Phát triển hợp tác xã gắn với chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực

Phát triển hợp tác xã gắn với chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực

Theo UBND tỉnh Bến Tre, địa phương đang tập trung đầu tư phát triển hợp tác xã gắn với chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh nhằm nâng cao giá trị hàng nông sản, tăng lợi nhuận cho người nông dân.

Phát triển hợp tác xã gắn với chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực ảnh 1 Sơ chế dừa tươi (dừa uống nước) phục vụ xuất khẩu ở Công ty TNHH xuất khẩu trái cây Mekong. Ảnh: Công Trí - TTXVN

Bến Tre chủ trương phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã lồng ghép với thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững của tỉnh. Cùng đó, tỉnh củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã hiện có và phát triển các hợp tác xã mới, trọng tâm là các hợp tác xã kiểu mới gắn với phát triển chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh.

Bên cạnh đó, Bến Tre chú trọng xây dựng mô hình hợp tác xã thích ứng với biến đổi khí hậu và thực hành quy trình sản xuất nông nghiệp tốt (GAP) và khuyến khích xây dựng mô hình hợp tác xã nông nghiệp hoạt động tổng hợp, đa ngành, nghề, có nhiều dịch vụ, tăng sự liên kết giữa doanh nghiệp với hợp tác xã, đảm bảo nâng cao thu nhập của thành viên.

Thời gian tới, các cấp, các ngành của tỉnh đẩy mạnh, đổi mới nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của hệ thống chính trị và người dân; khuyến khích khởi nghiệp sáng tạo trong trong khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã.

Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Bến Tre Nguyễn Thanh Phương cho biết, tính đến hết tháng 6/2022, toàn tỉnh có 179 hợp tác xã hoạt động trên 6 lĩnh vực; trong đó, có 80 hợp tác xã sản xuất, kinh doanh tham gia vào chuỗi giá trị nông sản chủ lực của tỉnh.

Cụ thể, tỉnh có 47 hợp tác xã tham gia chuỗi giá trị dừa hữu cơ; 13 hợp tác xã tham gia vào chuỗi giá trị cây giống, hoa kiểng, 11 hợp tác xã tham gia chuỗi giá trị cây ăn trái các loại, nhất là đặc sản bưởi da xanh; 7 hợp tác xã tham gia chuỗi giá trị con bò và 2 hợp tác xã tham gia chuỗi giá trị con tôm biển.

Đối với các hợp tác xã tham gia chuỗi giá trị dừa hữu cơ, đến thời điểm hiện tại, mặc dù giá dừa xuống thấp, nhưng nhiều hợp tác xã tham gia vào chuỗi giá trị dừa hữu cơ vẫn đang tập trung sản xuất, kinh doanh và có chiều hướng hoạt động tốt. Các Hợp tác xã Nông nghiệp Thới Thạnh, Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Châu Hòa, Hợp tác xã Nông nghiệp Định Thủy, Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Công Bằng Hưng Lễ, đã được Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới, Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Bến Tre (Betrimex) ký hợp đồng liên kết, canh tác theo mô hình vườn dừa hữu cơ (mỗi hợp tác xã đã xây dựng được từ 120 ha đến 160 ha vườn dừa hữu cơ).

Các hợp tác xã này đã được công ty lựa chọn để đầu tư, hỗ trợ xây dựng điểm sơ chế dừa hữu cơ tại hợp tác xã, qua đó tạo việc làm, thu nhập cho từ 40-60 thành viên và người lao động tại địa phương.

Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Nông nghiệp Thới Thạnh Trần Quốc Ửng cho biết, hợp tác xã đã thực hiện được 4 dịch vụ, ngành nghề gồm: hướng dẫn sản xuất dừa theo hướng sạch, hữu cơ, an toàn; giới thiệu, liên kết tiêu thụ sản phẩm sơ chế cơm dừa; cung ứng lao động ngành dừa và cung ứng thức ăn chăn nuôi, phân, thuốc bảo vệ thực vật.

Từ năm 2018, Hợp tác xã phối hợp với Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới vận động người dân và thành viên Hợp tác xã tham gia canh tác dừa theo hướng hữu cơ.

Sau hơn 3 năm thực hiện, đã có 83 hộ tham gia với tổng diện tích gần 120 ha, sản lượng bình quân 120 nghìn trái/tháng. Các hộ canh tác dừa hữu cơ đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với giá cao hơn thị trường từ 5 - 20%.

Ngoài ra, còn được bao tiêu với giá sàn 50 nghìn đồng/12 trái, góp phần mang lại thu nhập ổn định cho người dân và thành viên hợp tác xã. Ước tính lợi nhuận của nông dân canh tác dừa hữu cơ là 25 triệu đồng/ha/năm.

Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Bến Tre Nguyễn Thanh Phương cho hay, qua khảo sát, thẩm định đánh giá trong những tháng gần đây của Tổ công tác tỉnh cho thấy, có 4 hợp tác xã có sự liên kết tốt, đã đang hoạt động hiệu quả; cơ bản đạt 10 tiêu chí theo quy định để được công nhận hợp tác xã điểm của tỉnh trong năm 2022, gồm: Hợp tác xã Nông nghiệp bưởi da xanh Bến Tre, Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Châu Hòa, Hợp tác xã Bò sữa Bến Tre, Hợp tác xã Nông nghiệp Mỹ Chánh.

Ngoài ra, có 3 hợp tác xã là Hợp tác xã Nông nghiệp Định Thủy, Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Công Bằng Hưng Lễ, Hợp tác xã Nông nghiệp Tam Hiệp đã thể hiện rõ sự quyết tâm, nỗ lực không ngừng vươn lên trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, có khả năng sẽ được công nhận hợp tác xã điểm hiệu quả toàn diện cấp huyện vào giữa năm 2023.

Tuy nhiên, nhiều hợp tác xã tham gia chuỗi giá trị nông sản chủ lực của tỉnh hiện nay vẫn còn gặp nhiều khó khăn như: Nhận thức của cấp ủy, chính quyền cơ sở chưa thật đồng đều, chưa đầy đủ.

Nhiều hợp tác xã năng lực nội tại, nguồn lực nội sinh (vốn, thành viên, việc quản trị, điều hành, phương án sản xuất, kinh doanh…) còn thiếu và yếu, nhất là còn khó khăn về đất đai, hạ tầng để làm kho bãi.

Một bộ phận người dân vẫn còn định kiến về hợp tác xã kiểu cũ, hiểu chưa đúng và còn hoài nghi về sự thành công của hợp tác xã kiểu mới.

Công Trí

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm