Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Hà Huy Thông trả lời phỏng vấn TTXVN về nội dung nghị sự của IPU-132

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Hà Huy Thông trả lời phỏng vấn TTXVN về nội dung nghị sự của IPU-132

Trước giờ khai mạc Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới  lần thứ 132 ( IPU-132), phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã phỏng vấn ông Hà Huy Thông, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội, Trưởng tiểu ban nội dung của Ban Tổ chức IPU-132 về công tác chuẩn bị các nội dung nghị sự của sự kiện ngoại giao nghị viện đặc biệt này. 

Sáng 26/3/2015, tại Trung tâm hội nghị Quốc gia Mỹ Đình, Hà Nội, Ban tổ chức Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới lần thứ 132 ( IPU – 132) khai trương Trung tâm báo chí phục. Ảnh: TTXVN
Sáng 26/3/2015, tại Trung tâm hội nghị Quốc gia Mỹ Đình, Hà Nội, Ban tổ chức Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới lần thứ 132 ( IPU – 132) khai trương Trung tâm báo chí phục. Ảnh: TTXVN

+ Phóng viên: Thưa ông, chương trình nghị sự là một trong những vấn đề cốt lõi đảm bảo cho thành công của Đại hội đồng IPU-132. Xin ông cho biết một cách vắn tắt về kết quả chuẩn bị nội dung của kỳ Đại hội đồng đã được tiến hành như thế nào? 

- Ông Hà Huy Thông : Công tác chuẩn bị nội dung cho Đại hội đồng lần này đã được tiến hành trong khoảng hơn 1 năm qua, có lẽ chính xác là cuối năm 2013 đầu năm 2014, sau khi Việt Nam được chính thức nhất trí đăng cai Đại hội đồng IPU-132 và đặc biệt là sau khi IPU và Quốc hội Việt Nam ký Thỏa thuận về vấn đề này tháng 3 năm 2013 tại kỳ họp lần thứ 130 của Đại hội đồng IPU. Ngay sau đó công tác chuẩn bị được đẩy nhanh hơn. Về nội dung, có rất nhiều vấn đề nhưng chú trọng ở mảng liên quan trực tiếp đến Đại hội đồng IPU, trong đó có việc chọn chủ đề và phần Đoàn Việt Nam tham gia vào những chủ đề thảo luận tại Đại hội đồng. Cuối cùng là góp ý vào các dự thảo nghị quyết. Đến thời điểm này, chúng ta cũng đã thực hiện theo đúng tiến độ và được IPU đánh giá cao. 

Phóng viên : Xin ông cho biết lý do mà chủ nhà Việt Nam chọn chủ đề thảo luận chung của Đại hội đồng IPU 132 lần này là “Các mục tiêu phát triển bền vững: Biến lời nói thành hành động”? 

Ông Hà Huy Thông : Theo quy định của IPU, nước chủ nhà có một vai trò rất quan trọng trong việc chọn chủ đề chung cho phiên toàn thể, cho nên đây là nội dung được cân nhắc rất kỹ. Nhìn lại năm 2015, Đại hội đồng IPU-132 diễn ra trong một bối cảnh hết sức đặc biệt. Đây là năm cuối cùng của cộng đồng quốc tế thực hiện 8 Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ đã đưa ra từ năm 2000 cho đến năm 2015. Thế giới cũng đang chuẩn bị bước sang một giai đoạn phát triển mới. Liên Hợp quốc chuẩn bị đưa ra một chương trình nghị sự về phát triển 15 năm tiếp theo, bắt đầu từ mùng 1 tháng 1 năm 2016 đến năm 2030. Thế giới cũng đã trải qua một cuộc khủng hoảng lớn nhất kể từ Đại suy thoái năm 1929 – 1933, từ năm 2007 bắt đầu cuộc khủng hoảng kéo dài, phức tạp cần hướng tới giai đoạn phát triển bền vững dựa trên nền tảng kinh tế, xã hội, môi trường - những vấn đề rất quan trọng và có tính chất chiến lược. Do vậy, phải nói rằng việc quyết định chủ đề của Đại hội đồng IPU-132 rơi vào thời điểm rất đặc biệt. 
Ở trong nước, năm 2015 cũng là năm cuối cùng của việc thực hiện kế hoạch 5 năm 2011 – 2015. Chúng tôi nghĩ đây là một sự hội tụ rất quan trọng và ngẫu nhiên. Việc Việt Nam thống nhất cùng IPU đưa ra chủ đề “Những mục tiêu phát triển bền vững: Biến lời nói thành hành động” nhằm đề cập đến vai trò của nghị viện, với mong muốn nghị viện mỗi quốc gia phải làm tốt vai trò biến những điều mong muốn trở thành việc làm, hành động trên thực tế. 

Phóng viên : Ngoài chủ đề chính đã được chọn, xin ông cho biết tại sao nội dung thúc đẩy hành động của nghị viện về vấn đề nước lại được đưa vào chương trình nghị sự của Đại hội đồng IPU-132 lần này? 

Ông Hà Huy Thông : Nước là vấn đề rất quan trọng trên thế giới với khái niệm rộng. Nước phủ 2/3 bề mặt trái đất. Chúng ta không thể sống mà không có nước. Chủ đề nước còn bao gồm cả biến đổi khí hậu, năng lượng, biển, sông ngòi và có tính chất toàn cầu. Liên hợp quốc đã lấy ngày 22 tháng 3 là Ngày Nước thế giới, cho thấy sự quan tâm đến vấn đề này. Tuy nhiên, IPU chưa bao giờ có một nghị quyết bàn về chủ đề nước. Trên cơ sở đó, ta đã đề xuất chủ đề này. Nếu được thông qua, thì đây có lẽ là lần đầu tiên IPU thông qua được một nghị quyết về chủ đề này. 

+ Phóng viên : Một trong những nội dung khác trong chương trình nghị sự của IPU -132 lần này cũng rất mang tính thời sự và cũng được đông đảo dư luận quan tâm là luật pháp quốc tế đối với việc bảo vệ chủ quyền quốc gia và vai trò của Liên minh Nghị viện Thế giới nhằm đảm bảo hòa bình an ninh toàn cầu? 

Ông Hà Huy Thông : Ủy ban 3, tức Ủy ban về dân chủ và nhân quyền đưa ra chủ đề luật pháp quốc tế, chủ quyền quốc gia, không can thiệp vào công việc nội bộ và vấn đề quyền con người. Thực ra chủ đề này đã được thảo luận tại Đại hội đồng IPU- 130; IPU-131 năm 2014 và nhận được nhiều ý kiến khác nhau nên chưa được thông qua. Do đó, Đại hội đồng đã quyết định chuyển dự thảo Nghị quyết về vấn đề này để tiếp tục được thảo luận tại Đại hội đồng IPU-132 ở Hà Nội. 
Bên cạnh đó, cũng tại Ủy ban 3 còn thảo luận lần đầu tiên về một nội dung mới, đó là vấn đề dân chủ trong kỷ nguyên số. Đây cũng là chủ đề rất thu hút sự chú ý của dư luận cũng như của IPU. 

+ Phóng viên : Xin ông cho biết kỳ vọng của nước chủ nhà Việt Nam đóng góp vào sự phát triển của Liên minh Nghị viện Thế giới qua sự kiện IPU -132? 

- Ông Hà Huy Thông : Trước hết phải nói việc chúng ta quyết định đăng cai Đại hội đồng IPU-132 này vào đúng năm 2015 là một quyết định rất đặc biệt bởi đây là năm có rất nhiều hoạt động quan trọng của Việt Nam; là năm chúng ta chuẩn bị Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII. Đây là giai đoạn giao thoa giữa năm kết thúc của giai đoạn 15 năm phát triển vừa qua và chuẩn bị cho một giai đoạn 15 năm tới. 
Ở đây có một điểm rất đáng chú ý nữa là văn kiện tổng hợp của Đại hội đồng. Lần này, phía Việt Nam đề xuất tên văn kiện đó là Tuyên bố Hà Nội. Đây sẽ được coi như một văn kiện chính thức của Đại hội đồng IPU-132 ở Hà Nội, Việt Nam, để chuyển tới Hội nghị thế giới Chủ tịch Quốc hội và Chủ tịch Nghị viện vào cuối tháng 8 năm 2015, trước khi được chuyển cho Hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc vào cuối tháng 9 tới. Đó là cơ hội rất quan trọng để nước chủ nhà Việt Nam đóng góp vào không chỉ sự phát triển của IPU mà còn cả quá trình phát triển bền vững của thế giới trong giai đoạn tới. Song, Việt Nam chỉ là 1 trong số 166 quốc gia thành viên, nên việc thông qua được hay không là do Đại hội đồng quyết định với một cơ chế rất dân chủ. 

+ Phóng viên : Xin cảm ơn ông!./. 

Có thể bạn quan tâm