Phát triển văn hóa đọc và xây dựng danh mục sách đọc mở rộng trong nhà trường

Phát triển văn hóa đọc và xây dựng danh mục sách đọc mở rộng trong nhà trường

Sáng 6/10, Văn phòng phía Nam (Hội Xuất bản Việt Nam) và Công ty Đường sách Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) tổ chức tọa đàm xoay quanh chủ đề “Hoạt động xuất bản, phát triển văn hóa đọc - Thách thức - Cơ hội - Những kiến nghị và công việc cần làm”.

Phát triển văn hóa đọc và xây dựng danh mục sách đọc mở rộng trong nhà trường ảnh 1Quang cảnh buổi tọa đàm

Theo Ban tổ chức, tính từ năm 2014 đến 2019, tỷ lệ người đọc sách ở Việt Nam tăng 12% đầu sách/người. Cụ thể, năm 2014, tỷ lện gười đọc sách chỉ đạt 4,1 thì đến năm 2019, tỷ lệ này lên đến 4,6, cho thấy sức đọc của người Việt tăng đáng kể. Bên cạnh đó, trong 6 năm qua, tỷ lệ số tựa sách tăng tương ứng, với mức 30%. 

Phát triển văn hóa đọc và xây dựng danh mục sách đọc mở rộng trong nhà trường ảnh 2Ông Lê Hoàng - Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, Giám đốc Đường sách TP.HCM giới thiệu xu hướng đọc và bối cảnh phát triển văn hóa đọc tại buổi tọa đàm

Phát biểu tại buổi tọa đàm, ông Lê Hoàng, Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, Giám đốc Đường sách TP.HCM, cho biết: Khi nền văn hoá đọc cao, hiệu quả kinh tế xuất bản cũng tăng theo. Để phát triển tốt văn hoá đọc trong nhà trường và gia đình, cần có biện pháp tác động đến việc hình thành thói quen đọc sách cho trẻ em, tạo điều kiện cho các em tiếp cận sách từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Với cách tiếp cận đó, trong những năm qua, thông qua các hoạt động của mình, Đường sách TP.HCM và các đơn vị xuất bản đã tổ chức nhiều hoạt động hướng tới mục tiêu hình thành thói quen đọc trong gia đình, trường học, cơ quan, tổ chức trên phạm vi cả nước; đồng thời, hướng dẫn phương pháp, kỹ năng đọc và khai thác tài nguyên thông tin cho trẻ em tại thư viện cơ sở giáo dục mầm non, thư viện cơ sở giáo dục phổ thông. Qua đó, kỳ vọng mỗi gia đình đầu tư cho mình một góc tủ, kệ sách riêng; đưa khung giờ đọc sách chính thức vào thời khóa biểu của nhà trường để các em học sinh, các bạn trẻ dễ dàng tiếp cận với sách.

Phát triển văn hóa đọc và xây dựng danh mục sách đọc mở rộng trong nhà trường ảnh 3Ông Lê Hoàng, Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, Giám đốc Đường Sách TP.HCM giới thiệu những đầu sách văn hóa vùng đất Sài Gòn - Gia Định - TP.HCM hôm nay

Bên cạnh chủ đề chính, chủ tọa và các đại biểu tham dự buổi tọa đàm còn trao đổi xoay quanh công tác phối hợp xây dựng danh mục sách tham khảo cho học sinh đọc mở rộng trong nhà trường sao cho cho phù hợp với xu thế phát triển và xu hướng làm sách trong giai đoạn mới của giáo dục hiện nay.

Theo đó, bên cạnh việc xúc tiến các nội dung phối hợp hoạt động đẩy mạnh giải pháp xây dựng thói quen đọc sách nhằm hình thành nhân cách của đội viên, học sinh trên địa bàn thành phố theo chương trình phối hợp giữa Hội Xuất bản Việt Nam, Sở Giáo dục và Đào tạo và Thành Đoàn TP.HCM, Đường sách TP.HCM đang triển khai kế hoạch liên tịch với các địa phương, tổ chức các hoạt động phát triển văn hóa đọc cho học sinh, giáo viên và học viên các cơ sở giáo dục trên địa bàn các quận, huyện với nhiều giải pháp cụ thể, nhằm thúc đẩy phát triển văn hóa đọc, sao cho đội ngũ gáo viên, cán bộ thư viện, quản lý chuyên môn ở các nhà trường quan tâm hơn nữa đến việc hình thành và phát triển thói quen đọc sách cho học sinh, giúp các em xây dựng thói quen đọc sách, để văn hóa đọc ngày càng lan tỏa rộng rãi...

Tuy nhiên, đây là công việc không hề đơn giản, nói như nhà văn Nguyễn Nhật Ánh: “Dúi cuốn sách vào tay một đứa trẻ mười bốn, mười lăm tuổi trước nay suốt ngày chỉ quen cắm mắt vào game trên máy tính, ép em đọc, vì những lý do cao cả “khám phá kho báu tri thức” hay “nâng cao văn hóa đọc” như người lớn vẫn hay nói là một việc quá muộn màng. Vì vậy, quá nhọc nhằn, giống như ép một người chuyển máy bay khi máy bay đang ở trên không”. Do đó, "Để xây dựng và phát triển văn hóa đọc một cách hiệu quả, bên cạnh các hoạt động trong khuôn khổ tuần lễ đọc sách ngày 21/4 hàng năm, Đường sách TP.HCM vá các đơn vị xuất bản đã phối hợp tổ chức nhiều hoạt động, sự kiện, hội chợ sách với phương thức đa dạng nhằm tôn vinh sách, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và giới trẻ tiếp cận với sách mới", ông Lê Hoàng, Giám đốc Đường sách TP.HCM, nhấn mạnh.

Phát triển văn hóa đọc và xây dựng danh mục sách đọc mở rộng trong nhà trường ảnh 4Bà Ngô Phương Thảo, Giám đốc Công ty Anbooks trình bày hướng dẫn kỹ năng đọc cho trẻ sao cho năng động, dễ hiểu, dễ tiếp thu

"Chúng ta chỉ có thể phát triển nền văn hóa đọc Việt Nam hiện đại, xây dựng một xã hội ham đọc, đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế tri thức và một xã hội thông tin, phát triển bền vững; có thể xứng ngang tầm với các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới, khi phát triển đồng loạt nhiều lĩnh vực khác nhau liên quan tới “đọc”.", ông Lê Hoàng chia sẻ.

Tin và ảnh: Sơn Hên

(Báo ảnh DT&MN/TTXVN)

Có thể bạn quan tâm