Phát triển toàn diện, nhanh, bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh vừa ký Nghị quyết số 10/NQ-CP ngày 28/1/2022 ban hành Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Phát triển đồng bộ các lĩnh vực

Mục tiêu tổng quát của Chiến lược là ưu tiên phát triển toàn diện, nhanh, bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; khai thác tiềm năng, phát huy hiệu quả lợi thế so sánh của Vùng, bảo vệ môi trường và không gian sinh sống của đồng bào dân tộc thiểu số; rút ngắn khoảng cách về mức thu nhập giữa vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi so với vùng phát triển.

Phat trien toan dien, nhanh, ben vung vung dong bao dan toc thieu so hinh anh 1Nhờ triển khai nhiều chương trình, dự án, đề án, cấp ủy, chính quyền huyện Mộc Châu đã giúp nâng cao rõ rệt đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc Mông trên địa bàn, từng bước đẩy lùi tập quán, hủ tục lạc hậu. Trong ảnh: Bà Sùng Thị Giá, bản Tà Phềnh, xã Tân Lập, huyện Mộc Châu được vay vốn để trồng 200 cây cam và chăn nuôi cho thu lãi hàng trăm triệu đồng. Ảnh: Quang Quyết - TTXVN

Bên cạnh đó là các mục tiêu: giảm dần số xã, thôn đặc biệt khó khăn, cải thiện rõ rệt đời sống và nâng cao sinh kế của Nhân dân, chú trọng thu hút các nguồn lực để đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, kết nối với các vùng phát triển. Đẩy mạnh phát triển đồng bộ các lĩnh vực: giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa; bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo nhanh và bền vững; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động là người dân tộc thiểu số.

Chiến lược đặt mục tiêu xóa bỏ dần các phong tục tập quán lạc hậu, đồng thời bảo tồn, phát huy các bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp đặc trưng của các dân tộc; tập trung xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, góp phần giữ vững chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia; củng cố sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Phat trien toan dien, nhanh, ben vung vung dong bao dan toc thieu so hinh anh 2Đồng bào dân tộc Jrai biểu diễn cồng chiêng tại lễ "Pơ thi", góp phần bảo tồn, phát huy các bản sắc văn hóa truyền thống. Ảnh: Tuấn Đức - TTXVN

Mục tiêu hướng tới đến năm 2045 thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số đạt trên 1/2 bình quân chung của cả nước; cơ bản không còn hộ nghèo; người dân được tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản. Các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có đủ cơ sở hạ tầng đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của người dân.

Chú trọng phát triển kinh tế tập thể

Nhiệm vụ Chiến lược đặt ra là tập trung mọi nguồn lực đầu tư phát triển mạnh kinh tế hàng hóa nhiều thành phần; chú trọng phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã, kinh tế tư nhân, gắn sản xuất với chế biến, kết nối thị trường, tạo chuỗi giá trị, gia tăng giá trị nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế và phù hợp với đặc thù của các địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Về phát triển giáo dục - đào tạo, rà soát, sắp xếp mạng lưới các cơ sở giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo lộ trình hợp lý, bảo đảm quyền lợi học tập của học sinh và đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; chú trọng củng cố và phát triển hợp lý số lượng, chất lượng, quy mô các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường dự bị đại học phù hợp nhu cầu và điều kiện thực tế địa phương.

Phat trien toan dien, nhanh, ben vung vung dong bao dan toc thieu so hinh anh 3Một tiết học của học sinh trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Đoọc Mạy, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An). Ảnh: Bích Huệ - TTXVN

Về y tế và dân số, ưu tiên giải quyết các vấn đề sức khỏe của đồng bào dân tộc thiểu số; tăng cường khả năng tiếp cận cũng như cung cấp dịch vụ y tế, dân số có chất lượng cho đồng bào; giảm gánh nặng chi phí chăm sóc sức khỏe cho người nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số; tăng cường hướng dẫn, truyền thông về bình đẳng giới, tác hại của tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết thống; thí điểm các mô hình, tiến tới nhân rộng các cơ sở y tế kết hợp quân - dân y để khám bệnh, chữa bệnh cho người dân.

Phat trien toan dien, nhanh, ben vung vung dong bao dan toc thieu so hinh anh 4Bộ đội biên phòng Sóc Trăng khám bệnh cho đồng bào dân tộc Khmer. Ảnh: Trung Hiếu - TTXVN

Cùng với đó là thực hiện bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể nhằm tạo ra sự đa dạng trong thống nhất của nền văn hóa Việt Nam.

TTXVN

Tin liên quan

Tăng cường hiệu quả công tác dân tộc đóng góp vào sự phát triển Thành phố Hồ Chí Minh

Nhiều nhiệm vụ trọng tâm nhằm nâng cao hiệu quả công tác dân tộc tại Thành phố Hồ Chí Minh để đóng góp vào công cuộc xây dựng và phát triển bền vững Thành phố đã được đề ra tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ công tác dân tộc năm 2021, do Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức sáng 20/1.


Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khảo sát việc thực hiện công tác dân tộc tại Trà Vinh

Ngày 7/10, Đoàn công tác của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam do ông Vũ Dương Châu, Trưởng ban Dân tộc làm Trưởng đoàn, đã khảo sát việc thực hiện công tác dân tộc và kết quả thực hiện Chỉ thị 19-CT/TW ngày 10/01/2018, của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường công tác ở vùng đồng bào dân tộc Khmer trong tình hình mới tại tỉnh Trà Vinh.



Đề xuất