Phở hồng trên “cao nguyên trắng”

Phở hồng trên “cao nguyên trắng”
Hẳn là mỗi khi lên Bắc Hà, điều đầu tiên như một thói quen khó bỏ, đó là phải thưởng thức cho bằng được bát phở hồng trộn thịt xá xíu, cải nương muối chua… Gọi là phở hồng vì bánh phở được làm từ hạt gạo nương hồng – một thứ gạo đặc sản bản địa ở vùng đất này. Gạo nương hồng chỉ trồng được một vụ trên nương cao, nơi có khí hậu lạnh gần như quanh năm, cũng vì thế mà thời gian canh tác cũng dài ngày hơn các giống lúa khác. Mà cũng chỉ có gạo nương hồng trồng trên nương ở xứ này mới làm nên món phở hồng hấp dẫn nhiều người đến vậy. Nhiều người thích ngồi ở chợ phiên để vừa thưởng thức bát phở trộn trứ danh vừa xem đồng bào đi trảy chợ. Nhưng với những người sành ăn, nhất là người Lào Cai lên đây thì đều tìm đến quán quen.
 
Phở hồng trên "cao nguyên trắng".
Phở hồng trên "cao nguyên trắng".

Ngoài quán phở gà chặt miếng nhà Cung Tuất ngay đầu thị trấn, thì ai cũng biết đến một quán phở trộn đậm chất Bắc Hà gần cổng bến xe trung tâm. Đó là quán phở cô Vinh. Gần 30 năm làm nghề tráng phở và bán phở ở vùng này, gần như bếp lửa nhà cô Vinh ngày nào cũng đỏ rực, bởi khách hàng rất đông… Bánh phở được tráng ngay tại quán, tráng đến đâu làm phở đến đó nên bánh phở dai mềm và rất ngon. Bánh phở được làm từ nguyên liệu gạo nương hồng nên khi tráng có màu hồng. Chưa nói đến thịt làm xá xíu cũng được lựa từ thịt lợn đen bản địa, dưa cải trồng trên nương muối vừa độ chua. Bát phở trộn có thêm lạc rang giã nhỏ, rau xà lách thái nhỏ và nước dùng.

Khi ăn, khách có thể ăn kèm với rau húng ruộng đặc trưng ở vùng cao, nêm thêm đậu xị và tương ớt. Lạc dùng để trộn phở cũng là giống lạc đỏ người dân vùng cao Bắc Hà trồng trên nương; đậu xị và tương ớt cùng đều là giống đậu tương vàng Bắc Hà và giống ớt sừng trồng ở Bắc Hà; cách làm đậu xị và tương ớt cũng theo truyền thống của người dân Bắc Hà…Cũng có người chọn cách ăn phở cuốn, là khi bánh phở vừa được tráng xong, cuộn tròn cả bánh với lạc giã nhỏ. Sau đó cắt thành từng khúc và chấm với nước dùng ăn kèm xá xíu, đậu xị, rau thơm tùy ý.

Một công đoạn tráng bánh phở.
Một công đoạn tráng bánh phở.

Chính những nguyên liệu đều được làm ra từ bàn tay chăm chỉ của người dân đất này, được trồng cấy nuôi dưỡng từ nguồn nước trong khe núi, uống sương rơi, hong nắng mặt trời và được tắm tưới bởi không khí ôn đới trong lành của miền cao nguyên trắng, nên đã làm nên bát phở hồng trứ danh, khiến ai đã một lần ăn đều muốn ăn thêm. Cô Vinh chia sẻ: Có rất nhiều khách hàng ở thành phố Lào Cai hoặc các huyện trong tỉnh, khi công tác hoặc lên du lịch Bắc Hà, dù đã đến đây ăn rất nhiều lần. Nhưng có lần hợp miệng, cũng không ngần ngại gọi 2 bát liền ăn cho bõ công lặn lội đường xa vào tận đây ăn phở…
 

Phở hồng trộn xá xíu.
Phở hồng trộn xá xíu.

Cũng có nhiều quán phở ở thành phố Lào Cai hoặc một số địa phương, cũng có nhiều người mở quán lấy thương hiệu phở Bắc Hà. Vẫn nguyên liệu nhập từ Bắc Hà, thế nhưng, nếu muốn tìm ăn cho bằng được món phở hồng chuẩn vị thì vẫn cứ phải lên Bắc Hà mới thỏa lòng. Theo nhiều người dân bản địa, thì trước đây, món phở Bắc Hà chỉ có bánh phở hồng, chan nước dưa chua và ít lạc rang, rau húng ruộng ăn kèm, chứ không có thịt xá xíu hoặc thịt gà trộn lẫn như bây giờ. Cùng với món thắng cố, canh đậu, mèm mèn, phở ngô, thì bát phở hồng đã làm nên thanh vị đặc sắc của chợ phiên Bắc Hà – phiên chợ được tạp chí du lịch Châu Á bình chọn trong danh sách 10 phiên chợ hấp dẫn nhất Đông Nam Á.

Theo Langvietonline.vn

Có thể bạn quan tâm