời gian tới, Vùng cần lựa chọn sản phẩm theo thế mạnh của từng vùng, từng tỉnh, từng thành phố trên nền tảng gắn kết với thị trường trong và ngoài nước. Đồng thời phát triển hạ tầng khung của Vùng nhưng phải gắn với ứng phó biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Trong tổ chức sản xuất phải sản xuất hàng hóa với chất lượng cao và quy mô lớn, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, giá trị cao, năng suất cao và giá trị trên đơn vị sản xuất phải tăng. Các tỉnh cũng cần mở rộng mô hình liên kết trong sản xuất để nâng cao năng lực sản xuất, cạnh tranh sản phẩm nông nghiệp trong và ngoài nước... Về lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương cần có giải pháp huy động nguồn lực trong điều kiện ngân sách còn nhiều khó khăn.

Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: Duy Khương - TTXVN
Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: Duy Khương - TTXVN

Thời gian qua, được sự quan tâm đầu tư của các bộ ngành Trung ương và sự phối hợp chỉ đạo, triển khai quyết liệt các giải pháp phát triển của các địa phương, kinh tế - xã hội vùng đồng bằng sông Cửu Long phát triển theo hướng tích cực. Nông nghiệp phát triển ổn định và tiếp tục khẳng định vai trò nền tảng của nền kinh tế. Công nghiệp, thương mại và dịch vụ phát triển khá. Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2011-2015 của 2 khu vực này từ 9,55% đến 12,82%/năm. Hạ tầng giao thông từng bước phát triển, tạo sự kết nối giữa các địa phương vùng kinh tế trọng điểm với các địa phương khác trong vùng. Công tác an sinh xã hội được quan tâm, đời sống vật chất tinh thần của nhân dân ngày càng nâng lên...

 

Tại hội thảo, Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam đã ký kết một số hợp đồng tín dụng tài trợ trong địa bàn khu vực đồng bằng sông Cửu Long với các doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực: nuôi trồng thủy sản, lương thực và cánh đồng mẫu lớn, y tế... với tổng nguồn vốn là 633 tỷ đồng./.

Có thể bạn quan tâm