Phát triển thương hiệu đặc sản bưởi cốm

Phát triển thương hiệu đặc sản bưởi cốm

Là đặc sản của xã Hương Thọ, thành phố Huế (Thừa Thiên - Huế), cây bưởi cốm đã mang lại giá trị kinh tế cao, góp phần nâng cao thu nhập cho bà con nông dân trên địa bàn xã. Chính quyền địa phương đang tích cực triển khai các giải pháp để mở rộng diện tích trồng bưởi; kết nối tiêu thụ bảo đảm ổn định đầu ra cho sản phẩm; thúc đẩy ứng dụng công nghệ bảo quản sau thu hoạch; đồng thời phát triển thương hiệu đặc sản bưởi cốm, mở ra cơ hội làm giàu cho nhiều hộ nông dân.

Phát triển thương hiệu đặc sản bưởi cốm ảnh 1 Nông dân thu hoạch bưởi cốm. Ảnh: Tường Vi - TTXVN

Gia đình ông Lê Đoàn, xã Hương Thọ, thành phố Huế trồng hơn 1 ha bưởi cốm. Theo ông Đoàn, cây bưởi cốm rất dễ trồng, khả năng chống chịu nhiều loại sâu bệnh, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của vùng gò đồi Hương Thọ. Để nâng cao năng suất, ông thường xuyên tìm hiểu và tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật chăm sóc cây bưởi; đầu tư lắp đặt hệ thống tưới tự động nhằm giảm công lao động và tiết kiệm nước. Hiện nay, bưởi cốm bước vào mùa thu hoạch, gia đình ông phải thuê thêm 10 nhân công để kịp cung ứng bưởi cho thị trường. Bình quân, mỗi gốc cho thu nhập từ 2,5 đến 5 triệu đồng.

Ông Lê Đoàn chia sẻ, gia đình ông trồng bưởi cốm từ năm 2002 với vài gốc. Sau đó nhận thấy hiệu quả kinh tế cao, gia đình ông đã phá bỏ vườn tạp mở rộng diện tích trồng bưởi cốm. Đến nay đã có 120 gốc đang cho thu hoạch. Mỗi năm, gia đình ông thu nhập khoảng 350 - 400 triệu đồng. Năm nay, dù ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 và thiên tai cuối năm 2020 nhưng vườn bưởi cũng mang lại cho gia đình ông nguồn thu ước đạt hơn 300 triệu đồng.

Bưởi cốm Hương Thọ có vị ngọt thanh, múi bưởi có màu hồng nhạt, nhiều nước. Bưởi cốm cho thu hoạch từ tháng 7 – 8 Âm lịch. Hiện nay, toàn xã Hương Thọ có khoảng 50 ha bưởi cốm, của 120 hộ dân; hàng năm đem lại doanh thu hàng chục tỷ đồng cho địa phương. Riêng vùng chuyên canh với diện tích 5 ha tại thôn Liên Bằng trồng theo hướng VietGAP, năng suất đạt 30 - 35 tấn/ha, ước tính doanh thu 450 - 500 triệu đồng/ha.

Phát triển thương hiệu đặc sản bưởi cốm ảnh 2 Chuẩn bị sản phẩm để cung ứng cho các chợ đầu mối. Ảnh: Tường Vi - TTXVN

Không chỉ tiêu thụ trong tỉnh, sản phẩm bưởi cốm đã có mặt tại các tỉnh, thành lân cận như Quảng Trị, Đà Nẵng... Từ năm 2015, bưởi cốm Hương Thọ được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận nhãn hiệu tập thể. Xã Hương Thọ chọn cây bưởi cốm làm sản phẩm chủ lực của địa phương, tập trung xây dựng và phát triển thương hiệu đặc sản bưởi cốm.

Ông Lê Văn Chúng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hương Thọ cho biết, năm 2020, UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế đã có quyết định phê duyệt, công nhận bưởi cốm Hương Thọ là sản phẩm OCOP đạt hạng 3 sao, mở ra cơ hội lớn mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao giá trị cho sản phẩm, góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân.

Phát triển thương hiệu đặc sản bưởi cốm ảnh 3 Nông dân thu hoạch bưởi cốm. Ảnh: Tường Vi - TTXVN

Thời gian tới, Hội Nông dân xã tiếp tục phối hợp với ngành nông nghiệp mở các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật trồng giống bưởi cốm, vận động người dân mở rộng diện tích trồng bưởi theo hướng cải tạo vườn tạp, chuyển đổi các diện tích hoa màu kém hiệu quả sang trồng bưởi, nhằm nâng cao thu nhập cho người dân.

Khó khăn hiện nay, là sản phẩm bưởi cốm chủ yếu tiêu thụ qua kênh bán lẻ cho các thương lái, chợ đầu mối chứ chưa kết nối được với các siêu thị, doanh nghiệp, đưa sản phẩm bưởi đến với các thị trường lớn, bảo đảm gia tăng giá trị sản phẩm cho người nông dân. Đặc biệt, năm nay do ảnh hưởng của dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, sản phẩm bưởi cốm chủ yếu tiêu thụ trong tỉnh, nên mức tiêu thụ và giá cả phần nào giảm so với mọi năm.

Phát triển thương hiệu đặc sản bưởi cốm ảnh 4 Bưởi cốm Hương Thọ là sản phẩm OCOP đạt hạng 3 sao cấp tỉnh. Ảnh: Tường Vi - TTXVN

Ông Lương An, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Hương Thọ cho biết, bưởi cốm cho thu nhập cao hơn hơn so với những cây trồng khác, trung bình 1 sào (500m2) cho thu hoạch từ 25 - 30 triệu đồng. Tuy nhiên, việc quảng bá và tìm được kênh tiêu thụ sản phẩm với các siêu thị và các tỉnh thành khác vẫn còn khó khăn, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay.

Hợp tác xã đang tích cực triển khai các biện pháp mở rộng diện tích, vận động bà con áp dụng biện pháp sản xuất theo hướng an toàn, VietGAP; tăng cường làm việc với các đơn vị nhằm thúc đẩy việc liên kết và tiêu thụ sản phẩm để ổn định đầu ra; kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà xưởng để bảo quản và chế biến các sản phẩm từ bưởi cốm, nhằm phát triển thương hiệu đặc sản bưởi cốm Hương Thọ.

Tường Vi

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm