Nhân Ngày Khoa học và Công nghệ 18/5 năm 2019:

Phát triển nguồn nhân lực và nhân lực chất lượng cao vùng Tây Nam Bộ

Phát triển nguồn nhân lực và nhân lực chất lượng cao vùng Tây Nam Bộ
Mục tiêu tổng quát của đề tài là xây dựng chiến lược và đề xuất hệ giải pháp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Nam Bộ đến 2020, tầm nhìn 2035. Cụ thể: Đánh giá thực trạng nguồn nhân lực vùng Tây Nam Bộ giai đoạn 1986-2015; làm rõ nhu cầu về nguồn nhân lực và nhân lực chất lượng cao đối với phát triển kinh tế xã hội vùng Tây Nam Bộ giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn 2035. Đồng thời xây dựng luận cứ khoa học, đề xuất các giải pháp phát triển nguồn nhân lực nhằm phục vụ phát triển bền vững cho vùng Tây Nam Bộ giai đoạn 2015-2020, tầm nhìn 2035.

Những đóng góp mới

Đề tài nghiên cứu “Phát triển nguồn nhân lực và nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Nam Bộ”, được thực hiện trong bối cảnh khu vực đang trải qua những cơ hội và thách thức dưới tác động của biến đổi khí hậu và môi trường, đô thị hóa, di cư, tiến bộ kỹ thuật và Cách mạng công nghiệp 4.0… Do đó, đề tài tập trung giải quyết những vấn đề mà các công trình khoa học trước đây chưa đi sâu và chưa xem xét đầy đủ. Qua đây đề tài góp phần bổ sung vào hệ thống các công trình khoa học ở Việt Nam về lĩnh vực phát triển nguồn nhân lực và nhân lực chất lượng cao trên địa bàn vùng Tây Nam Bộ.

Phát triển nguồn nhân lực và nhân lực chất lượng cao là nhân tố có ảnh hưởng quyết định đến sự phát triển bền vững của Tây Nam Bộ, cũng như của cả nước trong quá trình hội nhập. Đề tài đã góp phần xây dựng chiến lược và đề xuất hệ giải pháp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Nam Bộ đến năm 2020, tầm nhìn 2035. Trên cơ sở đánh giá thực trạng nguồn nhân lực Tây Nam Bộ, đề tài đã làm rõ và dự báo được nhu cầu nhân lực đến 2040 nhằm phát triển bền vững vùng Tây Nam Bộ.

Có thể nói, nguồn nhân lực của khu vực này dồi dào về số lượng lao động khá lớn so với các khu vực khác do quy mô dân số đông, đang nằm trong thời kỳ “dân số vàng”. Trong thời gian qua việc phát triển nguồn nhân lực Tây Nam Bộ chủ yếu tập trung vào nâng cao dân trí, đào tạo kỹ năng, nâng cao quy mô đào tạo đại học phục vụ cho phát triển kinh tế, xã hội của vùng nói chung mà chưa thực sự dựa trên quan điểm phát triển bền vững. Cơ cấu kinh tế nhỏ và phân tán chưa cho phép phát huy được những lợi thế so sánh của vùng. Khi so sánh Tây Nam Bộ với các vùng miền khác thì ta thấy trình độ và chất lượng nguồn nhân lực khu vực này vẫn còn thấp, chưa đáp ứng được đúng yêu cầu phát triển của vùng.

Đặc trưng trên được thể hiện qua tỷ lệ lao động đã được đào tạo thấp trong khi tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm còn cao. Nông nghiệp là một thế mạnh của Tây Nam Bộ, nhưng xu hướng chuyển dịch từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp đang thể hiện khá rõ nét, nhất là dịch chuyển sang khu vực không chính thức. Nhân lực đang làm nông nghiệp hiện nay ở các địa phương Tây Nam Bộ là những lao động lớn tuổi không có khả năng chuyển đổi công việc, đang bị tụt hậu so với mặt bằng chung của cả nước. Nhiều lao động bị nghỉ việc từ các khu công nghiệp (do quy định không tuyển dụng lao động phổ thông sau 35 tuổi), nay quay về quê hương, cần có thu nhập và việc làm nhưng không thể bố trí được, hậu quả là thất nghiệp và thiếu việc làm gia tăng ở nhiều địa phương trong vùng. Trong khi đó, cha mẹ và bản thân thanh niên có tâm lý không thích học nghề mà thi vào đại học khiến cho các trường cao đẳng nghề không thu hút và không đào tạo được các nhân lực trẻ cần thiết cho khu vực. Bởi vậy việc đào tạo nhân lực của Tây Nam Bộ chưa dựa trên cơ sở nhu cầu của thị trường và doanh nghiệp.

Kết quả phân tích của đề tài cho thấy phần đông các doanh nghiệp hiện có quy mô nhỏ và siêu nhỏ. Số lượng lao động đã qua đào tạo rất thấp, khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong tuyển dụng. Tình trạng nhân lực chưa đáp ứng được cả về số lượng và về chất lượng diễn ra phổ biến. Nhiều doanh nghiệp tuyển dụng lao động nhưng phải đào tạo lại, việc đào tạo lại nguồn lao động khiến cho các doanh nghiệp bị tốn kém thời gian và kinh phí nên họ quay lưng lại với tuyển dụng nhân lực. Bên cạnh đó, chỉ khi chất lượng nhân lực trong lĩnh vực nông nghiệp tốt mới có thể tạo ra sản phẩm nông nghiệp đáp ứng được các yêu cầu trong nước, cũng như trên thị trường quốc tế mà Tây Nam Bộ có ưu thế.

Theo kết quả dự báo của đề tài, để đáp ứng được yêu cầu phát triển mà cụ thể là để đạt được tốc độ tăng trưởng cao thì đến năm 2035 Tây Nam Bộ phải huy động được quy mô nhân lực tăng gấp năm lần quy mô nhân lực của năm 2015. Muốn vậy, các tỉnh vùng Tây Nam Bộ phải có những chính sách, cơ chế đột phá, có hiệu quả để đào tạo và thu hút nhân lực chất lượng cao nhằm tạo ra nguồn cung nhân lực chất lượng cao trong nội vùng. Rõ ràng là phát triển nhân lực vùng Tây Nam Bộ chưa dựa trên nhu cầu và xu hướng phát triển của vùng, chưa dựa trên dự báo trung hạn và dài hại, chưa xây dựng được hệ thống giám sát, đánh giá phát triển nhân lực và nhân lực chất lượng cao của vùng.

Kết quả của đề tài một lần nữa khẳng định rằng Tây Nam Bộ cần có cơ chế, chính sách để phát triển nguồn nhân lực theo hướng đáp ứng được yêu cầu phát triển bền vững. Cần cải thiện cả chất lượng đường xá, cơ sở hạ tầng, logistic và có một thị trường việc làm tương xứng với tiềm năng của vùng, trên cơ sở đó nâng cao năng suất nhằm cải thiện nguồn thu nhập và chất lượng cuộc sống của người lao động, các hộ gia đình, đồng thời nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để phát triển bền vững vùng Tây Nam Bộ.

Hiệu quả nghiên cứu, đào tạo

Kết quả khảo sát của đề tài tại năm tỉnh Tây Nam Bộ đã cho thấy hiệu quả của nhiệm vụ về nghiên cứu, đào tạo. Đề tài đã góp phần tăng cường năng lực cho các tổ chức tham gia, bao gồm cơ quan chủ trì thực hiện và các cơ quan phối hợp nghiên cứu, cũng như đội ngũ cán bộ nghiên cứu thuộc các cơ quan nói trên. Đề tài đã xem xét một số lý thuyết phát triển nguồn nhân lực với nội hàm bao gồm thuyết kinh tế học, thuyết tâm lý học và thuyết hệ thống, trên cơ sở đó lý giải và đánh giá vai trò của nguồn nhân lực trong phát triển bền vững ở cấp độ quốc gia, khu vực và tổ chức, trong đó có các tỉnh Tây Nam Bộ.

Đề tài cũng đã góp phần hoàn thiện các tư liệu và dữ liệu về nguồn nhân lực và nhân lực chất lượng cao, đóng góp quan trọng cho các cơ quan khoa học và hoạch định chính sách, cũng như các giảng viên và sinh viên tại các cơ sở đào tạo ở Việt Nam nói chung và Tây Nam Bộ nói riêng.  Đồng thời, đề tại cũng tạo điều kiện cho các học viên cao học, các nghiên cứu sinh tại cơ quan chù trì và tham gia có thể tiếp nhận được các tư liệu và sử dụng số liệu được thu thập từ cuộc khảo sát tại Tây Nam Bộ. Đề tài cũng góp phần đào tạo một học viên cao học và một nghiên cứu sinh trong  thời gian thực hiện.

Các kết quả nghiên cứu của đề tài, bao gồm các báo cáo tổng hợp, báo cáo tóm tắt, báo cáo kiến nghị và các bài báo khoa học được sử dụng làm tài liệu tham khảo trong nghiên cứu, học tập tại Học viện Khoa học xã hội và các cơ quan khác trong và ngoài Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam. Mặt khác, các báo cáo đề xuất, kiến nghị và cơ sở dữ liệu của đề tài cung cấp các luận cứ khoa học quan trọng cho việc xây dựng đường lối, chủ trương và giải pháp về đào tạo nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của khu vực Tây Nam Bộ, cũng như cho vùng Nam Bộ nói chung.
Văn Hào

Có thể bạn quan tâm