Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi Nghệ An

Đồng bào Đan Lai ở huyện Con Cuông tỉnh Nghệ An được hỗ trợ xây dựng nhà ở kiên cố, khang trang, cấp đất sản xuất, hỗ trợ con giống, phân bón, vật nuôi, nông cụ sản xuất, nước sạch để sinh hoạt. Ảnh: Bích Huệ - TTXVN
Đồng bào Đan Lai ở huyện Con Cuông tỉnh Nghệ An được hỗ trợ xây dựng nhà ở kiên cố, khang trang, cấp đất sản xuất, hỗ trợ con giống, phân bón, vật nuôi, nông cụ sản xuất, nước sạch để sinh hoạt. Ảnh: Bích Huệ - TTXVN

Tỉnh Nghệ An đang tập trung các giải pháp nhằm thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh năm 2023; phấn đấu đưa tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giảm trên 3%.

Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi Nghệ An ảnh 1Đồng bào Đan Lai (nhóm địa phương thuộc dân tộc Thổ) tái định cư ở huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An được hỗ trợ xây dựng nhà ở kiên cố, khang trang, cấp đất sản xuất, hỗ trợ con giống, phân bón, vật nuôi, nông cụ sản xuất, nước sạch để sinh hoạt. Ảnh: Bích Huệ - TTXVN

Tại Nghệ An, năm 2023, kế hoạch vốn ngân sách Trung ương phân bổ thực hiện chương trình là 1.473.139 triệu đồng, bao gồm nhiều nội dung, nhiệm vụ, trong đó có các dự án như giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư; phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững; đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống; phát triển giáo dục, đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực…

Riêng dự án giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, các địa phương đã thống kê có 179 hộ cần hỗ trợ nhà ở, 26 công trình nước sinh hoạt tập trung cần đầu tư, 2.865 hộ cần hỗ trợ chuyển đổi nghề và 7.020 hộ cần hỗ trợ nước sinh hoạt.

Để thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, tỉnh Nghệ An cũng xác định rõ trách nhiệm cụ thể của từng đơn vị, địa phương trong tổ chức thực hiện chương trình.

Cùng với đó, tỉnh thực hiện các giải pháp để tạo chuyển biến mạnh trong nhân thức, hành động, trách nhiệm của các cấp, các ngành và sự đồng thuận của nhân dân đối với việc thực hiện chương trình; thực hiện đồng bộ các giải pháp khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn; đẩy mạnh công tác giảm nghèo nhanh, bền vững; giảm dần số xã, thôn bản đặc biệt khó khăn.

UBND tỉnh Nghệ An cho biết, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Nghệ An có diện tích tự nhiên 13.745 km2, chiếm 83%; dân số 1.197.628 người, chiếm 41%, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số có 491.267 người, chiếm 14,76% dân số toàn tỉnh. Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được thực hiện trên địa bàn 131 xã, 588 thôn đặc biệt khó khăn.

Đây là vùng có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội chưa đồng bộ, đặc biệt cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất như giao thông nông thôn, kênh mương nội đồng. Một số cơ sở y tế, trường học xuống cấp, hư hỏng hoặc trang thiết bị còn thiếu và lạc hậu. Một số công trình hạ tầng kinh tế - xã hội bị hư hỏng do ảnh hưởng nặng nề của thiên tai nhưng chậm được khắc phục...

Nguyễn Văn Nhật

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm