Phiên tranh tụng đầu tiên vụ kiện da cam tại Pháp diễn ra vào 3/3

Phiên tranh tụng đầu tiên vụ kiện da cam tại Pháp diễn ra vào 3/3
Phiên tranh tụng đầu tiên vụ kiện da cam tại Pháp diễn ra vào 3/3 ảnh 1
Bà Trần Tố Nga, nạn nhân chất độc da cam trả lời phỏng vấn báo chí Pháp sau phiên tòa.
Theo phóng viên TTXVN tại Pháp, đây là một quyết định quan trọng cho phép vụ kiện chuyển sang giai đoạn mới sau nhiều tháng bị trì hoãn vì những thủ tục tố tụng kéo dài do luật sư đại diện cho các công ty Mỹ yêu cầu tiến hành. Việc làm chậm tiến độ vụ kiện nằm trong tính toán của các công ty Mỹ nhằm làm cho các luật sư tại Văn phòng luật sư "Bourdon & Forestier", nơi biện hộ cho bà Trần Tố Nga và bản thân bà Trần Tố Nga cảm thấy mệt mỏi, đồng thời làm tăng các loại án phí, lệ phí. Trên thực tế, các công ty Mỹ có tiềm lực tài chính mạnh, dễ dàng chi trả các loại phí cho tòa trong khi các loại phí đó là hết sức cao đối với một cá nhân, mà cụ thể ở đây là bà Trần Tố Nga, người đứng đơn kiện. Đó là chưa nói đến các loại phí để dịch toàn bộ hồ sơ từ tiếng Pháp sang tiếng Anh hoặc ngược lại đối với các kết luận của các công ty Mỹ.  Kể từ khi vụ kiện chính thức được khai mạc ngày 16/4/2015, cho đến nay 5 phiên tòa thủ tục đã diễn ra. Việc vụ kiện bị kéo dài với những phiên tòa nối tiếp nhau là một điều hết sức bất lợi cho bà Trần Tố Nga, người mắc rất nhiều chứng bệnh liên quan đến phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin như tiểu đường type 2, suy nhược thần kinh và rất nhiều khối u trên cơ thể. Trong những tháng vừa qua, bà liên tục phải vào bệnh viện để làm xét nghiệm và tiến hành phẫu thuật. Tại phiên tòa ngày 7/1, các luật sư đại diện cho các công ty hóa chất Mỹ đã đưa ra đòi hỏi vô lý, yêu cầu bà Trần Tố Nga tiến hành xét nghiệm máu tại một phòng khám được chỉ định chứ không tiến hành xét nghiệm tại các phòng khám khác. Trước đó, các công ty hóa chất Mỹ cũng đã tạo "sự cố" về "tính xác thực của các tài liệu", đồng thời yêu cầu bà Nga cung cấp các loại giấy tờ xác nhận bà từng làm việc trong những khu vực bị rải chất độc da cam trong những năm chiến tranh chẳng hạn như Hợp đồng lao động hay Giấy biên nhận trả lương… Theo bà Nga, khi xung phong về hoạt động ở miền Nam trong những năm chiến tranh với tư cách là phóng viên Thông tấn xã Giải phóng (nay là Thông tấn xã Việt Nam) nhằm đóng góp sức mình vào công cuộc giải phóng đất nước, không ai tính toán và đòi hỏi phải có Hợp đồng lao động cả. Hơn nữa, thời điểm đó cách đây đã 50 năm, vì thế yêu cầu cung cấp các loại giấy tờ trên là việc hết sức vô lý.   Mặc dù bị cản trở nhưng phiên tòa vẫn đang tiến triển thời gian qua. Việc Tòa đại hình thành phố Evry ấn định phiên tranh tụng đầu tiên vào ngày 3/3 sắp tới cho thấy vụ kiện đã bước sang giai đoạn mới, giai đoạn xác định trách nhiệm của các công ty Mỹ trong việc sản xuất các loại hóa chất độc hại gây hậu quả nghiêm trọng cho con người và môi trường tại Việt Nam. Tuy nhiên, không loại trừ việc luật sư của các công ty Mỹ tiếp tục gây khó khăn trong thời gian tới, đòi phải chứng minh mối liên hệ giữa chất độc da cam và các căn bệnh phát sinh sau này, được di truyền qua nhiều thế hệ người Việt Nam. Cũng cần nhắc lại rằng, cho đến nay, chính giới Mỹ vẫn cho rằng "chưa có bằng chứng khoa học rõ ràng" về tác hại của chất da cam/dioxin tới sức khỏe con người và qua đó không thừa nhận trách nhiệm của mình. Điều đó cho thấy cuộc chiến pháp lý phía trước là hết sức cam go.  Mặc dù vậy, các luật sư của bà Trần Tố Nga vẫn khẳng định quyết tâm đi đến cùng vụ kiện. Về phía mình, bà Trần Tố Nga cho rằng đích đến của vụ kiện không phải chuyện thắng hay thua mà là gióng lên hồi chuông "nỗi đau da cam" nhằm thức tỉnh lương tri nhân loại, làm cho càng ngày càng có nhiều người trên thế giới biết về thảm họa da cam, cùng chung tay khắc phục hậu quả và giúp đỡ các nạn nhân - những người vẫn đang hàng ngày hàng giờ chịu nhiều đau đớn dù đất nước đã hòa bình được hơn 40 năm.

Có thể bạn quan tâm