Phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng kinh tế tuần hoàn ở Hà Nam

Phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng kinh tế tuần hoàn ở Hà Nam

Tại tỉnh Hà Nam đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng kinh tế tuần hoàn đem lại hiệu quả cao; giúp người chăn nuôi quản lý tốt chất thải nông nghiệp, sử dụng phế, phụ phẩm nông nghiệp làm phân bón trả lại độ phì cho đất, xử lý an toàn chất thải động vật, tạo nguồn chất đốt phục vụ sinh hoạt, chống ô nhiễm môi trường.

Với diện tích trên 30 ha vận hành theo mô hình nông nghiệp tuần hoàn khép kín mỗi năm trang trại của anh Đặng Xuân Nam, xã Nguyên Lý, huyện Lý Nhân cho thu lãi hàng trăm triệu đồng. Chất thải của hơn 30 con bò sữa, thân cây sau thu hoạch, bã húng quế sau khi ép lấy tinh dầu… được ngâm ủ với men vi sinh thành phân bón để trồng ngô, cỏ voi, húng quế, chuối. Những cây trồng này quay trở lại thành thức ăn cho đàn bò. Nhờ đó, mỗi năm gia đình tiết kiệm được khoảng 150 triệu đồng/năm chi phí sản xuất so với sử dụng hoàn toàn bằng việc mua nguyên liệu từ bên ngoài, đặc biệt đã xử lý triệt để tác nhân gây ô nhiễm môi trường.

Phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng kinh tế tuần hoàn ở Hà Nam ảnh 1Các đại biểu tham quan mô hình nông nghiệp tuần hoàn tiêu biểu ”Nuôi bò - trồng cây dược liệu, cây ăn quả” tại hộ gia đình anh Đặng Xuân Nam. Ảnh: khuyennongvn.gov.vn

Anh Đặng Xuân Nam cho biết, trang trại của gia đình anh luôn duy trì đàn bò sữa trên 30 con, gần 20 ha trồng húng quế, ngô, cỏ voi, chuối… nên lượng chất thải từ quá trình sản xuất hàng ngày rất lớn. Nhưng nhờ áp dụng phương pháp sản xuất theo hướng kinh tế tuần hoàn, gia đình không chỉ giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường mà còn giúp giảm chi phí đầu vào, đặc biệt, trong bối cảnh giá thức ăn chăn nuôi, phân bón... đều tăng cao thời gian qua, tình hình sản xuất của trang trại vẫn không bị ảnh hưởng nhiều.

Từ nhiều năm qua, gia đình ông Phạm Văn Loan, xã Chính Lý, huyện Lý Nhân đã tận dụng triệt để các phế phụ phẩm từ cây trồng, rơm rạ tại địa phương mang về đốt bằng lò xây do ông tự thiếu kế để lấy tro bón cho cây trồng thay cho kali. Đặc biệt trong bối cảnh giá vật tư nông nghiệp tăng cao, ông Loan đã chủ động liên kết các hộ chăn nuôi lợn ở trong thôn để làm nguồn phân bón hữu cơ cho hơn 200 gốc nhãn.

Nhờ đó, mỗi năm gia đình ông tiết kiệm được hơn 100 triệu đồng chi phí phân bón. Thêm vào đó, cỏ mọc trong vườn được xử lý bằng cách nuôi thả ngỗng dọn cỏ. Thay vì thuê nhân công về làm cỏ, mỗi năm gia đình ông tiết kiệm thêm 40 triệu tiền làm cỏ.

Ông Phạm Văn Loan cho biết, nhờ áp dụng phương pháp sản xuất nông nghiệp theo hướng kinh tế tuần hoàn, trong bối cảnh giá phân bón tăng cao gia đình đã chủ động được nguồn phân bón hữu cơ thay thế hoàn toàn phân bón hóa học cho vườn nhãn. Hơn nữa, dùng phân hữu cơ giúp đất tơi xốp hơn, đáp ứng đủ dinh dưỡng giúp cây nhãn hát triển tốt cho năng suất, chất lượng sản phẩm cao. Mỗi năm, hơn 200 gốc nhãn của gia đình ông cho thu về gần 500 triệu đồng, đồng thời góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường thôn xóm.

Tỉnh Hà Nam hiện có gần 400.000 con lợn; 37.000 con trâu, bò và hơn 8,4 triệu con gia cầm. Không chỉ các trang trại chăn nuôi lớn mà nhiều gia trại, nông hộ hiện đã phát triển mô hình sản xuất theo hướng kinh tế tuần hoàn, đó là các mô hình: vườn - ao - chuồng - biogas; lúa - cá; nuôi cá theo công nghệ "sông trong ao"; nuôi bò - trồng cây dược liệu, cây ăn quả; sản xuất tổng hợp nuôi bò - nuôi trùn quế - trồng cỏ, ngô, cây ăn quả; gia cầm - cá….

Các mô hình này đã giúp người chăn nuôi quản lý tốt chất thải nông nghiệp, sử dụng hợp lý phế, phụ phẩm nông nghiệp làm phân bón trả lại độ phì nhiêu cho đất, xử lý an toàn chất thải động vật, tạo nguồn chất đốt phục vụ sinh hoạt, chống ô nhiễm môi trường.

Theo ông Lê Hoàng Thuyên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nam, nông nghiệp tuần hoàn chính là điểm khác biệt lớn với nền kinh tế truyền thống chỉ quan tâm đến việc khai thác tài nguyên nhằm tối đa hóa sản lượng, giá trị gia tăng, tạo ra một lượng phế thải lớn gây ô nhiễm môi trường.

Sản xuất nông nghiệp theo hướng kinh tế tuần hoàn sẽ khai thác và sử dụng tài nguyên một cách tiết kiệm, hiệu quả, giảm thiểu sự lãng phí, thất thoát sau thu hoạch, tao ra sản phẩm an toàn, chất lượng cao và nhất là giảm thiểu và đi đến triệt tiêu chất thải gây ô nhiễm môi trường, bảo vệ hệ sinh thái và sức khỏe con người. Đặc biệt, trong bối cảnh giá vật tư nông nghiệp, thức ăn chăn nuôi tăng cao, nông nghiệp tuần hoàn là một cứu cánh nhằm giảm chi phí đầu vào, nâng cao hiệu quả kinh tế cho người sản xuất.

Để sản xuất nông nghiệp theo hướng kinh tế tuần hoàn trên địa bàn tỉnh Hà Nam đạt hiệu quả, thời gian tới, ngành nông nghiệp Hà Nam phối hợp với các sở, ngành, địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn cho các hộ dân, chủ trang trại hiểu rõ về ý nghĩa của sản xuất nông nghiệp theo hướng kinh tế tuần hoàn; tiếp tục xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng kinh tế tuần hoàn hiệu quả.

Nguyễn Chinh

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm