Phát triển thương hiệu khoai tây Quế Võ

Nông dân huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh thu hoạch khoai tây. Ảnh: Thái Hùng - TTXVN
Nông dân huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh thu hoạch khoai tây. Ảnh: Thái Hùng - TTXVN

Những ngày này, bà con nông dân trên địa bàn huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh đang tất bật thu hoạch cây khoai tây vụ Đông. Mặc dù năm nay, thời tiết không thuận lợi, nhưng bằng kinh nghiệm và cách chăm sóc tốt, cây khoai tây vẫn cho thu hoạch đúng vụ, được mùa, được giá.

Phát triển thương hiệu khoai tây Quế Võ ảnh 1 Nông dân huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh thu hoạch khoai tây. Ảnh: Thái Hùng - TTXVN

Mấy ngày nay, gia đình bà Nguyễn Thị Sanh, ở thôn Lựa, xã Việt Hùng, huyện Quế Võ phải thuê thêm người thu hoạch khoai tây để kịp giao cho thương lái. Bà Sanh cho biết, trước đây, mỗi khi đến vụ Đông gia đình bà và các hộ dân trong xã thường trồng những loại cây như bí, ngô, khoai, đậu tương, tuy nhiên, các loại cây này cho năng suất không cao, không hiệu quả. Vụ Đông canh tác không hiệu quả nên hầu hết các diện tích đất của địa phương thường bị bỏ hoang. Những năm gần đây, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quế Võ đã chuyển giao kỹ thuật, hướng dẫn người dân trồng cây khoai tây vụ Đông trên đất hai lúa. Cây khoai tây hợp khí hậu, chất đất nên cho năng suất cao nên bà con rất phấn khởi.

Theo bà Sanh, năm nay, do mưa nhiều nên việc trồng khoai tây gặp rất nhiều khó khăn. Được sự hỗ trợ về giống, cũng như kỹ thuật chăm sóc của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quế Võ, đến nay, cây khoai tây cho thu hoạch năng suất cao khoảng 5 tạ/sào. Với giá bán từ 12.000-15.000 đồng/kg, bà Sanh nhẩm tính, trừ chi phí gia đình bà thu về khoảng 12 triệu đồng/3 sào khoai tây.

Phát triển thương hiệu khoai tây Quế Võ ảnh 2Người dân trên địa bàn huyện Quế Võ thu hoạch cây khoai tây vụ Đông. Ảnh: Đinh Văn Nhiều-TTXVN

Vụ Đông năm nay, gia đình bà Nguyễn Thị Hạt, ở thôn Lựa, xã Việt Hùng, huyện Quế Võ trồng 8 sào khoai tây vụ Đông. Đến nay, gia đình bà đã cơ bản thu hoạch xong diện tích, hiện bà Hạt đang cải tạo đồng ruộng để trồng lúa vụ Đông Xuân. Nhờ chủ động nguồn giống, tuân thủ đúng kỹ thuật canh tác nên khoai tây sinh trưởng và phát triển tốt, đạt năng suất từ 5-6 tạ/sào, cho gia đình bà thu nhập trên 30 triệu đồng.

"Khoai tây trồng ở đất Quế Võ có củ to đều, có màu vàng óng, da nhẵn bóng, vị thơm bùi, bở nên được nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh ưu chuộng. Cây khoai tây vụ Đông không những đem lại hiệu quả kinh tế mà còn giúp cải tạo đồng ruộng, thuận lợi cho việc trồng lúa vụ Đông Xuân. Giờ đây, trồng cây khoai tây vụ Đông đã trở thành nguồn thu nhập chính của gia đình bà và các hộ dân nơi đây", bà Hạt tâm sự.

Ở huyện Quế Võ, anh Nguyễn Văn Nam, xã Bồng Lai là những hộ trồng khoai "có tiếng", với diện tích, năng suất cao nhất vùng. Anh Nam cho biết, đây là năm thứ 9, gia đình anh mượn đất trồng cây khoai tây vụ Đông. Năm nay, gia đình anh trồng khoảng 50 ha, với năng suất bình quân từ 18-20 tấn/ha, trừ chi phí, gia đình anh thu lãi trên 1 tỷ đồng. Chính những cánh đồng "vàng" này đã làm thay đổi cuộc sống của gia đình anh và bà con trong huyện.

Anh Nam chia sẻ, trước đây, người dân trong huyện chưa chú trọng trồng cây vụ Đông mà chỉ trồng hai vụ lúa mỗi năm nên năng suất không cao. Tận dụng những diện tích này, gia đình anh đã mượn đất để trồng khoai tây, từ đó hình thành nên những cánh đồng mẫu lớn. Việc làm này không chỉ đem lại thu nhập cho gia đình, tạo công ăn việc làm cho người dân tại địa phương lúc nông nhàn mà còn cải tạo đồng ruộng, giúp tăng năng suất lúa khi chuyển vụ.

Năm bắt lợi thế này, năm 2017, anh Nam đã thành lập ra Hợp tác xã Nông nghiệp xanh, để xây dựng những vùng sản xuất khoai tây quy mô lớn, với diện tích hàng chục ha. Năm 2020, sản phẩm khoai tây tươi của Hợp tác xã đã được UBND tỉnh Bắc Ninh công nhận là sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã phường một sản phẩm). Đây chính là động lực để anh Nam tiếp tục phát triển thương hiệu khoai tây Quế Võ

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quế Võ, vụ Đông năm nay, toàn huyện trồng trên 1.500 ha ta khoai tây, tập trung chủ yếu ở các xã Việt Thống, Nhân Hòa, Phù Lương, Quế Tân, Bằng An, Phương Liễu, Việt Hùng, Đại Xuân, Phương Liễu và Đào Viên, chủ yếu là giống khoai Marabel (nhập từ Đức). Năng suất bình quân đạt từ 140-150 tạ/ha.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quế Võ, năm 2020, cây khoai tây Quế Võ được công nhận là sản phẩm chủ lực theo Chương trình OCOP. Theo đó, sản phẩm khoai tây Quế Võ được hỗ trợ tuyên truyền, quảng bá, xây dựng bộ nhận diện nhãn hiệu OCOP Bắc Ninh, xúc tiến thương mại và liên kết tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, các hộ sản xuất khoai tây còn được hỗ trợ triển khai các hình thức tổ chức sản xuất, huy động nguồn lực tài chính, nguồn vốn để thực hiện.

Tuy nhiên, việc phát triển thương hiệu khoai tây Quế Võ còn gặp nhiều khó khăn như chưa chủ động về nguồn giống, sản phẩm chủ yếu tiêu thụ ở dạng thô nên hiệu quả chưa tương xứng với tiềm năng. Bên cạnh đó, việc ứng dụng công nghệ sau thu hoạch vào bảo quản, chế biến còn hạn chế, chưa có hợp tác xã đứng ra sản xuất, chế biến và tiêu thụ. Hiện nay, trên địa bàn huyện chỉ mới có khoai tây của Hợp tác xã Nông nghiệp xanh được công nhận là sản phẩm OCOP nên việc quảng bá thương hiệu còn hạn chế.

Để nâng tầm thương hiệu khoai tây, UBND huyện Quế Võ đã ban hành đề án "Phát triển thương hiệu khoai tây Quế Võ giai đoạn 2020-2025". Theo đó, trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục quy hoạch các vùng sản xuất khoai tây giống, với diện tích 200 ha đáp ứng nguồn giống sạch bệnh cho 100% diện tích khoai tây vụ Đông. Đồng thời, huyện ổn định diện tích trồng mỗi năm là 1.500 ha, với năng năng suất đạt từ 18-20 tấn/ha .

Huyện Quế Võ phấn đấu đến năm 2025, nâng diện tích khoai tây sản xuất đạt tiêu chuẩn an toàn, tiêu chuẩn VietGap lên 1.000 ha và hình thành 20 tổ hợp tác, hợp tác xã liên kết sản xuất, tiêu thụ khoai tây. Trên địa bàn huyện phấn đấu có 3-5 sản phẩm chế biến từ khoai tây được đưa vào Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm OCOP", hình thành hệ thống kho bảo quản, trữ lượng 2.000 tấn khoai giống, 5.000 tấn thương phẩm mỗi năm.

Phát triển thương hiệu khoai tây Quế Võ ảnh 3Người dân trên địa bàn huyện Quế Võ thu hoạch cây khoai tây vụ Đông. Ảnh: Đinh Văn Nhiều-TTXVN

Để đạt mục tiêu trên, huyện Quế Võ sẽ tiếp tục chỉ đạo tổ chức quản lý chặt chẽ các vùng sản xuất theo quy hoạch, trong đó quy hoạch và tổ chức hệ thống sản xuất giống khoai tây sạch bệnh, ứng dụng công nghệ sinh học với quy mô 2 ha sản xuất giống siêu nguyên chủng, 20 ha sản xuất giống nguyên chủng và 200 ha sản xuất giống xác nhận nhằm chủ động nguồn giống và giảm chi phí nhập khẩu.

Bên cạnh đó, huyện chú trọng việc quy hoạch, thu hút đầu tư khu sơ chế, phân loại và bảo quản khoai tây thương phẩm và các loại rau, củ, quả, tổ chức đăng ký và đề nghị chứng nhận vùng sản xuất khoai tây thương phẩm an toàn; ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ nhà lưới, nhà kính, tưới nước tự động, tiết kiệm trong sản xuất khoai tây giống sạch bệnh. Ngoài ra, huyện cũng tăng cường các hoạt động quảng bá, giới thiệu, thực hiện xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường cho cây khoai tây Quế Võ...

Quang Nhiều

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm