Phát triển nghề nuôi biển công nghiệp kết hợp du lịch

Khu vực nuôi tôm hùm trên vịnh Cam Ranh của người dân xã đảo Cam Bình (thành phố Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa). Ảnh: Phan Sáu - TTXVN
Khu vực nuôi tôm hùm trên vịnh Cam Ranh của người dân xã đảo Cam Bình (thành phố Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa). Ảnh: Phan Sáu - TTXVN

Chiều ngày 26/4, tại thành phố Nha Trang, Tổng cục Thủy sản, Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam phối hợp với tỉnh Khánh Hòa tổ chức hội thảo phát triển bền vững nuôi biển công nghiệp Khánh Hòa.

Tại hội thảo, các đại biểu đã trình bày nhiều nội dung liên quan đến việc phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn 2045; phát triển bền vững chuỗi giá trị công nghiệp ở Khánh Hòa. Đặc biệt, các nội dung liên quan về kinh nghiệm phát triển nuôi biển bền vững và kế hoạch phát triển nuôi biển kết hợp du lịch trong tương lai ở Việt Nam, Na Uy thu hút sự chú ý của các đại biểu dự hội thảo. Riêng giải pháp hạ tầng nuôi biển công nghệ cao kết hợp du lịch sử dụng vật liệu nhựa HDPE, mô hình nuôi biển đa canh tích hợp kết hợp du lịch trải nghiệm quy mô nhỏ đã được các doanh nghiệp trình bày theo thực tế của đơn vị.

Theo Tổng cục Thủy sản, Việt Nam có chiều dài bờ biển kéo dài từ Bắc đến Nam với 3.260 km với tiềm năng nuôi biển 500.000 ha; trong đó, vùng bãi triều 153.300 ha; vùng vũng vịnh, eo ngách ven đảo là 79.790 ha và nuôi vùng biển xa bờ 100.000 ha. Theo Tổng cục Thủy sản, năm 2021, Việt Nam có khoảng 7.447 cơ sở với 248.768 lồng/bè nuôi hải sản. Việc tiêu thụ sản phẩm nuôi trồng phần lớn đều được xuất khẩu sang các thị trường nước ngoài.

Ông Trần Công Khôi, Phó Vụ trưởng Vụ nuôi trồng thủy sản, Tổng cục Thủy sản cho biết, hiện nay hạ tầng phục vụ cho nuôi biển của Việt Nam còn nhiều hạn chế. Việc sản xuất giống nuôi biển chưa hiệu quả cao. Một số giống vẫn phụ thuộc vào nguồn giống tự nhiên. Để ngành công nghiệp nuôi biển đạt trình độ tiên tiến với phương thức quản lý hiện đại, đóng góp trên 25% tổng sản lượng, giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt trên 4 tỷ USD trong năm 2045 thì cần thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp về: cơ chế chính sách; quản lý - tổ chức sản xuất; giống, thức ăn phục vụ nuôi biển; công nghệ nuôi, bảo quản sau thu hoạch, chế biến, công nghệ sinh học, khuyến ngư; quan trắc môi trường, phòng chống dịch bệnh chủ động, thích ứng với biến đổi khí hậu.

PGS.TS Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam cho rằng, nuôi biển công nghiệp ở Khánh Hòa có nhiều lợi ích, có thể giúp tạo nguyên liệu cho các ngành nghề thực phẩm, dược phẩm, phân bón; giúp người dân làm giàu từ biển; từ đó tăng cường sự hiện diện của ngư dân trên biển, bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Định hướng và phát triển nuôi biển công nghệ cao tại Khánh Hòa, ông Lê Tấn Bản, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Khánh Hòa cho biết, Khánh Hòa hiện nay nuôi trồng chủ yếu gần bờ và ven đảo nằm trong các đầm, vịnh. Ngư dân nuôi chủ yếu theo quy trình truyền thống, quy mô nhỏ, hầu hết từ vật liệu gỗ, không chịu được sóng gió lớn; một số vùng nằm trong khu vực chồng lấn với các quy hoạch khác của tỉnh.

Phát triển nghề nuôi biển công nghiệp kết hợp du lịch ảnh 1Khu vực nuôi tôm hùm trên vịnh Cam Ranh của người dân xã đảo Cam Bình (thành phố Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa). Ảnh: Phan Sáu - TTXVN

Tỉnh Khánh Hòa đặt mục tiêu hình thành ổn định các vùng nuôi biển công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn, an toàn dịch bệnh; đảm bảo môi trường sinh thái gắn với phát triển du lịch, đảm bảo quốc phòng; góp phần tích cực tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh, tạo sức cạnh tranh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế biển, thu nhập cho người dân.

Giải pháp thực hiện trước mắt của ngành nông nghiệp tỉnh là xây dựng đề án phát triển nuôi biển công nghệ cao theo hướng bền vững trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến đến năm 2045; trong đó nghiên cứu, thực hiện một số mô hình nuôi biển tiên tiến thí điểm ở các vùng biển hở, làm cơ sở để nhân rộng nghề nuôi biển công nghiệp gắn với bảo vệ môi trường.

Để phát huy tiềm năng, lợi thế nhằm thúc đẩy nghề nuôi biển phát triển nhanh theo hướng công nghệ cao, bền vững, Khánh Hòa cần thực hiện 2 nhiệm vụ lớn là đầu tư hạ tầng và tạo các vùng nuôi áp dụng khoa học kỹ thuật.

Chia sẻ về kinh nghiệm nuôi biển, ông Jossh Goldman, Giám đốc điều hành Công ty Australis - một trong những công ty nuôi và chế biến cá chẽm lớn nhất thế giới đang hoạt động tại vịnh Vân Phong, Khánh Hòa cho biết, nuôi trồng thủy sản có thể mâu thuẫn với du lịch. Tuy nhiên, bằng cách sử dụng các hệ thống nuôi trồng thủy sản hiện đại, không có tác động tiêu cực đến môi trường và vùng biển của vịnh Vân Phong có thể kết hợp phát triển du lịch. Điều này không chỉ có thể mang lại hiệu quả kinh tế lớn mà còn có thể tạo ra những cơ hội mới, quan trọng cho khách du lịch trải nghiệm vẻ đẹp tự nhiên của khu vực và tìm hiểu hệ thống nuôi trồng bền vững đẳng cấp thế giới cũng như giải quyết bài toán lao động cho địa phương.

Ông Arne-Kjetil Lian, Tham tán thương mại, Đại sứ quán Na Uy tại Việt Nam cho biết, chính quyền Na Uy cấp giấy phép miễn phí cho các trang trại nuôi cá trên biển kết hợp du lịch (trang trại trình diễn). Tuy nhiên, để có được giấy phép này các doanh nghiệp sẽ phải đấu giá và giấy phép được hoạt động trong 10 năm. "Đến nay Na Uy đã cấp 30 giấy phép, hiện đã có 27 dự án đi vào hoạt động và 3 dự án đang triển khai. Để được cấp phép, doanh nghiệp phải nguồn lực, kiến thức và sẵn sàng tổ chức cho du khách tham quan. Hầu hết các doanh nghiệp được cấp phép đều là doanh nghiệp hàng đầu tại Na Uy; trong đó, đơn vị cấp phép là Tổng Cục Thủy sản nhưng địa điểm để triển khai sẽ do địa phương quyết định. Chúng tôi cũng tính toán đến khoảng giữa các trang trại biểu diễn để tạo hiệu quả trong việc thu hút du khách. Các trang trại biểu diễn thường được triển khai trong khu vực du lịch để thu hút thêm du khách bên cạnh học sinh các trường học và người dân địa phương", ông Arne-Kjetil Lian chia sẻ.

Phát biểu tại hội thảo, ông Đinh Văn Thiệu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa đánh giá nội dung hội thảo phong phú về nuôi biển công nghiệp. Các đại biểu đã đánh giá toàn diện về lợi thế ngành nuôi biển của Khánh Hòa và chỉ ra thách thức, khó khăn chung về nuôi biển không chỉ ở tỉnh Khánh Hòa mà còn ở cả nước và gợi mở các giải pháp.

Trong Nghị quyết 09-NQ/TW ngày 28/01/2022 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 có nội dung về nuôi biển, do đó trong quá trình quy hoạch, phát triển tỉnh Khánh Hòa cũng sẽ có nhiệm vụ này. Thời gian tới, tỉnh Khánh Hòa cần phải làm tốt công tác quy hoạch không gian biển; xây dựng đề án nuôi biển bền vững có nội dung du lịch tham quan; xây dựng chính sách cho ngư dân chuyển đổi nghề.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục xây dựng chuỗi giá trị nuôi biển theo hướng bền vững; đồng thời kiến nghị với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các chính sách trang trại để nông dân có thể mua bảo hiểm trong quá trình nuôi biển phù hợp; chính sách giao khu vực biển để nuôi trồng thủy hải sản và đề xuất Hiệp hội tiếp tục hỗ trợ chuyên gia và đào tạo nhân lực nuôi biển cho tỉnh; xúc tiến đầu tư ngành nuôi biển...

Phan Sáu

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm