Phát triển Khu du lịch quốc gia Núi Sam trở thành trung tâm du lịch văn hóa tâm linh của cả nước

Phát triển Khu du lịch quốc gia Núi Sam trở thành trung tâm du lịch văn hóa tâm linh của cả nước
Du khách đến dâng hương tại Miếu Bà Chúa Xứ núi Sam. Ảnh: Công Mạo-TTXVN
Du khách đến dâng hương tại Miếu Bà Chúa Xứ núi Sam.
Ảnh: Công Mạo-TTXVN

Theo Quy hoạch tổng thể, tỉnh An Giang định hướng phát triển Khu Du lịch quốc gia Núi Sam trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn, có khả năng cạnh tranh cao, trên cơ sở khai thác các giá trị của cụm Di tích quốc gia Miếu Bà Chúa Xứ, Lăng Thoại Ngọc Hầu, Chùa Tây An, Chùa Hang. Qua đó, tạo nên sự khác biệt, đặc trưng về sản phẩm du lịch góp phần tạo dựng thương hiệu của khu du lịch; xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch phù hợp với tiềm năng, thế mạnh, tạo nên những sản phẩm du lịch đặc thù, có cạnh tranh trong khu vực, quốc gia và quốc tế. Đến năm 2030, tỉnh xây dựng Khu Du lịch quốc gia Núi Sam trở thành trung tâm du lịch văn hóa tâm linh, vui chơi giải trí, du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái của vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước; trở thành điểm đến quan trọng của vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước.

Theo Quy hoạch tổng thể phát triển, tỉnh An Giang phấn đấu đến năm 2025, Khu Du lịch Quốc gia Núi Sam đón khoảng 6 triệu lượt khách, trong đó có khoảng 800.000 lượt khách lưu trú; đến năm 2030 đón khoảng 7 triệu lượt khách, trong đó có khoảng trên 1 triệu lượt khách lưu trú. Dự kiến, tổng thu từ khách du lịch phấn đấu đến năm 2025 đạt trên 2.600 tỷ đồng; đến năm 2030 đạt trên 6.000 tỷ đồng. Đến năm 2025, Khu Du lịch quốc gia Núi Sam tạo việc làm cho trên 5.000 lao động trực tiếp và đến năm 2030 tạo việc làm cho gần 9.000 lao động trực tiếp.

Để đạt được mục tiêu trên, hàng năm, tỉnh An Giang tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư du lịch cho Khu du lịch quốc gia Núi Sam. Đối với thị trường khách du lịch nội địa, tỉnh An Giang sẽ có chính sách kích cầu vào mùa thấp điểm nhằm khắc phục tính thời vụ của du lịch Núi Sam. Trong đó, tỉnh tập trung thu hút phân đoạn thị trường du lịch gắn với mục đích lễ hội kết hợp với hành hương; thị trường khách trẻ tuổi yêu thích khám phá, thể thao, sinh thái trải nghiệm nông nghiệp, tham quan vườn ươm, trang trại. Tỉnh chú trọng phát triển thị trường khách quốc tế đi đường bộ từ Thái Lan và Campuchia qua các cửa khẩu quốc tế của An Giang; qua các hãng lữ hành tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Ông Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết: Thời gian tới, tỉnh An Giang tập trung phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng, đặc thù, cao cấp có sức cạnh tranh cao trong khu vực, quốc gia và quốc tế, mở rộng thị trường và thu hút khách du lịch đến tham quan nghiên cứu, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, mua sắm...Tỉnh tập trung khai thác giá trị văn hóa, lịch sử, tâm linh của Khu Du lịch quốc gia Núi Sam và bản sắc văn hóa đặc trưng của địa phương; ưu tiên phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa - tâm linh, trong đó mục đích chính là việc hành hương, lễ Bà chúa Xứ, thăm lăng Thoại Ngọc Hầu.

Để phát triển Khu du lịch quốc gia Núi Sam trở thành trung tâm du lịch văn hóa tâm linh của cả nước, theo ông Nguyễn Khánh Hiệp, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh An Giang, ngành Du lịch tỉnh triển khai có hiệu quả chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long với Thành phố Hồ Chí Minh; liên kết và mở rộng thị trường khai thác du lịch các tỉnh Đông Nam Bộ và Tây Nguyên. Song song đó, ngành Du lịch An Giang sẽ tổ chức các tuyến du lịch liên tỉnh và quốc tế như: Châu Đốc - Long Xuyên theo Quốc lộ 91 kết nối với thành phố Cần Thơ và thành phố Hồ Chí Minh; Châu Đốc đi Hà Tiên theo kênh Vĩnh Tế; Châu Đốc đến BoKor, Sihanouk Ville (Campuchia, qua cửa khẩu Tịnh Biên); Châu Đốc đi Phnompenh, Tonle Sap, Siem Reap và Kampong Cham (Campuchia); thành phố Cần Thơ - thành phố Long Xuyên - thành phố Châu Đốc - PhnomPenh (theo sông Hậu).

Ngành Du lịch An Giang tăng cường hợp tác, liên kết trong phát triển sản phẩm du lịch giữa Khu Du lịch quốc gia Núi Sam đến các điểm du lịch nổi bật trên địa bàn tỉnh An Giang như cửa khẩu Tịnh Biên, rừng tràm Trà Sư, núi Cấm (huyện Tịnh Biên), Khu di chỉ Óc Eo (huyện Thoại Sơn), Khu Di tích lịch sử đồi Tức Dụp (huyện Tri Tôn), Búng Bình Thiên (huyện An Phú)...; các khu, điểm du lịch quan trọng của vùng Đồng bằng sông Cửu Long để tạo ra những sản phẩm du lịch nội vùng và liên vùng có sức hấp dẫn…

Thời gian tới, UBND tỉnh An Giang sẽ ban hành cơ chế thu hút đầu tư, chính sách ưu đãi cho các nhà đầu tư; xây dựng cơ chế chính sách đặc thù ưu đãi về nguồn vốn, đất đai, giải phóng mặt bằng, chính sách tài chính, thuế, tín dụng,... nhằm khuyến khích thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước nghiên cứu và triển khai các dự án xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật có quy mô lớn và sản phẩm du lịch có chất lượng cao tại Khu Du lịch Quốc gia Núi Sam. Tỉnh An Giang đẩy mạnh liên kết, tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến để thu hút nguồn vốn đầu tư từ các tổ chức, cá nhân trong nước, thúc đẩy phát triển các mô hình liên doanh, liên kết phù hợp để huy động mọi nguồn lực xã hội đầu tư phát triển du lịch gắn với đảm bảo an ninh, quốc phòng và trật tự, an toàn xã hội vùng biên giới. Đặc biệt, tỉnh có chính sách ưu tiên những dự án đầu tư có quy mô và dịch vụ chất lượng cao, thân thiện với môi trường góp phần tạo thương hiệu cho Khu du lịch quốc gia Núi Sam.

Khu Du lịch Núi Sam được công nhận là khu du lịch quốc gia vào năm 2018, với diện tích khoảng 1.500 ha, có cảnh quan thiên nhiên độc đáo, hấp dẫn, với quần thể di tích lịch sử văn hóa, được xếp hạng cấp quốc gia, như: miếu Bà Chúa Xứ núi Sam, chùa Tây An, lăng Thoại Ngọc Hầu, chùa Hang và giá trị văn hóa tâm linh tín ngưỡng gắn với lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam lớn nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Hiện trung bình mỗi năm, Khu Du lịch Núi Sam đón khoảng 5 triệu lượt khác du lịch.
Thanh Sang
(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm