Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng: Cấp trữ đông để giảm áp lực tiêu hủy, đảm bảo nguồn thịt lợn cuối năm

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng: Cấp trữ đông để giảm áp lực tiêu hủy, đảm bảo nguồn thịt lợn cuối năm
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng phát biểu chỉ đạo. Ảnh: Vũ Sinh – TTXVN
 Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng phát biểu chỉ đạo.
Ảnh: Vũ Sinh – TTXVN
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh xây dựng cơ chế hỗ trợ và tổ chức thực hiện việc thu mua, giết mổ lợn và cấp trữ đông để giảm áp lực tiêu hủy, giảm nguy cơ phát sinh dịch bệnh và cân đối nguồn thịt lợn cho các tháng cuối năm. Với tình hình dịch bệnh đang diễn biến rất phức tạp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các bộ, ngành thành viên Ban Chỉ đạo quốc gia thành lập ngay các đoàn công tác liên ngành đến các địa phương để kiểm tra, đôn đốc việc tổ chức phòng, chống dịch bệnh. Các tỉnh, thành phố trong kế hoạch tổ chức chỉ đạo ứng phó với dịch bệnh phải có phương án cụ thể trong việc huy động các lực lượng như công an, quân đội...  để giám sát và tiêu hủy triệt để lợn bị bệnh, tránh tình trạng vứt xác lợn ra ao, sông làm ô nhiễm môi trường. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xem xét, đề xuất chính sách hỗ trợ phù hợp, khả thi cho người chăn nuôi và doanh nghiệp có lợn bị tiêu hủy. Trước việc một số địa phương có tình trạng vứt xác lợn ra các sông, ao, tiêu hủy không đảm bảo môi trường, Phó Thủ tướng nêu rõ, địa phương nào nếu có thông tin báo chí nêu phải vào cuộc ngay kiểm tra và xử lý nghiêm không để tình trạng trên. Với những kiến nghị của doanh nghiệp, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn việc giết mổ lợn trong vùng dịch; cơ sở giết mổ đạt yêu cầu về vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm được phép nhập lợn từ cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh trong và ngoài tỉnh để giết mổ và xuất bán các sản phẩm lợn sau khi giết mổ ra ngoài vùng dịch dưới sự giám sát của cơ quan thú y. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn các địa phương thành lập và xây dựng 5 trạm kiểm dịch quốc gia bảo đảm các yêu cầu kiểm soát vận chuyển động vật tại các địa phương trọng điểm trên trục quốc lộ Bắc Nam.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến báo cáo về tình hình bệnh dịch tả lợn châu Phi. Ảnh: Vũ Sinh – TTXVN
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến báo cáo về tình hình bệnh dịch tả lợn châu Phi. Ảnh: Vũ Sinh – TTXVN
Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đẩy mạnh tái cấu trúc ngành chăn nuôi; trong đó có chăn nuôi lợn để đảm bảo số lượng, chất lượng thực phẩm tốt, có sản phẩm bù đắp thay thế sản phẩm thịt lợn. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến ngày 12/5, bệnh dịch tả lợn châu Phi đang xảy ra tại 2.296 xã, 204 huyện của 29 tỉnh, thành phố. Tổng số lợn bệnh và tiêu hủy là 1.220.488 con, chiếm khoảng trên 4% tổng đàn lợn của cả nước. Thời gian qua đã có 29 xã thuộc 12 tỉnh, thành phố có dịch bệnh đã qua 30 ngày, nhưng sau đó lại phát sinh lợn bệnh ở các hộ chăn nuôi khác trong cùng xã. Đến nay, tỉnh Thừa Thiên - Huế và 55 xã thuộc 36 huyện của 16 tỉnh, thành phố khác đã qua 30 ngày không phát sinh thêm lợn mắc bệnh. Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường nhận định, chưa bao giờ ngành chăn nuôi phải đối mặt với một loại dịch bệnh nguy hiểm, gian nan trong phòng chống, gây thiệt hại kinh tế lớn nhất từ trước đến nay như dịch tả lợn châu Phi. Về dịch tễ học, đây là giai đoạn đầu của việc lan tỏa dịch bệnh. Bệnh dịch tả lợn châu Phi là bệnh truyền nhiễm rất nguy hiểm, có thể gây chết 100% số lợn mắc bệnh, hiện chưa có thuốc điều trị, chưa có vắc xin phòng bệnh. Ở Việt Nam do điều kiện khí hậu, quy mô chăn nuôi nhỏ lẻ, không gian sản xuất chật hẹp nên tốc độ lây lan cực kỳ nhanh, tác hại khôn lường. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến, một số địa phương vẫn chưa chủ động giám sát, chưa nắm bắt kịp thời thông tin dịch bệnh, chậm báo cáo, báo cáo thiếu chính xác, chậm công bố dịch. Chính quyền và các cơ quan chuyên môn còn chủ quan, lơ là, không nắm rõ thông tin dịch bệnh, chưa tổ chức chống dịch, dẫn đến trường hợp người dân bán chạy lợn bệnh làm lây lan dịch bệnh. Một số địa phương chưa tổ chức tiêu hủy lợn bệnh, lợn chết trong vòng 24 giờ kể từ khi phát hiện. Có trường hợp chưa kịp bố trí lực lượng tiêu hủy lợn, để lợn chết trong chuồng quá thời gian quy định, người chăn nuôi tự tiêu hủy, vứt xác lợn ra môi trường. Điển hình, tại khu vực cầu phao sông Hóa và cầu phao dân sinh - cầu sông Khởi, các lực lượng đã phải thu gom, xử lý tiêu hủy 395 xác lợn. Mặc dù số lượng lợn bị bệnh dịch tả lợn châu Phi chỉ chiếm 4% tổng đàn lợn cả nước nhưng theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, điều nguy hiểm ở chỗ là tốc độ lan truyền bệnh còn nhanh. Dự báo bệnh này sẽ còn lan truyền rất phức tạp. Hiện việc chỉ đạo trong phòng chống dịch bệnh ở các địa phương có có mặt làm tốt, có mặt chưa tốt nên thời gian tới cần siết chặt lại, hạn chế thấp nhất mức độ thiệt hại.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến trả lời phỏng vấn các cơ quan báo chí. Ảnh: Vũ Sinh – TTXVN
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến trả lời phỏng vấn các cơ quan báo chí. Ảnh: Vũ Sinh – TTXVN
Chia sẻ về việc phòng chống dịch tại địa phương, ông Nguyễn Đức Quyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết, cứ có lợn chết là địa phương tổ chức tiêu hủy ngay, không để tình trạng lợn chết không được tiêu hủy. Hiện các trục sông, kênh mương…  tỉnh quy định ranh giới, tổ chức giám sát, địa phương nào có xác lợn chết phải tổ chức vớt, tiêu hủy ngay. Ông Nguyễn Đức Quyền kiến nghị, Nhà nước cần có cơ chế dành một phần kinh phí hỗ trợ doanh nghiệp trong khu mua lợn hơi giết mổ, cấp đông để đảm bảo nguồn cung cuối năm. Với Hà Nội, ông Nguyễn Văn Sửu, Phó Chủ tịch UBND Hà Nội cho biết, ngay từ khi có dịch, thành phố Hà Nội đã công bố hỗ trợ kinh phí cho người dân có lợn bị bệnh buộc tiêu hủy là 38.000 đồng/kg. Hiện thành phố tiêu hủy 5,6% tổng đàn của thành phố, riêng chi phí tiêu hủy thành phố đã chi hơn 200 tỷ đồng. Hiện nay, theo Nghị định 02/2017/NĐ-CP về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh. Doanh nghiệp lớn không được hỗ trợ nếu dịch bệnh xảy ra. Mặc dù các doanh nghiệp cũng vào cuộc quyết liệt trong phòng chống dịch, nhưng với tình hình hiện nay, nếu xảy ra dịch họ không được hỗ trợ sẽ rất phức tạp. Bên cạnh đó, chi phí hỗ trợ cho cán bộ đi tiêu hủy chỉ có 100.000 đồng/ngày trong khi cán bộ đó phải đi làm cả đêm nếu nghe thấy báo có dịch. Đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu có cơ chế, chính sách tăng mức hỗ trợ này lên, ông Nguyễn Văn Sửu kiến nghị. Đồng quan điểm này, ông Phạm Văn Xuyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình cho biết, tại các chốt, cán bộ phải làm cả ngành đêm nhưng chỉ có 100.000 đồng/ngày, tỉnh phải hỗ trợ thêm 100.000 đồng. Hiện tỉnh Thái Bình có thiệt hại lớn nhất cả nước, toàn tỉnh đã phải tiêu hủy 36% tổng đàn. Tổng kinh chi phí tiêu hủy, hỗ trợ… của tỉnh đã lên đến 470 tỷ đồng, trong khi ngân sách dự phòng cấp tỉnh chỉ 100 tỷ đồng. Ông Phạm Văn Xuyên kiến nghị Chính phủ, Bộ Tài chính cân đối nguồn ngân sách hỗ trợ tỉnh Thái Bình, nghiên cứu cơ chế tài chính phòng chống dịch phù hợp với thực tiễn. Trước những quy định về việc nghiêm cấm vận chuyển lợn và các sản phẩm lợn ra vào vùng dịch, vùng bị dịch uy hiếp, tương tự như cách thức điều hành “ngăn sông - cấm chợ” đại diện MASAN cho rằng, sẽ dẫn đến khả năng tiêu thụ tại chỗ là không đáng kể so với nguồn cung. Các biện pháp cấm đoán lưu thông thịt lợn sạch ra vào vùng dịch, vùng bị uy hiếp như hiện nay sẽ gây kiệt quệ cho ngành chăn nuôi và nông dân Việt Nam. Đại diện MASAN đề xuất biện pháp kiểm soát 3 tuyến. Tuyến một là đảm bảo không có bất kỳ lợn hoặc đàn lợn nào nhiễm dịch bệnh được xuất chuồng, xuất trại; tuyến hai đảm bảo không để bất kỳ con lợn nào nhiễm bệnh vào nhà máy giết mổ; tuyến ba kiểm soát thành phẩm khi ra khỏi cơ sở giết mổ để đảm bảo không có bất kỳ sản phẩm thịt lợn nào bị nhiễm dịch đến tay người tiêu dùng.
Bích Hồng

Có thể bạn quan tâm