Phát triển kinh tế gia đình với mô hình nuôi thỏ New Zealand

Mô hình nuôi thỏ New Zealand của anh Nguyễn Đức Thuần ở Quảng Bình mang lại giá trị kinh tế cao, Ảnh: nld.com.vn
Mô hình nuôi thỏ New Zealand của anh Nguyễn Đức Thuần ở Quảng Bình mang lại giá trị kinh tế cao, Ảnh: nld.com.vn

Để phát triển kinh tế gia đình, nhiều hộ dân tại Quảng Bình đã bén duyên với nghề nuôi thỏ New Zealand. Với sự cần cù, dám nghĩ, dám làm ham học hỏi, bà con không chỉ có thu nhập cao mà còn tạo được thương hiệu cho sản phẩm. Qua đó, đưa kinh tế hộ gia đình ngày càng ổn định và góp phần phát triển kinh tế địa phương.

Phát triển kinh tế gia đình với mô hình nuôi thỏ New Zealand ảnh 1Anh Nguyễn Đức Thuần giới thiệu với khách hàng sản phẩm vật nuôi của mình. Ảnh: nld.com.vn

Trên địa bàn xã Gia Ninh, huyện Quảng Ninh có hơn 30 hộ dân đang triển khai mô hình nuôi thỏ New Zealand. Với việc hỗ trợ vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Quảng Ninh và sự quan tâm, tạo điều kiện của chính quyền địa phương các mô hình nuôi thỏ đều đạt hiệu quả kinh tế cao.

Một trong những mô hình hiệu quả về nuôi thỏ New Zealand là gia đình anh Nguyễn Đức Thuần. Anh Thuần cho biết: Ban đầu nơi đây là vùng cát trắng, không biết làm gì để phát triển kinh tế nên đã tìm hiểu mô hình nuôi thỏ lấy thịt. Tuy nhiên, do kỹ thuật nuôi và môi trường nên thỏ bệnh và chết. Thế nhưng, sau quá trình tìm hiểu, học hỏi thêm kiến thức chăn nuôi và mạnh dạn nhờ bạn bè đặt giống thỏ New Zealand từ Nam Định về nuôi. Đây là giống thỏ nhập ngoại, trọng lượng lớn, dễ nuôi, sinh sản nhiều, thịt thơm ngon, giá bán ra thị trường cao…

Năm 2019, anh Thuần mạnh dạn vay thêm vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội và các ngân hàng thương mại đầu tư thêm hệ thống trại lạnh bằng hơi nước tự nhiên, hiện đại. Lồng nuôi thỏ được sắp xếp khoa học và được chia thành các khu vực khác nhau. Từ 20 cặp thỏ bố mẹ New Zealand ban đầu, sau 6 năm anh Nguyễn Đức Thuần đã gây dựng được hai trang trại nuôi thỏ với tổng đàn gần 2.000 con; trong đó, có 200 con thỏ mẹ sinh sản. Hàng tháng xuất bán thỏ thương phẩm cho doanh thu hơn 100 triệu đồng.

Ông Trần Huỳnh Đức, Phó Chủ tịch UBND xã Gia Ninh cho hay, hiện nay xã có nhiều mô hình nuôi thỏ New Zealand để phát triển kinh tế. Sau một thời gian, các mô hình đều cho hiệu quả kinh tế cao, giải quyết việc làm trong trang trại rất hiệu quả, tổng thu nhập bình quân mỗi tháng trung bình từ 15 – 18 triệu/lao động. Điều này góp phần phát triển kinh tế địa phương nên tỉnh đang khuyến khích nhân rộng mô hình này đến nhiều người dân và nhiều địa bàn hơn.

Phát triển kinh tế gia đình với mô hình nuôi thỏ New Zealand ảnh 2Mô hình nuôi thỏ New Zealand của anh Nguyễn Đức Thuần ở Quảng Bình mang lại giá trị kinh tế cao, Ảnh: nld.com.vn

Nhiều hộ gia đình ở huyện Quảng Ninh cũng đã phát triển nuôi thỏ New Zealand với mô hình khép kín được đảm bảo nghiêm ngặt từ khâu chăn nuôi, giết mổ và được nhận diện thương hiệu. Với việc nhân rộng mô hình cho người dân, Hợp tác xã kinh doanh dịch vụ Hưng Phát đã thành lập và ký nhận bao tiêu cho nhiều trang trại, tạo công ăn việc làm cho khoảng hơn 30 hộ dân…

“Cùng với chính quyền địa phương, Ngân hàng Chính sách huyện Quảng Ninh cũng chú trọng đến việc khảo sát những cá nhân, tập thể có mô hình tốt thì sẽ tiếp tục hỗ trợ. Bên cánh đó, Ngân hàng cũng khuyến khích bà con vay vốn để phát triển kinh tế hộ gia đình, giải quyết được nhiều lao động cho con em trên địa bàn”, ông Hoàng Đạo Túy, Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Quảng Ninh cho biết.

Hiện tại, nhu cầu thỏ thương phẩm của thị trường rất lớn, nhiều hộ gia đình đã xóa đói, giảm nghèo, làm giầu từ nuôi thỏ New Zealand. Bà con nông dân đã dám nghĩ, dám làm, bắt tay tạo thương hiệu sản phẩm nhằm có đầu ra tốt nhất. Đây là hướng đi mới trong việc phát triển mô hình chăn nuôi của địa phương cần nhân rộng.

Đức Thọ

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm