Phát triển Khu công nghệ thông tin tập trung: Xây dựng đặc trưng để hiệu quả bền vững

Phát triển Khu công nghệ thông tin tập trung: Xây dựng đặc trưng để hiệu quả bền vững
*Không phát triển thành “khu công nghiệp”     Hiện cả nước có 4 khu công nghệ thông tin tập trung, bao gồm Công viên phần mềm Quang Trung (Thành phố Hồ Chí Minh), Công viên phần mềm Đà Nẵng, Khu công nghệ thông tin tập trung Cầu Giấy (Hà Nội) và Khu công viên công nghệ phần mềm Hà Nội (đang đầu tư xây dựng). Trong quy hoạch tổng thể đến năm 2020, mỗi thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng sẽ có 2 – 3 khu công nghệ thông tin tập trung trọng điểm quốc gia; tầm nhìn đến năm 2025, Việt Nam sẽ hình thành hệ thống khu hợp lý về quy mô, diện tích, lĩnh vực và đảm bảo hiệu quả đầu tư.       
Ảnh minh họa- TTXVN
Ảnh minh họa- TTXVN
Ngoài ra, là trung tâm của Vùng kinh tế trong điểm Đồng bằng sông Cửu Long, thành phố Cần Thơ cũng đang quyết tâm hình thành và xây dựng Khu công nghệ thông tin tập trung thành phố Cần Thơ. Tháng 6/2016, UBND thành phố Cần Thơ ban hành quyết định chủ trương đầu tư dự án “Khu đô thị mới và khu công nghệ thông tin tập trung” với diện tích khoảng 20 ha dành cho xây dựng khu công nghệ thông tin tập trung. Hiện Cần Thơ cũng đã xây dựng Đề án Khu công nghệ thông tin tập trung để trình Thủ tướng phê duyệt.         Cho rằng việc đầu tư phát triển các khu công nghệ thông tin là cần thiết, tuy nhiên ông Nguyễn Viết Vân, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Lâm Đồng nhấn mạnh: “Chúng ta phải có mục tiêu tạo sự khác biệt, nếu không chúng ta sẽ có rất nhiều khu công nghệ thông tin tập trung và biến những khu này thành các khu công nghiệp, giống như cả nước đang làm”. Cùng quan điểm này, theo ông Lê Quốc Cường, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh, không giống như các khu công nghiệp, khu công nghệ cao mang tính đa ngành và có quy mô diện tích đất đai lớn, lĩnh vực phần mềm chỉ là một trong những chuyên ngành hẹp của ngành công nghệ thông tin.      Chia sẻ kinh nghiệm từ một số quốc gia trong phát triển khu công nghệ thông tin tập trung, ông Trần Phúc Hồng, Phó Tổng Giám đốc Công ty TMA Solutions, khi phát triển các khu này, các nước như Ấn Độ, Philippines đều quy hoạch cụ thể ngay từ đầu và có chính sách chung, quảng bá chung chứ không phải từng khu quảng bá vì như thế rất khó. Nếu hình thành chuỗi, thay vì cạnh tranh với nhau thì cùng nhau quảng bá, thu hút các nhà đầu tư. Họ phân biệt các đối tượng thu hút đầu tư để có chính sách riêng phù hợp.        Từ tính đặc thù này, Nghị định 154 của Chính phủ Quy định về khu công nghệ thông tin tập trung cũng phân rõ chức năng, nhiệm vụ của khu; trong đó, chức năng, nhiệm vụ đầu tiên là “Thực hiện các hoạt động nghiên cứu – phát triển, ứng dụng, chuyển giao về công nghệ thông tin”. Điều này giúp tách biệt với mục tiêu thu hút đầu tư cho sản xuất như các khu công nghiệp.     Bà Tô Thị Thu Hương, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghệ thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết: Hiện nay, Bộ đang định hướng cho các địa phương trên cả nước có dự án khu công nghệ thông tin tập trung nắm được các lợi thế và vị thế mỗi địa phương để phát triển cho phù hợp. Ngoài chính sách thu hút chung của Chính phủ, cũng cần chính sách riêng của địa phương để tạo sự khác biệt. Việc này sẽ hạn chế tình trạng các địa phương đua nhau “mọc” các khu công nghệ thông tin tập trung, cạnh tranh thu hút riêng theo kiểu tự phát mà không tạo thành chuỗi liên kết.   
Đại diện các đơn vị đoạt giải thuộc nhóm “Doanh nghiệp có sản phẩm và giải pháp phần mềm tiêu biểu” tại lễ trao giải ICT AWARDS 2016. Ảnh: Thế Anh - TTXVN
Đại diện các đơn vị đoạt giải thuộc nhóm “Doanh nghiệp có sản phẩm và giải pháp phần mềm tiêu biểu” tại lễ trao giải ICT AWARDS 2016. Ảnh: Thế Anh - TTXVN
*Gắn với đặc trưng địa phương           Các chuyên gia đánh giá, việc đầu tư khu công nghệ thông tin mới hoặc nhân rộng mô hình Công viên phần mềm Quang Trung (QTSC) là cần thiết, nhất là cho các địa phương có nền công nghệ thông tin chưa phát triển. Tuy nhiên, khi đầu tư cần có nét riêng để đảm bảo không bị “chồng chéo” giữa các khu. Đơn cử, để phát triển khu công nghệ thông tin tập trung hiệu quả và bền vững, tỉnh Lâm Đồng xác định xây dựng theo hướng gắn với đặc thù và tận dụng lợi thế của địa phương.    Theo ông Nguyễn Viết Vân, khu công nghệ thông tin tập trung phải tạo sự khác biệt về điều kiện tự nhiên, nguồn nhân lực, kể cả tận dụng lợi thế từng địa phương. Đơn cử, Đà Lạt có lợi thế về khu du lịch nghỉ dưỡng, cũng đã phát triển nông nghiệp công nghệ cao nên đầu tư theo hướng ứng dụng công nghệ thông tin trong phát triển nông nghiệp. Do vậy, khi tham gia chuỗi phải xác định đã làm phải có lợi gì cho nhà đầu tư, tránh trường hợp phát triển giống QTSC, bởi như thế người ta sẽ chọn làm việc ở Thành phố Hồ Chí Minh cho thuận lợi.      Hiện Lâm Đồng là một trong những địa phương trọng điểm của cả nước có tiềm năng, lợi thế cạnh tranh để xác định phát triển các khu công nghệ thông tin tập trung. Dự án Khu công nghệ thông tin tập trung cũng đã được UBND tỉnh Lầm Đồng phê duyệt quy hoạch chi tiết cũng như thành lập Ban quản lý dự án, đồng thời được Bộ Thông tin và Truyền thông đưa vào quy hoạch các Khu công nghệ thông tin tập trung quốc gia để trình Chính phủ phê duyệt. Dự án có tổng diện tích 63 ha, đặt tại huyện Lạc Dương, với vị trí thuận lợi nằm cách trung tâm thành phố Đà Lạt 20km. Khi được triển khai, dự án sẽ tạo tiền đề cho việc mở mang hạ tầng kỹ thuật tại địa phương và phát triển khu đô thị xung quanh.    Ngoài ra, Dự án công viên phần mềm Quang Trung – Đà Lạt cũng đang nghiên cứu triển khai với sự hợp tác giữa UBND Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Lâm Đồng với diện tích 7.000 m2, là một bộ phận của Khu công nghệ thông tin tập trung của tỉnh Lâm Đồng. Hiện Lâm Đồng đang kêu gọi đầu tư vào một số lĩnh vực trọng tâm mang tính đặc thù như: phần cứng – điện tử hướng đến thiết kế và sản xuất các hệ thống điều kiện, tự động hóa, robot, thiết bị vi cơ điện tử; phần mềm hướng tới các sản phẩm ứng dụng trong công nghiệp di động, nông nghiệp thông minh, phục vụ triển khai chương trình xây dựng chính quyền điện tử, phục vụ phát triển các sản phẩm thương mại điện tử và quản lý doanh nghiệp. Trong khi đó, Cần Thơ hiện có 5 trường đại học, trong đó 4 trường có đào tạo chuyên ngành công nghệ thông tin. Ngoài ra, ở đây còn có Trung tâm công nghệ phần mềm Cần Thơ và Trung tâm công nghệ phần mềm Đại học Cần Thơ, cả hai trung tâm này đều có liên kết với các tổ chức đào tạo quốc tế chuyên ngành công nghệ.
Ảnh minh họa- TTXVN
Ảnh minh họa- TTXVN
Theo ông Dương Thế Dũng, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Cần Thơ, việc đầu tư khu công nghệ thông tin tập trung tại Cần Thơ nhằm tận dụng lợi thế về nguồn nhân lực tại chỗ có chuyên ngành về công nghệ thông tin đa dạng của Cần Thơ, tạo ra lợi thế lớn cho việc phát triển thúc đẩy tăng trưởng ngành này của Cần Thơ và vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Hiện nhiều doanh nghiệp công nghệ Hàn Quốc, Nhật Bản đang tìm hiểu đầu tư vào Cần Thơ. Phía Hàn Quốc cũng đang dự tính đầu tư khu đô thị, dân cư thông minh, từ đó có thể nhân rộng ra khu vực.        Việc đầu tư phát triển các khu công nghệ thông tin sẽ thúc đẩy ngành phát triển, gia tăng khả năng cạnh tranh với các nước trong khu vực. Tuy nhiên, để thu hút đầu tư vào ngành công nghiệp này, đưa Việt Nam trở thành điểm đến của các tập đoàn công nghệ thông tin toàn cầu cần phải có lộ trình cụ thể, trong đó có thể phát huy nền tảng từ mô hình Công viên phần mềm Quang Trung hiện nay./.
(Còn tiếp)
Báo ảnh Dân tộc và Miền núi/TTXVN

Có thể bạn quan tâm