Phát triển sinh kế và quản lý bền vững tài nguyên môi trường trong bối cảnh biến đổi khí hậu

Phát triển sinh kế và quản lý bền vững tài nguyên môi trường trong bối cảnh biến đổi khí hậu
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Lan Anh – TTXVN
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Lan Anh – TTXVN

Trong hai ngày 14 và 15/11, tại Trường Đại học Nông lâm – Đại học Thái Nguyên (tỉnh Thái Nguyên) đã diễn ra Hội thảo quốc tế với chủ đề “Phát triển sinh kế và quản lý bền vững tài nguyên môi trường trong bối cảnh biến đổi khí hậu”, thu hút sự tham gia của trên 250 chuyên gia, học giả, nhà nghiên cứu đến từ các trung tâm, vụ, viện, các trường đại học thuộc một số nước trên thế giới.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Điền – Hiệu trưởng trường Đại học Nông lâm – Đại học Thái Nguyên cho biết: Việt Nam là một trong những nước trên thế giới chịu tác động mạnh mẽ nhất của biến đổi khí hậu. Biến đổi khí hậu không chỉ tác động lên con người, kinh tế xã hội, an ninh môi trường và an ninh quốc gia mà còn tác động lên các hệ sinh thái và tài nguyên thiên nhiên. Điều này đã tác động trực tiếp đến đời sống cũng như điều kiện phát triển sinh kế của những người dân nghèo hiện đang sinh sống tại khu vực miền núi phía Bắc.

Mặc dù đã có nhiều cố gắng trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu, nhưng hiện tại Việt Nam cũng còn phải đối mặt với rất nhiều thách thức trong lĩnh vực này như: nhận thức và hiểu biết của cộng đồng về biến đổi khí hậu và tác động của biến đổi khí hậu còn hạn chế; các nghiên cứu khoa học về biến đổi khí hậu và tác động của biến đổi khí hậu còn khiêm tốn, nhất là các nghiên cứu mang tính định lượng; nguồn lực gồm nhân lực và vật lực dành cho các hoạt động về biến đổi khí hậu còn hạn hẹp”...

Hội thảo đã chia tổ và tập trung thảo luận vào 4 chủ đề chính gồm: Tác động của biến đổi khí hậu đến cộng đồng, dân tộc thiểu số và sức khỏe con người và vật nuôi; Quản lý tài nguyên môi trường ứng phó với biến đổi khí hậu; Ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp và quản lý tài nguyên môi trường; Hợp tác về đào tạo, nghiên cứu khoa học với các bộ ngành và địa phương.

“Giải pháp nào để ứng phó với biến đổi khí hậu” là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm, hầu hết các ý kiến cho rằng, biến đổi khí hậu cần có những giải pháp khẩn cấp mang tính toàn cầu để đạt được mục tiêu phát triển bền vững, xóa đói giảm nghèo, do vậy cần hạn chế lượng khí thải nhà kính và cải thiện an ninh năng lượng.

Ngoài ra, cũng có ý kiến cho rằng cần thực hiên các biện pháp chuyển đổi nhiên liệu hiệu quả từ các nhiên liệu có hàm lượng carbon cao sang các nhiên liệu không có hoặc có hàm lượng carbon thấp, đồng thời nâng cao nhận thức của con người và sử dụng các biện pháp để giảm năng lượng sử dụng hàng ngày như Giờ Trái đất./.

Có thể bạn quan tâm