Phát triển nhãn hiệu tập thể đặc sản hồng Gia Thanh

Phát triển nhãn hiệu tập thể đặc sản hồng Gia Thanh

Nhằm bảo tồn và phát triển thương hiệu đặc sản hồng Gia Thanh của xã Gia Thanh, huyện Phù Ninh, những năm qua, tỉnh Phú Thọ chỉ đạo các ngành liên quan thực hiện điều tra khảo sát đất đai, điều kiện tự nhiên để quy hoạch phát triển vùng sản xuất hồng tập trung quy mô lớn. Từ đó, xây dựng những cơ chế chính sách phù hợp nhằm khuyến khích người dân mở rộng diện tích trồng hồng.

Theo đó, UBND huyện Phù Ninh xây dựng mô hình trồng, thâm canh trên đất đồi dốc, diện tích kém hiệu quả; tập huấn kỹ thuật cho các hộ nông dân; tuyển chọn cây hồng ưu tú; xây dựng vườn ươm, phân tích mẫu đất, mẫu quả, hệ thống bơm cấp nước tưới, cách trồng, chăm sóc, bảo đảm các yếu tố chống rửa trôi, xói mòn bảo vệ đất đai... xây dựng chính sách hỗ trợ giá giống, kỹ thuật chăm sóc cho những hộ trồng mới, quy mô lớn.

Đồng thời, tiếp tục triển khai tuyển chọn những cây hồng giống ưu tú, cây đầu dòng và xây dựng chính sách để giữ gìn bảo vệ làm nguồn giống cung cấp lâu dài cho sản xuất, đặc biệt là phân phối giống cho những xã khác phù hợp thổ nhưỡng để mở rộng

Ông Hán Xuân Đang, Chủ tịch UBND xã Gia Thanh cho biết, thực hiện dự án phát triển "Hồng không hạt xã Gia Thanh", xã đã quy hoạch, khảo sát từng hộ trồng để có phương án phát triển, mở rộng đồng thời tuyển chọn những cây hồng giống ưu tú, cây đầu dòng và xây dựng chính sách để giữ gìn bảo vệ làm nguồn giống cung cấp lâu dài cho sản xuất. Đây được xem như một khâu “cốt lõi” nhằm xây dựng thương hiệu đặc sản hồng Gia Thanh tại địa phương.

Hồng Gia Thanh là giống hồng ngâm không hạt quả to, hình thức đẹp, có 4 cạnh hình vuông, quả dài, nếu cắt ngang có hình ngôi sao màu vàng. Giống hồng cho năng suất cao, khi ăn giòn, vị ngọt đậm. Quả có màu xanh vàng khi chín ngả hẳn sang màu vàng pha sắc đỏ. Xưa kia, loại quả này được đem cung tiến các vua Hùng và ngày nay đã trở thành món quả đặc sản nổi tiếng khắp miền Bắc, có mặt trong mâm ngũ quả Tết Trung thu của nhiều gia đình. Có thể nói, đây chính là cây trồng giúp người dân xóa đói giảm nghèo và vươn lên làm giàu trong những năm qua.

Bà Phạm Thị Thuận - một trong những hộ sản xuất tiêu biểu của xã Gia Thanh nhiều năm liền chia sẻ, năm 1990 thấy nhiều hộ trong xã hồng và bán được giá nên cũng thử mua vài cây về trồng thử. Từ chỗ trồng thử 3 cây, đến nay gia đình bà Thuận đã có hẳn một vườn hồng, diện tích hơn 8.000m2 với hơn 100 gốc đã cho thu hoạch, thu nhập bình quân hơn 100 triệu đồng/năm.

“Nhờ trồng hồng mà gia đình tôi đã thay đổi, từ một hộ khó khăn, giờ đã có thu nhập ổn định từ việc trồng hồng. Nhà cửa được xây dựng khang trang, sạch sẽ, đặc biệt là thu nhập từ hồng rất ổn định, thậm chí không có hồng để bán vào dịp Trung thu hàng năm”, bà Thuận cho hay.

Chị Hán Thị Thanh Bình ở xã Gia Thanh cho biết, gia đình chị đã đầu tư trồng 1 ha hồng thay thế cây cọ, bạch đàn kém hiệu quả trước kia. Hồng năm nay sai quả, mẫu mã đẹp, dễ bán. Có cây hồng cho thu hoạch hàng nghìn quả. Hầu hết các cây hồng ở đây được tư thương từ Việt Trì, Hà Nội đặt mua. Với giá bán bình quân từ 35 - 40 nghìn đồng/kg thì thu nhập bình quân mỗi cây cho thu nhập hơn 1 triệu đồng.

Xã Gia Thanh hiện có khoảng 70 ha diện tích hồng Gia Thanh, trong đó gần 50 ha đang cho thu hoạch, là sản phẩm của các hộ gia đình tham gia dự án phát triển cây hồng của xã. Hộ ít có 50 cây, hộ nhiều có từ 70 đến hơn 100 cây, thậm chí có hộ tới hơn 200 cây. Năng suất bình quân hàng năm đạt hơn 20 tấn, với tổng doanh thu khoảng 8 tỷ đồng.

Giống hồng được trồng trên đất Gia Thanh ít nhất từ 50 năm, có những cây đã gần 70 năm tuổi.Cây dưới 10 năm cho năng suất bình quân 120-140 kg/cây/năm, cá biệt có cây đạt 150 kg/năm rất thích hợp trồng trên đất vùng đồi.

Ông Hán Xuân Đang, Chủ tịch UBND xã Gia Thanh cho biết, để tiếp tục khuyến khích người dân mở rộng diện tích, bảo tồn và phát triển đặc sản hồng Gia Thanh, xã tập trung rà soát những diện tích đất đồi vườn kém hiệu quả, chuyển đổi sang trồng hồng. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, lồng ghép đưa chủ trương chính sách hỗ trợ của huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ kết hợp lồng ghép với các nguồn vốn khác để hỗ trợ người dân tham gia trồng và mở rộng quy mô diện tích. Từ đó giúp cho người dân yên tâm khi sản xuất hồng, đáp ứng nhu cầu hồng trên thị trường; đặc biệt nhân rộng giống hồng này bản địa này.

Trước mắt, xã Gia Thanh sẽ hoàn thiện mô hình trồng hồng Gia Thanh đạt tiêu chuẩn đưa vào siêu thị của Chương trình Mỗi xã phường một sản phẩm (OCOP). Bên cạnh đó, xã đã hoàn thành chứng nhận an toàn cho sản phẩm và tem nhãn riêng, phân biệt hồng ở Gia Thanh với những nơi khác, mỗi hộ sẽ có mã vạch riêng để dễ dàng truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

“Mong muốn lớn nhất của xã Gia Thanh là thống nhất các hộ dân thành hợp tác xã để quy chuẩn đầu vào, đầu ra sản phẩm, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng cáo thương hiệu hồng Gia Thanh. Từ đó đưa sản phẩm hồng Gia Thanh đi xa hơn, tương xứng với chất lượng của đặc sản đất vua Hùng", Chủ tịch UBND xã Gia Thanh nói.

Với mục đích khẳng định vị thế, tên tuổi của sản phẩm trên thị trường, từ năm 2017, UBND huyện Phù Ninh đã triển khai thực hiện dự án Tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể "Hồng không hạt Gia Thanh" của xã Gia Thanh, huyện Phù Ninh.

Tháng 8/2019 UBND huyện Phù Ninh tổ chức hội nghị công bố nhãn hiệu tập thể "Hồng không hạt Gia Thanh" xã Gia Thanh, huyện Phù Ninh do Cục sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cho Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp xã Gia Thanh và cấp phép sử dụng nhãn hiệu tập thể cho 159 hộ gia đình trồng hồng xã Gia Thanh.

Ông Nguyễn Phúc Suyên, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phù Ninh khảng định, hồng không hạt Gia Thanh là cây đặc sản, có giá trị kinh tế cao. Với một xã nghèo và còn nhiều khó khăn như Gia Thanh thì việc phát triển cây hồng truyền thống là một hướng đi đúng, có nhiều triển vọng, trở thành loại cây trọng điểm đem lại hiệu quả kinh tế cao cho nhân dân.

Hiện, toàn huyện cho trên 110 ha diện tích trồng hồng Gia Thanh, được trồng tập trong ở xã Gia Thanh với 70 ha, số còn lại được trồng rải rác ở các xã như: Phú Thọ, Tiên Du, Bảo Thanh, Hạ Giáp...

Để tiếp tục phát triển cây hồng Gia Thanh trên địa bàn, trong thời gian tới chính quyền địa phương khuyến khích người dân mở rộng diện tích trồng qua đó thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu cây trồng của địa phương, đồng thời giám sát việc sử dụng nhãn hiệu tập thể “Hồng không hạt Gia Thanh” để nâng cao giá trị và khẳng định chất lượng giống hồng đặc sản của Gia Thanh nói riêng và huyện Phù Ninh nói chung.

Tạ Văn Toàn

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm