Phát triển thương hiệu nếp nhung Tam Sơn

Phát triển thương hiệu nếp nhung Tam Sơn

Với tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, sản phẩm gạo nếp nhung Tam Sơn, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh đã khẳng định được thương hiệu với chất lượng thơm ngon, được người tiêu dùng ưa chuộng. Năm 2020, gạo nếp nhung Tam Sơn được Cục sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu và được lưa chọn tham gia Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tỉnh Bắc Ninh năm 2021.

Phát triển thương hiệu nếp nhung Tam Sơn ảnh 1Lúa nếp nhung Tam Sơn là một trong 81 sản phẩm được lựa chọn tham gia chương trình OCOP của tỉnh Bắc Ninh. Ảnh: Đinh Văn Nhiều-TTXVN

Theo Chủ tịch UBND phường Tam Sơn, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Khắc Tuấn, giống lúa nếp nhung được trồng ở Tam Sơn cách đây hơn 20 năm. Ban đầu, người dân chỉ trồng với diện tích nhỏ, chủ yếu để đồ xôi hoặc làm bánh chưng phục vụ gia đình trong những ngày Lễ, Tết. Tuy nhiên, trong quá trình sản xuất giống lúa thích hợp với điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu của Tam Sơn, đến nay, nếp nhung trở thành cây trồng chủ lực của địa phương với hơn 500 ha.

Với kinh nghiệm hơn 20 năm trồng lúa nếp nhung, ông Nguyễn Duy Hùng, khu phố Tam Sơn, phường Tam Sơn thị xã Từ Sơn cho biết, gạo nếp nhung Tam Sơn có đặc điểm nổi trội so với nhiều sản phẩm cùng loại trên thị trường là hạt gạo to, tròn, mập và màu trắng đục. Gạo khi nấu lên thành xôi có mùi thơm từ khi nước sôi, hạt xôi dẻo thơm, có độ dính, khi ăn có vị ngọt, đến khi nguội vẫn giữ được độ keo dính. Đây là loại gạo được nhiều người yêu thích và được làm các món ăn truyền thống như bánh chưng, bánh dày, bánh đúc, bánh phu thê…

Cũng theo ông Hùng, để làm ra sản phẩm nếp nhung Tam Sơn đạt chuẩn, quy trình sản xuất lúa bao gồm ba công đoạn chính là chọn giống, chăm sóc và bảo quản sản phẩm, trong đó, khâu quan trọng nhất là chọn giống lúa.“Giống lúa sẽ được người dân chọn riêng ở một thửa ruộng, chọn bông lúa dé dài, có hạt mẩy đều, gọn bông, không chọn dé. Lúa được phơi trong 3 ngày, mỗi ngày chỉ phơi 2 tiếng và không phơi liên tục, để đảm bảo năng suất, chất lượng gạo”, ông Hùng nói.

Vụ mùa năm nay, gia đình bà Nguyễn Thị Thanh Hoa, khu phố Tam Sơn, phường Tam Sơn, thị xã Từ Sơn trồng 2,5 mẫu nếp nhung. Với năng suất ước đạt từ 170-180/kg/sào, trừ chi phí gia đình bà Hoa thu về khoảng 30 triệu đồng. Bà Hoa chia sẻ, lúa nếp nhung chịu được rét, kháng được nhiều sâu bệnh, cứng cây chống đổ, đặc biệt năng suất cao hơn từ 30-50 kg/sào, so với các loại lúa khác. Từ lâu, gạo nếp nhung đã trở thành đặc sản của người dân nơi đây.

Không chỉ tạo lợi nhuận cho người dân gieo trồng, sản xuất lúa nếp nhung Tam Sơn cái hoa vàng còn tạo việc làm cho các hộ dân khác, mang lại lợi nhuận cao kinh tế.

Nhận thấy giá trị của lúa nếp nhung Tam Sơn mang lại, gia đình bà Nguyễn Thị Hồng, ở quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội đã đầu tư hai cơ sở xay xát với công nghệ hiện đại ngay tại khu phố Tam Sơn, phường Tam Sơn, thị xã Từ Sơn để thuận lợi cho việc cung cấp gạo ra thị trường.

Bà Hồng chia sẻ, gạo nếp nhung Tam Sơn có đặc điểm dẻo, thơm nên rất được khách hàng ưu chuộng. Hiện cơ sở của bà có 10 lao động chuyên thu mua thóc của người dân trong xã về xay xát thành gạo cung cấp cho một số công ty và các tiểu thương trong, ngoài tỉnh với số lượng trung bình trên 10 tấn gạo nếp nhung/ ngày.

Ông Ngô Sỹ Dũng, Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Tam Sơn cho biết, thực hiện theo Luật hợp tác xã năm 2012, đến năm 2016, mô hình sản xuất lúa nếp nhung chuyển từ sản xuất manh mún, nhỏ lẻ sang sản xuất lúa hàng hóa, mang lại giá trị cao hơn cho người dân.

Theo ông Dũng, hiện mỗi năm, Hợp tác xã luôn duy trì trên 200 ha trồng lúa nếp nhung, với hơn 700 thành viên tham gia. Với mô hình sản xuất chuyên canh theo hướng tập trung nên việc chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh rất thuận lợi, đặc biệt khi trồng ở cánh đồng mẫu lớn lúa nếp nhung Tam Sơn sẽ bảo tồn được nguồn gen.

Đặc biệt, năm 2020, gạo nếp nhung Tam Sơn được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu, điều này đã góp bảo vệ, nâng cao uy tín, thương hiệu cho sản phẩm. “Trước đây, khi chưa có Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu, nhiều thương lái, hộ kinh doanh vẫn sử dụng thương hiệu gạo nếp nhung Tam Sơn để chào bán trên thị trường. Điều này dễ dẫn đến nhiều sản phẩm kém chất lượng đội lốt thương hiệu và làm xấu đi hình ảnh, thương hiệu gạo nếp nhung Tam Sơn trên thị trường” ông Dũng nói.

Theo Chủ tịch UBND phường Tam Sơn Nguyễn Khắc Tuấn, toàn phường hiện có 80% số hộ gieo cấy nếp nhung với diện tích hơn 500 ha, sản lượng khoảng từ 4.200 - 4.500 tấn/năm, doanh thu ước đạt trên 40 tỷ đồng/năm. Những năm qua, phường đã phối hợp với các ngành chức năng tập trung tổ chức các chương trình hỗ trợ kỹ thuật, cây giống cho người dân để nâng cao chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó, phường cũng có nhiều hình thức tuyên truyền quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng; đồng thời triển khai các giải pháp nhằm gìn giữ và phát triển thương hiệu gạo nếp nhung Tam Sơn.

Đặc biệt, gạo nếp nhung Tam Sơn là một trong số 81 sản phẩm nằm trong Chương trình OCOP, nhằm phát triển sản xuất các sản phẩm truyền thống, đạt tiêu chuẩn, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.

Theo đó, khi được chứng nhận là sản phẩm OCOP, gạo nếp nhung Tam Sơn sẽ được hỗ trợ tuyên truyền, quảng bá, xây dựng bộ nhận diện nhãn hiệu OCOP Bắc Ninh; xúc tiến thương mại và liên kết tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Tam Sơn còn hỗ trợ triển khai các hình thức tổ chức sản xuất; huy động nguồn lực tài chính, nguồn vốn để thực hiện.

Theo ông Nguyễn Khắc Tuấn, để nâng tầm thương hiệu gạo nếp nhung Tam Sơn, thời gian tới, phường phối hợp với chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng, đẩy mạnh liên kết 4 nhà: nhà nông, nhà nước, nhà khoa học và nhà kinh doanh. Qua đó, không chỉ đảm bảo chất lượng giống nếp nhung của địa phương mà còn tìm đầu ra ổn định, tạo nguồn lợi nhuận cho người dân trong phường, ông Tuấn khẳng định..

Quang Nhiều

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm