Phát triển kinh tế từ mô hình heo cỏ địa phương

Nhiều hộ đồng bào vùng cao của tỉnh Quảng Nam nhờ phát triển mô hình nuôi heo cỏ địa phương đã có thu nhập ổn định và vươn lên thoát nghèo. Ảnh: Khánh Nguyên
Nhiều hộ đồng bào vùng cao của tỉnh Quảng Nam nhờ phát triển mô hình nuôi heo cỏ địa phương đã có thu nhập ổn định và vươn lên thoát nghèo. Ảnh: Khánh Nguyên

Không chỉ cho giá trị kinh tế cao, heo cỏ (còn gọi là heo đen, lợn đen) đang là mô hình chăn nuôi được nhiều hộ đồng bào vùng cao ở tỉnh Quảng Nam áp dụng và mở rộng, tạo thu nhập ổn định và vươn lên thoát nghèo.

Phát triển kinh tế từ mô hình heo cỏ địa phương ảnh 1Từ nuôi heo cỏ, nhiều hộ đồng bào dân tộc ở các huyện vùng cao của tỉnh Quảng Nam đã có thu nhập ổn định, cuộc sống dần đổi thay, không còn phải lo chuyện kiếm ăn từng bữa như trước. Ảnh: Khánh Nguyên
Mới đây, một dự án hỗ trợ nuôi heo cỏ dành cho 600 hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo có trẻ em thuộc 5 xã, thị trấn của huyện Nam Giang đã được triển khai. Nguồn kinh phí dự án hơn 550 nghìn euro do Bộ Hợp tác và phát triển kinh tế Liên bang Đức (BMZ) thông qua Tổ chức Tầm nhìn thế giới tài trợ. Dự kiến, sau 3 năm thực hiện (2020 - 2022), dự án sẽ giúp nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm heo đen từ khâu chọn giống, phát triển chăn nuôi, chế biến thành phẩm có bao bì, nhãn mác đến khâu phân phối và tiêu thụ.  

Nhờ nuôi heo cỏ, anh Zơrâm Đà (dân tộc Cơ-tu) ở thôn Aliêng, xã Tà Bhing, huyện Nam Giang (Quảng Nam) đã trở thành tấm gương sáng tại địa phương về phát triển kinh tế và thoát nghèo. Bắt đầu nuôi heo cỏ từ năm 2016, đến nay, gia đình anh Đà đã có nhà cửa khang trang với đầy đủ tiện nghi sinh hoạt. Học theo anh Đà, nhiều người khác trong thôn cũng chuyển sang nuôi heo cỏ và có thu nhập hàng chục triệu đồng/năm. “Hy vọng tới đây sẽ có thêm nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ và ưu tiên cho đồng bào miền núi khởi nghiệp, phát triển kinh tế” - anh Đà chia sẻ.

Phát triển kinh tế từ mô hình heo cỏ địa phương ảnh 2Heo cỏ chăn nuôi chủ yếu bằng các loại thức ăn tự nhiên như chuối, cám, rau và hèm rượu nên rất dễ nuôi. Ảnh: Khánh Nguyên

Đến thôn La Bơ, xã Chà Vàl, chúng tôi gặp hộ anh Hiền Gậy với gần 20 năm nuôi heo cỏ. Không chỉ sở hữu mô hình chăn nuôi heo cỏ theo hướng chuồng trại, anh Gậy còn nuôi thử nghiệm heo rừng lai, đồng thời tạo nguồn giống chất lượng, mỗi năm thu về hơn 150 triệu đồng. Anh Gậy cho biết: “Từ nuôi heo cỏ, gia đình tôi đã có thu nhập ổn định, cuộc sống dần đổi thay, không còn phải lo chuyện kiếm ăn từng bữa như trước”.

Phát triển kinh tế từ mô hình heo cỏ địa phương ảnh 3Nhiều hộ đồng bào vùng cao của tỉnh Quảng Nam nhờ phát triển mô hình nuôi heo cỏ địa phương đã có thu nhập ổn định và vươn lên thoát nghèo. Ảnh: Khánh Nguyên
Phát triển kinh tế từ mô hình heo cỏ địa phương ảnh 4

Những mô hình chuồng trại điểm cho đồng bào đến học tập kinh nghiệm. Ảnh: Khánh Nguyên

Tại một số huyện vùng cao khác ở Quảng Nam như Đông Giang, Tây Giang, Bắc Trà My…, mô hình chăn nuôi heo cỏ cũng đang được nhiều hộ đồng bào áp dụng, trở thành mô hình giảm nghèo bền vững. Điển hình như hộ anh Arất Bay ở thôn Adinh 1, thị trấn Prao, huyện Đông Giang. Nhờ cần cù, chịu khó, gia đình anh Bay đã xây dựng thành công mô hình chăn nuôi heo cỏ kết hợp với trồng keo, quế và nuôi thêm gà vịt, hiện có thu nhập gần 100 triệu đồng/năm.

Phát triển kinh tế từ mô hình heo cỏ địa phương ảnh 5Bên cạnh nuôi heo cỏ tự nhiên, nhiều hộ đồng bào vùng cao ở tỉnh Quảng Nam còn cho phối giống với heo rừng, giúp gia tăng giá trị kinh tế. Ảnh: Khánh Nguyên
Phát triển kinh tế từ mô hình heo cỏ địa phương ảnh 6Tại tỉnh Quảng Nam, mô hình nuôi heo cỏ trở thành hướng đi mới, giúp nhiều thanh niên là con em đồng bào dân tộc chọn làm dự án khởi nghiệp. Ảnh: Khánh Nguyên

Theo ông A Viết Sơn, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Nam Giang, phù hợp với đặc thù miền núi và tập quán chăn nuôi của đồng bào nên cách đây 4 năm, chính quyền đã đề xuất xây dựng dự án hỗ trợ chăn nuôi heo cỏ cho đồng bào dân tộc. Khi triển khai, dự án đã góp phần không nhỏ trong việc phát triển kinh tế hộ gia đình, đồng thời giúp bảo tồn giống heo cỏ địa phương.

Khánh Nguyên

(DTMN)

Có thể bạn quan tâm