Phát triển sản phẩm OCOP gắn với phát triển du lịch Tiền Giang

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, Chủ tịch Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh Tiền Giang Phạm Văn Trọng (thứ hai từ trái sang) đánh giá về sản phẩm OCOP. Ảnh: Minh Trí - TTXVN
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, Chủ tịch Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh Tiền Giang Phạm Văn Trọng (thứ hai từ trái sang) đánh giá về sản phẩm OCOP. Ảnh: Minh Trí - TTXVN

Tỉnh Tiền Giang tập trung phát triển các sản phẩm OCOP (Mỗi xã một sản phẩm) có xuất xứ từ nông nghiệp, dịch vụ du lịch có lợi thế trên địa bàn tỉnh theo hướng đổi mới, tập trung liên kết, phát huy nội lực do các đơn vị tổ chức sản phẩm OCOP thực hiện. Hoạt động kết nối sản phẩm OCOP gắn với phát triển du lịch đã góp phần đẩy mạnh việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP của tỉnh.

Phát triển sản phẩm OCOP gắn với phát triển du lịch Tiền Giang ảnh 1Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, Chủ tịch Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh Tiền Giang Phạm Văn Trọng (thứ hai từ trái sang) đánh giá về sản phẩm OCOP. Ảnh: Minh Trí - TTXVN

Theo Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang Võ Văn Lập, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, đơn vị tham gia OCOP, đơn vị đã và đang thực hiện phối hợp các ngành chức năng hỗ trợ các điểm du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, thực hiện giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP trên Cổng thông tin du lịch tỉnh; hỗ trợ hoàn thiện, nâng chất lượng các mô hình du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, nông thôn, Homestay, Farmstay…

Đơn vị hỗ trợ xây dựng, trang trí nâng cấp gian hàng trưng bày và bán sản phẩm OCOP bao gồm xây dựng, sửa chữa, mua giá, kệ trưng bày sản phẩm, bảng hiệu, trang trí điểm bán hàng và các hạng mục cần thiết, phù hợp khác bên trong điểm bán hàng và lồng ghép các chính sách hỗ trợ thực hiện chương trình OCOP…

Vào cuối năm 2022, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tiền Giang vừa hỗ trợ vườn lan Thảo Nguyên (xã Thới Sơn) thực hiện thành công chứng nhận điểm du lịch OCOP đầu tiên của Thành phố Mỹ Tho.

Chính thức đi vào hoạt động từ năm 2013 nhưng địa điểm du lịch vườn lan Thảo Nguyên cũng tương tự như các điểm du lịch sinh khác trên địa bàn tỉnh như thưởng thức mật ong và nghe đờn ca tài tử nên lượng khách đến tham quan ít.

Đầu năm 2022, từ chủ trương của Nhà nước cùng các chính sách hỗ trợ, phục hồi du lịch của tỉnh, vườn lan Thảo Nguyên đầu tư khôi phục lại hoạt động theo tiêu chí nâng cao chất lượng phục vụ và trở thành điểm đầu tiên của xã Thới Sơn được chứng nhận OCOP 3 sao, mở ra triển vọng mới cho du lịch trên địa bàn trong bối cảnh du lịch đang khởi sắc trở lại.

Vườn lan Thảo Nguyên được thiết kế, trang trí lại cảnh quan bắt mắt từ các loại hoa kiểng, cảnh quan, kết hợp với bổ sung thêm các hoạt động dịch vụ khác như có hẳn một không gian rộng lớn trưng bày, quảng bá các sản phẩm OCOP của tỉnh, làm phong phú thêm hoạt động dịch vụ, nhất là khách quốc tế rất thích thú khám phá trải nghiệm quy trình từ trồng cây nguyên liệu, đến chế biến và thưởng thức sản vật địa phương tại chỗ.

Anh Lê Hoàng Anh Huy, chủ điểm du lịch vườn lan Thảo Nguyên đang nâng chất dự án toàn diện, chủ động phối hợp với các chủ thể có sản phẩm OCOP để liên kết cùng nhau đưa vào phục vụ du khách, một mặt làm phong phú thêm hoạt động du lịch. Mặt khác quảng bá, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp địa phương.

Tại điểm du lịch nhà cổ Ba Đức, một điểm đến nổi tiếng của làng nhà cổ Đông Hòa Hiệp, huyện Cái Bè, chủ nhân nhà cũng kết hợp du lịch với trưng bày và tiêu thụ sản phẩm bánh phồng nhà cổ, sản phẩm đã được công nhận OCOP 3 sao.

Chú Trần Văn Đức, chủ nhân ngôi nhà cổ cho biết, khách du lịch trong và ngoài nước khi đến tham quan nhà cổ thích mua bánh phồng tôm nhà cổ để làm quà cho người thân, cũng như được trải nghiệm quy trình sản xuất bánh tại đây.

Còn Hợp tác xã nông nghiệp Đông Nghi (xã Tam Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) kết hợp mô hình trang trại sản xuất kết hợp với phát triển du lịch tham quan trải nghiệm tại trang trại dê. Du khách khi đến tham quan còn được xem trưng bày 6 dòng sản phẩm OCOP của hợp tác xã làm từ sữa dê theo hướng Organic (thực phẩm hữu cơ). Đây cũng là các sản phẩm OCOP đã và đang được người tiêu dùng ưa chuộng, với sức mua tăng mạnh trong thời gian gần đây.

Ở điểm du lịch Dược liệu xanh Thiên Ân, địa chỉ tại ấp Phú Quí, xã Vĩnh Hựu, huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang được tổ chức theo mô hình thí điểm phát triển du lịch xanh hướng tới thiên nhiên. Điểm du lịch được xây dựng trên khu vườn tập trung hơn 100 loại cây thuốc, dược liệu, có tác dụng trong việc điều trị và chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng; đồng thời cung cấp rau xanh, thảo dược để chế biến món ăn, nước uống phục vụ khách du lịch và cũng là nơi cho du khách trải nghiệm thực tế.

Điểm nhấn của điểm du lịch này còn là không gian trưng bày các sản phẩm OCOP của công ty được chế biến từ đông trùng hạ thảo để du khách có thể thưởng thức và mua về làm quà tặng. Ngoài ra, các dịch vụ phục vụ nhu cầu của khách tham quan rất đa đạng gồm tham quan vườn cây thuốc, dược liệu, hoạt động sản xuất nhang, quy trình nuôi cấy nấm đông trùng hạ thảo, tham quan hầm rượu đông trùng hạ thảo; tham gia các hoạt động trải nghiệm thực tế như làm bánh quy, làm nhang, cấy lúa, các trò chơi dân gian,...

Bà Trần Thị Luôn, Phó Giám đốc Công ty TNHH Đông trùng hạ thảo Thiên Ân (huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang) cho biết, thông qua hoạt động trưng bày các sản phẩm OCOP tại điểm du lịch của công ty đã góp phần giới thiệu, quảng bá sản phẩm cũng như kết nối sản phẩm với người tiêu dùng.

Quyền Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Tiền Giang Đặng Văn Tuấn cho biết, nhằm tạo điều kiện cho các hợp tác xã, doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm OCP, Sở Công Thương phối hợp với các sở, ngành có liên quan đã tổ chức điểm bán hàng trưng bày, giới thiệu các sản phẩm OCOP để giới thiệu sản phẩm đặc trưng của địa phương đến tay người tiêu dùng, nhất là đối với khách du lịch.

Việc tổ chức điểm giới thiệu, bán sản phẩm OCOP và sản phẩm đặc trưng của tỉnh Tiền Giang cũng nhằm mục tiêu tìm giải pháp hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm OCOP nhằm tạo điều kiện cho sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất một cách bền vững hơn. Qua đó, khuyến khích các cơ sở OCOP tích cực đầu tư, nâng cao chất lượng, tạo dựng thương hiệu sản phẩm, từ đó nâng cao số lượng, giá trị sản phẩm tiêu thụ và thu nhập của người dân.

Hữu Chí

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm