Phát triển nguồn nhân lực người dân tộc thiểu số vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh phát biểu tại Hội nghị phát triển giáo dục và đào tạo vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức tại thành phố Cần Thơ hồi thán
Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh phát biểu tại Hội nghị phát triển giáo dục và đào tạo vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức tại thành phố Cần Thơ hồi thán

Tại Đồng bằng sông Cửu Long, các chủ trương, chính sách chăm lo, đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc, đặc biệt là công tác đào tạo, bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực là người dân tộc thiểu số của Đảng, Nhà nước ngày càng tốt hơn. Qua đó, khoảng cách phát triển giữa các dân tộc, vùng miền, giữa đô thị và nông thôn từng bước được rút ngắn.

Phát triển nguồn nhân lực người dân tộc thiểu số vùng Đồng bằng sông Cửu Long ảnh 1Một tiết học của Khoa Ngôn ngữ - Văn hóa - Nghệ thuật Khmer Nam Bộ, Trường Đại học Trà Vinh. Ảnh: voh.com.vn

Tín hiệu khả quan

Theo đánh giá của Vụ Công tác dân tộc địa phương, Ủy ban Dân tộc, hoạt động giáo dục trong vùng dân tộc được đẩy mạnh. Các chính sách về giáo dục đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cũng phát huy hiệu quả tích cực. Các trường phổ thông dân tộc nội trú hoạt động hiệu quả. Chính sách cử tuyển, dạy nghề, dạy chữ dân tộc được quan tâm. Số lượng học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số ngày càng tăng. Đội ngũ giáo viên dân tộc thiểu số được quan tâm. Việc bố trí học chữ dân tộc được các trường phổ thông duy trì. Việc tổ chức học chữ dân tộc tại các điểm chùa, trường học, thánh đường theo truyền thống được địa phương quan tâm thực hiện.

Hiện nay, toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long có trên 2.000 cơ sở giáo dục Mầm non, gần 5.700 cơ sở giáo dục Tiểu học, hơn 1.340 cơ sở giáo dục Trung học Cơ sở và 350 cơ sở giáo dục Trung học Phổ thông. Vùng có 10/13 tỉnh, thành phố đã có trường Đại học; ba tỉnh còn lại là Cà Mau, Bến Tre, Sóc Trăng có các chi nhánh và phân hiệu của các trường Đại học. Cùng với đó, nhiều chương trình liên kết, đề án đào tạo Đại học, sau Đại học được các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện. Trong đó, Đề án “Mê Công 1.000” (Đề án đào tạo 1.000 cán bộ khoa học kỹ thuật cho 13 tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long) thể hiện sự nỗ lực phối hợp giữa Trường Đại học Cần Thơ với các tỉnh, thành phố trong vùng. Vùng còn có cơ sở đào tạo hệ Đại học về Ngôn ngữ - Văn hóa - Nghệ thuật Khmer Nam Bộ duy nhất của cả nước tại Trường Đại học Trà Vinh. Những kết quả này được ghi nhận là những “điểm sáng” trong giáo dục Đại học của vùng.

Đối với công tác đào tạo nguồn nhân lực y tế cho vùng, theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Kiên, Hiệu trưởng Đại học Y dược Cần Thơ, Nhà trường đặc biệt chú trọng đến đào tạo cho con em người dân tộc được các tỉnh đặt hàng theo chế độ cử tuyển với mục tiêu bổ sung số lượng, nâng cao chất lượng cho đội ngũ nhân viên y tế làm việc lâu dài ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đến thời điểm hiện tại, trường đã và đang đào tạo gần 840 sinh viên thuộc hệ cử tuyển của địa phương, chủ yếu từ Trà Vinh, Sóc Trăng, An Giang, Bạc Liêu, Hậu Giang, Cà Mau. Đa số là người dân tộc Khmer (chiếm 83,7%), một số ít là người dân tộc khác như Chăm, Bana, H’rê… Trong quá trình các sinh viên theo học, nhà trường thực hiện đầy đủ các chính sách trợ cấp xã hội, học bổng khuyến khích từ nguồn dự án ADB, học bổng Vừ A Dính…

Trà Vinh là tỉnh đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống (chiếm hơn 31% dân số toàn tỉnh) và có khoảng 74.000 học sinh dân tộc ở các bậc học. Theo Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Lê Văn Hẳn, địa phương có đề án quy hoạch, phát triển trường, lớp nhằm phục vụ công tác giáo dục, đào tạo, nguồn nhân lực chất lượng cao vùng đồng bào dân tộc. Toàn tỉnh có một trường Đại học, một trường Cao đẳng nghề, một trường Cao đẳng y tế và gần 430 trường học giáo dục phổ thông. Địa phương chú trọng đầu tư phát triển giáo dục, đào tạo ở khu vực có đông đồng bào Khmer như tại huyện Trà Cú, Cầu Ngang, Châu Thành…. Cùng với đó, tỉnh bồi dưỡng, quy hoạch cán bộ là người dân tộc Khmer có tính kế thừa, nhất là đối với vị trí cán bộ chủ chốt, cán bộ lãnh đạo, quản lý theo hướng chuẩn hóa dần cả trình độ học vấn, chuyên môn nghiệp vụ và lý luận chính trị.

Toàn tỉnh có trên 130 trường học dạy tiếng Khmer với khoảng 42.200 học sinh; 5 trường dạy tiếng Hoa với hơn 1.600 học sinh; có 10 trường Phổ thông dân tộc nội trú với hơn 3.000 học sinh theo học hàng năm. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Huỳnh Thị Diễm Ngọc cho biết, địa phương luôn thực hiện chính sách ưu tiên đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo vùng dân tộc thiểu số nhằm thu hẹp khoảng cách về chất lượng giáo dục giữa các vùng, bảo đảm các điều kiện phát triển giáo dục bền vững; coi đây là giải pháp quan trọng nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Bà Huỳnh Thị Diễm Ngọc thông tin thêm: Cán bộ dân tộc Khmer được tỉnh đào tạo, bổ nhiệm và bố trí công tác ở các ngành, cấp ngày càng nhiều. Qua quá trình công tác, đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số đã phát huy tốt vai trò là “cầu nối” với đồng bào dân tộc. Với việc am hiểu phong tục, tư tưởng, văn hóa của đồng bào, các cán bộ dân tộc thiểu số dễ dàng đưa chủ trương, đường lối đổi mới của Đảng, Nhà nước đến với bà con, góp phần nâng cao tính hiệu quả trong các phong trào xây dựng tại địa phương, đặc biệt là phong trào nông thôn mới. Từ đó, tập hợp được sức mạnh khối đoàn kết các dân tộc.

Cần chính sách đặc thù

Tại Hội nghị phát triển giáo dục và đào tạo vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức tại thành phố Cần Thơ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh nhấn mạnh, Đồng bằng sông Cửu Long có 43 thành phần dân tộc; trong đó, chiếm số đông là đồng bào dân tộc Khmer, Hoa, Chăm... Vì vậy, giáo dục chuyên biệt có điều kiện phát triển. Tuy nhiên, toàn vùng chỉ có 47% trường đặc thù đạt chuẩn quốc gia. Do đó, Bộ trưởng đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo, các địa phương triển khai các giải pháp để đồng bào các dân tộc thiểu số có cơ hội tiếp cận giáo dục bình đẳng. Ngành Giáo dục tham mưu Chính phủ để đào tạo giáo viên là người địa phương, cơ cấu tỷ lệ giáo viên là người dân tộc; cần có chính sách giáo dục đặc thù riêng cho vùng. Lãnh đạo các tỉnh, thành phố trong khu vực cần quan tâm việc quy hoạch, phát triển hợp lý mạng lưới, quy mô các trường phổ thông dân tộc bán trú, nội trú và dự bị Đại học dân tộc. Các bộ, ngành và đơn vị đào tạo đổi mới phương thức cử tuyển nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả sử dụng nguồn nhân lực cho vùng đồng bào dân tộc.

Phát triển nguồn nhân lực người dân tộc thiểu số vùng Đồng bằng sông Cửu Long ảnh 2 Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh phát biểu tại Hội nghị phát triển giáo dục và đào tạo vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức tại thành phố Cần Thơ hồi tháng 2/2023. Ảnh: Ngọc Thiện- TTXVN.

Về đào tạo nhân lực y tế, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Kiên, Hiệu trưởng Trường Đại học Y dược Cần Thơ đề nghị, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế tiếp tục đào tạo hệ cử tuyển đối với người dân tộc thiểu số cho các địa phương khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Đồng thời, chương trình đào tạo cử tuyển cần được tổng kết, rút kinh nghiệm, để có những giải pháp phù hợp nhất vừa thực hiện chế độ chính sách đối với đồng bào dân tộc sinh sống ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới hải đảo, vừa đảm bảo chất lượng đào tạo.

Đối với việc phát triển nguồn nhân lực nữ người dân tộc, Tiến sĩ Ngô Sô Phe (Trường Đại học Trà Vinh) cho rằng, các địa phương cần nâng cao kiến thức, trình độ học vấn, trình độ chuyên môn, kỹ năng mềm cũng như thực hiện tốt và có hiệu quả các chính sách hỗ trợ nhằm tạo động lực thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực nữ người dân tộc. Ngoài ra, các địa phương cần quan tâm nâng cao năng lực và vị thế của phụ nữ nhằm đảm bảo bình đẳng giới trong phát triển kinh tế cũng như tăng cường vai trò ra quyết định của phụ nữ trong gia đình và xã hội.

Tại Sóc Trăng, để nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, tỉnh đã thực hiện kịp thời các chính sách của Trung ương và địa phương đối với cán bộ, công chức, viên chức được cử đi học; nghiên cứu sửa đổi, bổ sung kịp thời một số chính sách cho phù hợp thực tế; ban hành các chính sách mới để thu hút nhân lực, thúc đẩy công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Ngoài ra, tỉnh tập trung đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch cán bộ theo tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm; quan tâm đào tạo cán bộ trẻ, cán bộ nữ, gắn đào tạo, bồi dưỡng qua trường lớp với thực tiễn. Tỉnh thực hiện đa dạng hóa các hình thức đào tạo, bồi dưỡng; các hình thức giảng dạy và tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng của địa phương…

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho rằng, giáo dục - đào tạo của vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang đứng trước "thách thức kép", đó là vừa đổi mới, nâng cao theo cả nước, vừa củng cố những tính chất nền tảng tối thiểu. Các địa phương cần tiếp tục thực hiện tốt công tác giáo dục dân tộc, hỗ trợ học sinh, nâng cao dân trí, phát triển và nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục vùng đồng bào dân tộc; đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Ưu tiên đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo đối với vùng dân tộc thiểu số để đảm bảo nền giáo dục có chất lượng, công bằng, toàn diện, thúc đẩy các cơ hội học tập suốt đời cho mọi người.

Ông Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ phối hợp với các bộ, ngành tiến hành rà soát các chính sách và có kế hoạch đề xuất tăng cường đầu tư, kiên cố hóa trường lớp. Bộ sẽ làm việc với Đại học Cần Thơ về việc thành lập các phân hiệu, nâng cao trình độ người dân và tăng số người học Đại học.

Nhật Bình

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm