Phát triển kinh tế vùng Trung du và miền núi Bắc bộ: Tận dụng lợi thế nuôi trồng thủy sản bền vững

Phát triển kinh tế vùng Trung du và miền núi Bắc bộ: Tận dụng lợi thế nuôi trồng thủy sản bền vững

Lai Châu là tỉnh có nhiều tiềm năng, lợi thế về diện tích mặt nước lớn vùng lòng hồ thủy điện cùng với khí hậu mát mẻ phù hợp để phát triển ngành nuôi trồng thủy sản. Tận dụng tiềm năng đó, những năm qua, tỉnh Lai Châu đã triển khai nhiều giải pháp, chính sách hỗ trợ, vận động người dân phát triển lĩnh vực nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững.

Nhiều tiềm năng

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Lai Châu đã phát triển nuôi cá nước lạnh tại khu vực có điều kiện nguồn nước mát và khí hậu lạnh ở các xã Pa Vệ Sủ, Tung Qua Lìn, Sin Suối Hồ, thị trấn Phong Thổ (huyện Phong Thổ) và xã Sơn Bình (huyện Tam Đường); phát triển nuôi cá lồng tập trung tại các huyện có diện tích lòng hồ thủy điện như: Than Uyên, Tân Uyên, Sìn Hồ, Nậm Nhùn, Mường Tè.

Tại huyện Phong Thổ, tuy là huyện vùng cao biên giới nhưng Phong Thổ lại được thiên nhiên ban tặng nhiều nguồn nước mát lạnh. Đây là tiềm năng để huyện khai thác phát triển, nuôi trồng thủy sản, nhất là nuôi cá nước lạnh phục vụ nhu cầu thị trường.

Gần 4 năm trở lại đây, Phong Thổ được nhiều người biết đến là nơi nuôi cá nước lạnh như: cá hồi, cá tầm ngon, thịt chắc, thơm. Đây là những loại cá có giá trị kinh tế cao, bình quân mỗi kg cá tầm, cá hồi bán ra thị trường dao động từ 170-240 nghìn đồng.

Tận dụng khí hậu mát mẻ, nguồn nước lạnh quanh năm gia đình anh Sùng A Phông, ở bản Sin Suối Hồ, xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ đã có ý tưởng nuôi thử cá tầm. Đầu năm 2020, ảnh Phông vay ngân hàng 150 triệu đồng để xây bể có diện tích khoảng 100m2 và đầu tư đường ống dẫn nước từ khe về bể.

Còn kinh nghiệm chăm sóc nuôi cá, anh đi học hỏi của người dân, hợp tác xã ở xã Sơn Bình, huyện Tam Đường và Sa Pa, tỉnh Lào Cai rồi nhập giống cá tầm về nuôi. Sau gần 3 năm nuôi cá, anh đã bán được khoảng 300 triệu đồng. Anh thấy lợi nhuận cá tầm mang lại cao, thị trường đầu ra cũng ổn định.

Tại huyện Tân Uyên, tận dụng diện tích mặt nước lòng hồ Thuỷ điện Bản Chát hơn 1.600ha, gia đình anh Tòng Văn Mín, bản Nậm Khăn cùng nhiều hộ gia đình trong xã Tà Mít tích cực nuôi cá lồng để nâng cao thu nhập cho gia đình. Đến nay, gia đình anh Mín có 9 lồng cá tập trung vào nuôi các loại có giá trị kinh tế cao như: cá lăng, trắm, chép… cho thu nhập mỗi năm khoảng 50 triệu đồng.

Anh Tòng Văn Mín, bản Nậm Khăn, xã Tà Mít, huyện Tân Uyên chia sẻ: “Gia đình bắt đầu nuôi cá từ năm 2017, đến bây giờ thì lồng cá nhà mình tương đối phát triển tốt. Thời gian tới, dự định sẽ mở rộng mô hình để tăng thu nhập cho gia đình”.

Cùng với phát triển nuôi cá lồng trên lòng hồ thuỷ điện, huyện Tân Uyên còn tuyên truyền, vận động nhân dân mở rộng quy mô, diện tích nuôi trồng thuỷ sản trên các ao, hồ tự nhiên, nhân tạo. Các phòng chuyên môn của huyện tăng cường xuống hỗ trợ, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh trên đàn cá cho các hộ dân. Triển khai các chương trình, chính sách hỗ trợ của tỉnh trong phát triển nông nghiệp hàng hoá đến với nhân dân; làm cầu nối để các gia đình có nhu cầu tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi, phát triển nuôi trồng thuỷ sản.

Ông Ngọ Doãn Bình, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Tân Uyên cho biết: Trên cơ sở các chính sách của tỉnh, Nghị quyết của tỉnh Lai Châu về phát triển hàng hoá tập trung, phòng đã tham mưu UBND huyện kêu gọi thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư nuôi cá trên địa bàn huyện; liên kết với người dân bao tiêu sản phẩm.

Cùng đó, tổ chức đi thực tế tại các vùng nuôi cá như Thuỷ điện Thác Bà, Thuỷ điện Hoà Bình, Sơn La và kêu gọi các doanh nghiệp, nhà đầu tư. Dự kiến trong năm nay, Trung tâm dịch vụ nông nghiệp sẽ triển khai làm mới trên 90 lồng gắn với liên kết bao tiêu sản phẩm.

Đến nay, toàn huyện Tân Uyên có 133 ha diện tích nuôi trồng thuỷ sản với gần 200 lồng cá trên lòng hồ thuỷ điện Bản Chát. Sản lượng nuôi trồng và đánh bắt thuỷ sản từ đầu năm đến nay đạt trên 520 tấn. Qua đó, góp phần nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp trên địa bàn, từng bước giảm nghèo ở địa phương.

Thời gian tới, ngoài việc triển khai làm mới lồng cá trên lòng hồ thuỷ điện, huyện vận động, khuyến khích các hộ dân tăng số lượng đàn cá, nuôi theo hình thức gối vụ; tận dụng các nguồn nguyên liệu, phụ phẩm trong nông nghiệp, cỏ làm thức ăn cho cá. Từ đó, đảm bảo chất lượng và số lượng cá xuất ra thị trường, đáp ứng nhu cầu thực phẩm tươi sống của nhân dân trong và ngoài tỉnh.

Nhiều chính sách hỗ trợ

Thời gian qua, tỉnh Lai Châu đã có nhiều chính sách nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, Hợp tác xã, cơ sở, hộ cá nhân đầu tư vào lĩnh vực phát triển nuôi trồng và tiêu thụ thủy sản như: Nghị quyết số 07/2021/NQ-HĐND ngày 22/03/2021 của HĐND tỉnh Lai Châu quy định chính sách về phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung giai đoạn 2021-2025; Nghị quyết số 13/2019/NQ-HĐND ngày 23/07/2019 của HĐND tỉnh Lai Châu về quy định chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Lai Châu; Quyết định số 1784/QĐ-UBND ngày 30/12/2021 của UBND tỉnh Lai Châu về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Lai Châu giai đoạn 2022-2025…

Cùng đó, Lai Châu đẩy mạnh thông tin, kết nối tiêu thụ thủy sản và sản phẩm thủy sản, đặc biệt chú trọng đối với các cơ sở nuôi trồng thủy sản có sản lượng cao. Ngoài ra, tỉnh cũng đẩy mạnh phát triển hàng hóa tập trung theo phương châm lấy doanh nghiệp, hợp tác xã là trung tâm, cộng đồng dân cư và các hộ nông dân là chủ thể; ưu tiên thu hút doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp liên kết với hợp tác xã, với nông dân trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

Mặt khác, Lai Châu nâng cao năng lực quan trắc môi trường, giám sát, cảnh báo thiên tai dịch bệnh, đưa ra các giải pháp phòng, chống dịch bệnh kịp thời, hiệu quả, không để dịch bệnh lây lan trên diện rộng; hướng dẫn người dân các biện pháp phòng, chống rét, dịch bệnh trên thủy sản để giảm thiểu tối đa thiệt hại.

Năm 2022, Lai Châu phấn đấu thực hiện nuôi trồng thủy sản đạt 983ha; thể tích nuôi cá nước lạnh 20.087m3, thể tích nuôi cá lồng trên các hồ thủy điện 158.000m3. Sản lượng khai thác và nuôi trồng đạt 3.690tấn/năm; trong đó, sản lượng nuôi trồng đạt 3.445 tấn, sản lượng khai thác đạt 245 tấn.

Đặc biệt, tỉnh cũng phấn đấu đến năm 2025 phát triển mở rộng vùng nuôi cá nước lạnh tập trung tại các huyện: Tam Đường 6 cơ sở, Phong Thổ 3 cơ sở, theo quy mô hàng hóa tập trung đạt 18.000 m3. Rà soát, phát triển vùng nuôi cá lồng tại các hồ thủy điện, tập trung tại các huyện: Than Uyên 6 cơ sở; Tân Uyên 2 cơ sở; Sìn Hồ 2 cơ hợp; hình thành một cơ sở sản xuất giống thủy sản và 2 cơ sở chế biến thủy sản trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh Lai Châu hiện chưa có nhiều vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, việc phát triển nuôi trồng thủy sản chủ yếu mang tính tự phát, nhỏ lẻ. Điều này ảnh hướng lớn đến việc thu hút các cá nhân, doanh nghiệp đầu tư vào phát triển nuôi trồng thủy sản và xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.

Thời gian tới, Lai Châu tiếp tục tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp yên tâm đầu tư sản xuất, khắc phục tồn tại về thủ tục hành chính; tăng cường hướng dẫn hoạt động sản xuất đảm bảo đúng quy định pháp luật cho các doanh nghiệp.

Đồng thời, tỉnh tiếp tục rà soát lập quy hoạch các vùng nuôi cá và gắn nuôi trồng thủy sản với bảo vệ môi trường sinh thái, khai thác, phát triển du lịch để cải thiện sinh kế, đa dạng nguồn thu cho người dân.

Việt Hoàng

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm