Phổ biến kiến thức và kỹ năng phòng tránh rủi ro động đất

Phổ biến kiến thức và kỹ năng phòng tránh rủi ro động đất

Sáng 23/11, tại Hà Nội, Viện Vật lý địa cầu (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) tổ chức Hội thảo “Tuyên truyền phổ biến kiến thức về Động đất và các kỹ năng phòng tránh rủi ro động đất cho cộng đồng”.

Phổ biến kiến thức và kỹ năng phòng tránh rủi ro động đất ảnh 1Động đất xảy ra tại khu huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum. Ảnh: vast.gov.vn

Đây là hoạt động đầu tiên nằm trong nhiệm vụ “Nghiên cứu xây dựng, thiết kế các tài liệu và tổ chức các hoạt động thông tin, tuyên truyền phổ biến kiến thức, kỹ năng về phòng tránh động đất cho cộng đồng” do Viện Vật lý địa cầu thực hiện.

Theo thống kê của Viện Vật lý địa cầu, tại Việt Nam, tuy động đất không quá lớn và thường xuyên như một số quốc gia khác. Nhưng chỉ một năm, từ tháng 7/2019 đến nay, Viện Vật lý địa cầu đã ghi nhận được hàng trăm trận động đất có độ lớn trên 2.5 và rất nhiều động đất nhỏ khác xảy ra trên lãnh thổ nước ta. Nổi bật là các trận động đất: tại Cao Bằng ngày 25/11/2019 có độ lớn 5.4; tại Mường Tè, tỉnh Lai Châu ngày 16/6/2020 có độ lớn 4.9; tại huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La ngày 27/7/2020 có độ lớn 5.3. Các trận động đất này kéo theo hàng chục dư chấn gây ra những tiếng nổ lớn, kèm theo hiện tượng đá lăn từ trên núi xuống làm hư hại một số nhà dân, đơn vị bộ đội ở gần tâm chấn... Tại Thủ đô Hà Nội, do ảnh hưởng của các trận động đất này, nhiều nhà cao tầng bị rung lắc nhẹ làm nhiều người hoảng sợ. Các trận động đất liên tiếp thời gian qua đã tác động đến cuộc sống của người dân: gây các thiệt hại về tài sản, gây hoang mang lo lắng cho cộng đồng.

Tiến sỹ Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu cho biết: Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần thuộc Viện Vật lý địa cầu là tổ chức duy nhất ở Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam được phép Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần trên lãnh thổ, lãnh hải Việt Nam và những vùng có nguy cơ gây ảnh hưởng tới Việt Nam. Một trong các chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm là thực hiện các hoạt động thông tin, tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn kiến thức về phòng tránh động đất, sóng thần cho cộng đồng phục vụ cho việc thực hiện quy chế phòng, chống động đất, sóng thần của Chính phủ.

Đặc biệt, ngay sau các trận động đất liên tiếp xảy ra thời gian vừa qua, nhằm giúp người dân không bị hoang mang, lợi dụng, đảm bảo công tác an dân cũng như giúp người dân biết cách bảo vệ an toàn cho bản thân, giảm thiểu những thiệt hại về xã hội, tài sản và tính mạng, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện khẩn gửi Viện Vật lý địa cầu, các cơ quan báo chí truyền thông, Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, chính quyền các địa phương yêu cầu khẩn trương kiểm tra, khắc phục hậu quả do động đất gây ra, trong đó có nội dung yêu cầu cần thông tin kịp thời về động đất và dư chấn do động đất, hướng dẫn kỹ năng ứng phó, ổn định tâm lý cho nhân dân. Do đó, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã giao Viện Vật lý địa cầu thực hiện nhiệm vụ “Nghiên cứu xây dựng, thiết kế các tài liệu và tổ chức các hoạt động thông tin, tuyên truyền phổ biến kiến thức, kỹ năng về phòng tránh động đất cho cộng đồng”.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Hà Quý Quỳnh, Trưởng Ban Tổ chức cán bộ, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho biết: Các trận động đất xảy ra đã bộc lộ sự thiếu hiểu biết về các kỹ năng ứng phó, tự bảo vệ của người dân. Nhận thức của người dân về loại hình thiên tai này đã có những tiến bộ rõ ràng nhờ các phương tiện thông tin phát triển, tuy nhiên cũng chính những nguồn thông tin đa dạng, không chính thống lại gây ra nhiều hiểu lầm, hiểu sai các thông tin thông báo của cơ quan chuyên môn khiến cộng đồng càng thêm hoang mang. Hội thảo nhằm phổ biến rộng rãi các kiến thức cơ bản về động đất và các kỹ năng ứng phó để giảm thiểu rủi ro do động đất cho cộng đồng. Hội thảo cũng hướng đến thống nhất các khái niệm liên quan trong công tác phát tin, tuyên truyền, phổ biến từ cơ quan phát tin, các cơ quan liên quan liên ngành, cơ quan truyền thông trong mạng lưới ứng phó sự cố thiên tai của Quốc gia.

Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận về các nội dung chính gồm: làm rõ các khái niệm thường được sử dụng trong công tác báo tin, truyền tin về động đất; phổ biến các kiến thức phổ thông về loại hình thiên tai này như: các cơ chế hình thành một trận động đất; các nguyên nhân cũng như tác động do động đất gây ra…; cung cấp bức tranh toàn cảnh về mức độ nguy hiểm động đất, hoạt động báo tin động đất và cảnh báo sóng thần của Việt Nam; cung cấp tài liệu, hướng dẫn phổ biến các kỹ năng cơ bản ứng phó với động đất để giảm thiểu thiệt hại do động đất gây ra.

Tiến sỹ Bùi Thị Nhung, Chủ nhiệm Nhiệm vụ cho biết: Việt Nam có tổng cộng 46 hệ thống đới đứt gãy sinh chấn chính trên lãnh thổ, thềm lục địa và Biển Đông. Đây chính là nguồn nguy cơ tiềm ẩn hiểm họa động đất có thể xảy ra bất cứ lúc nào tại nước ta. Để giảm thiểu những thiệt hại do động đất gây ra, điều quan trọng đầu tiên là phải đảm bảo tính bền vững của các công trình xây dựng; đồng thời tuyên truyền các biện pháp phòng tránh rủi ro và giải quyết hậu quả do động đất gây ra đến với người dân. Viện Vật lý địa cầu đã biên soạn, tổng hợp và xuất bản cuốn sách “Những hiểu biết cơ bản đề an toàn với động đất tại Việt Nam” nhằm cung cấp đến người dân những kỹ năng cần thiết trong phòng tránh rủi ro do động đất. Cuốn sách hướng dẫn người dân những biện pháp cụ thể như: gia cố nhà cửa, lập kế hoạch phòng tránh thiên tai của mỗi gia đình đang sinh sống ở nơi dễ xảy ra động đất; những việc cần làm khi động đất xảy ra; xử lý sự cố, kiểm tra thiệt hại và cứu chữa người sau khi động đất xảy ra...

Hoàng Nam

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm