Phe đối lập Syria chưa quyết tham gia vòng hòa đàm mới

Phe đối lập Syria chưa quyết tham gia vòng hòa đàm mới

Ngày 5/3, Đặc phái viên Liên hợp quốc về vấn đề Syria Staffan de Mistura cho biết, các cuộc đàm phán về hòa bình Syria sẽ được nối lại vào ngày 10/3 tới tại Geneva (Thụy Sĩ).

Một quầy bán báo ở thủ đô Damascus ngày 27/2, sau khi lệnh ngừng bắn có hiệu lực. Ảnh: AFP/TTXVN
Một quầy bán báo ở thủ đô Damascus ngày 27/2, sau khi lệnh ngừng bắn có hiệu lực. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, trả lời phỏng vấn nhật báo Al-Hayat, ông De Mistura dự kiến vòng đàm phán sẽ bắt đầu vào ngày 10/3 tới, theo đó, một số phái đoàn sẽ có mặt tại Geneva trong ngày 9/3, trong khi một số khác có thể tới vào ngày 11 hoặc 14/3 do "các vấn đề liên quan đến đặt phòng khách sạn". Theo quan chức này, các cuộc họp trù bị sẽ được tiến hành trước khi diễn ra các cuộc đàm phán riêng rẽ giữa các bên.

Các cuộc đàm phán gián tiếp giữa chính quyền al-Assad và phe đối lập ngày 10/3 tại Thụy Sĩ sẽ là vòng hòa đàm đầu tiên kể từ khi thỏa thuận ngừng bắn có hiệu lực từ ngày 27/2. Tuy nhiên, người phát ngôn của HNC, ông Monzer Makhos cho biết họ đang chờ xem những diễn biến về vấn đề nhân đạo cũng như việc tuân thủ thỏa thuận ngừng bắn. Theo ông Makhos, những gì diễn ra trong hơn một tuần qua chưa đủ để HNC quyết định tham gia vòng hòa đàm mới.

Vòng hòa đàm đầu tiên về tình hình Syria đã thất bại năm 2014, với điểm mấu chốt khó được các bên thống nhất trong các cuộc đàm phán là số phận của Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Các cuộc biểu tình nổ ra hồi đầu năm 2011 nhằm kêu gọi ông al-Assad từ chức sau đó đã biến thành xung đột đẫm máu, khiến hơn 270.000 người thiệt mạng và hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn trong hơn 5 năm qua.

Theo ông De Mistura, tiến trình chuyển tiếp chính trị tại Syria sẽ có ba chặng, gồm đàm phán về việc thành lập chính phủ mới, xây dựng bản hiến pháp mới và tổ chức bầu cử quốc hội và tổng thống trong vòng 18 tháng. Ông De Mistura nhấn mạnh, người dân Syria, chứ không phải các thế lực bên ngoài, mới có quyền quyết định số phận của Tổng thống al-Assad.

Trong khi đó, phát biểu trước các phóng viên ở thủ đô Paris (Pháp), Ngoại trưởng Saudi Arabia Adel al-Jubeir cho rằng Tổng thống al-Assad phải rời nhiệm sở vào thời điểm đầu của tiến trình chuyển tiếp chính trị, chứ không phải trong vòng 18 tháng của tiến trình này, đồng thời nhấn mạnh một chính phủ chuyển tiếp sẽ phải được hình thành để soạn thảo bản hiến pháp mới và chuẩn bị các cuộc bầu cử quốc hội và tổng thống ở Syria.

Có thể bạn quan tâm