Phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Thành phố Hồ Chí Minh - Bài cuối

Phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Thành phố Hồ Chí Minh - Bài cuối
Bài 3 (Tiếp theo và hết): Hình thành trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đặc thù
Từ xu hướng thế giới 
Hiện nay, nhiều chuyên gia khởi nghiệp nhìn nhận, mô hình trung tâm khởi nghiệp trên thế giới có xu hướng là sử dụng một không gian lớn hoặc các không gian ở cạnh nhau tại trung tâm thành phố, nơi có hệ thống giao thông thuận tiện và gần với hệ thống các trường đại học và trung tâm kinh tế; không gian phục vụ cho nhiều thành phần khác nhau của hệ sinh thái khởi nghiệp.
Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Thành phồ Hồ Chí Minh trao đổi các nội dung định hướng xây dựng Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo. Ảnh: Tiến Lực - TTXVN
Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Thành phồ Hồ Chí Minh trao đổi các nội dung định hướng xây dựng Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo. Ảnh: Tiến Lực - TTXVN
Trong các chuyến làm việc tại nước ngoài, Đoàn công tác của lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh luôn dành nhiều ưu tiên cho việc tìm hiểu và trao đổi kinh nghiệm quốc tế, nhất là kinh nghiệm về mô hình đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp của các quốc gia như Đức, Hà Lan, Australia, Singapore...
 
Thực tế, dù đã có mô hình Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (Sihub) khá thành công trong việc hỗ trợ, kết nối trong giai đoạn vừa qua, nhưng với xu thế phát triển hiện nay, Thành phố Hồ Chí Minh xác định cần “nâng tầm” mô hình này để xây dựng một hệ sinh thái khởi nghiệp tập trung, quy mô lớn.
 
Theo ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, các quốc gia có hệ sinh thái khởi nghiệp phát triển thường có các trung tâm khởi nghiệp tập trung, đây là “sợi dây” kết nối cộng đồng khởi nghiệp. Thành phố đã nghiên cứu các mô hình thành công trên thế giới và phát triển theo hướng này.

Điển hình ở châu Á, tòa nhà Blk71 có diện tích 17.000 m2 (là tòa nhà công nghiệp cũ) được Chính phủ Singapore cải tạo nhằm tập trung một số lượng lớn các startup vào một địa điểm chung, cùng với các quỹ đầu tư, vườn ươm, trường đại học. Tòa nhà chuyên cung cấp cho các dự án và doanh nghiệp không gian làm việc chung, văn phòng, phòng họp, khu vực tổ chức các sự kiện hằng tuần, các hội nghị và triển lãm quy mô lớn, không gian ươm mầm.
 
Blk71 thường hỗ trợ từ 200 – 250 startup trong một thời điểm cùng với 23 vườn ươm và quỹ đầu tư, cũng như 20 trường Đại học Quốc tế. Do yêu cầu thực tế của hệ sinh thái, Chính phủ Singapore đã tiếp tục cải tạo 6 tòa nhà xung quanh Blk71 (Blk67, Blk73, Blk75, Blk77, Blk79 và Blk81), nâng tổng diện tích lên 55.750 m2.
 
Tại châu Âu, Station F Campus là khu nhà ga đường sắt cũ được cải tạo thành khuôn viên quy tụ hệ sinh thái startup tại Paris (Pháp). Khu này được chính quyền thành phố Paris hợp tác công tư cải tạo nhằm tập trung một số lượng lớn các startup vào một địa điểm chung, cùng với các công ty công nghệ lớn, các quỹ đầu tư, vườn ươm... Station F Campus hoàn thành vào tháng 6/2017 có diện tích 34.000 m2 và có khoảng 1.000 startup chia sẻ không gian làm việc, cùng với các công ty công nghệ lớn (Facebook, TechShop) và các vườn ươm lớn (Plug & Play + BNP Paribas, KIMA Ventures) của thế giới.
 
Theo ông Nguyễn Việt Dũng, xu hướng và nguyên tắc thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là sử dụng một không gian lớn hoặc các không gian ở cạnh nhau để quy tụ một số lượng lớn các thành phần của hệ sinh thái khởi nghiệp. Qua đó cung cấp không gian hoạt động và làm việc không chỉ cho các startup, mà còn cho các thành phần khác của hệ sinh thái: Quỹ đầu tư, vườn ươm, công ty công nghệ lớn, trường đại học... Các trung tâm này được đầu tư bài bản và hỗ trợ đầy đủ các không gian chức năng, cơ sở hạ tầng và kỹ thuật cho quá trình hoạt động của các dự án khởi nghiệp.
 
Đánh giá cao định hướng phát triển trung tâm kết nối khởi nghiệp của Thành phố Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Tuấn Anh (Chuyên gia cấp cao của Microsoft châu Á - Thái Bình Dương) cho rằng, hoạt động của Trung tâm Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Thành phố cần phải hướng đến những ngành kinh tế chủ lực, là thế mạnh của Thành phố. Ở các quốc gia phát triển, các vườn ươm thường là mô hình vườn ươm chuyên sâu, tạo dựng cơ sở hạ tầng, thiết bị, con người chỉ để phát triển trong một ngành, lĩnh vực và họ đã rất thành công.
 
Đến mô hình tập trung của thành phố 
Tính đến nay, Thành phố Hồ Chí Minh có khoảng 34 cơ sở ươm tạo, tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, không gian làm việc chung, với diện tích lên đến 30.000 m2. Các hoạt động hỗ trợ đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong thời gian qua, đã góp phần hình thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo tại Thành phố, tạo sức lan tỏa mạnh từ cộng đồng doanh nghiệp đến xã hội và đạt được nhiều kết quả khả quan.
 
Trong giai đoạn 2016 - 2019, mô hình Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo (Sihub) đã thực hiện tốt vai trò xây dựng và kiến tạo, kết nối các hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Thành phố. Tuy nhiên, theo Sở Khoa học và Công nghệ, Thành phố chưa có một đầu mối đảm nhận chuyên trách về hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Các hoạt động về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo còn manh mún và phân tán ở nhiều tổ chức đơn vị khác nhau…
 
Với chủ trương tạo nên một trung tâm cho hệ sinh thái khởi nghiệp theo mô hình thành công của quốc tế, Thành phố Hồ Chí Minh đang triển khai xây dựng Trung tâm Khởi nghiệp sáng tạo Thành phố. Công trình sẽ được xây dựng tại số 123 Trương Định, Quận 3 và dự kiến sẽ được khởi công vào nửa đầu năm 2020. Tòa nhà có diện tích sàn khoảng 20.000 m2, tổng chi phí xây dựng vào khoảng 323 tỉ đồng.
 
Theo ông Nguyễn Việt Dũng, Trung tâm sẽ được xây dựng theo mô hình hợp tác công - tư, trong đó nhà nước chịu trách nhiệm về đất đai, xây dựng tòa nhà và các khu vực dành cho hoạt động chung; khối tư nhân tham gia ươm tạo, quỹ đầu tư, tập đoàn, doanh nghiệp... sẽ tự thiết kế, trang bị, vận hành các không gian riêng phù hợp với nhu cầu.
 
Có thể đây không phải là trung tâm khởi nghiệp sáng tạo duy nhất của Thành phố trong tương lai, nhưng trước mắt cố gắng làm mô hình đầu tiên với mô hình thật tốt. Thành phố sẽ xác định mô hình vận hành ra sao để đúng nghĩa là trung tâm đầu mối về khởi nghiệp chứ không phải nơi cho thuê văn phòng”, ông Nguyễn Việt Dũng chia sẻ.
 
Dưới góc nhìn của chuyên gia, ông Francis Nguyễn Tuấn Anh (Chuyên gia cấp cao của Microsoft châu Á - Thái Bình Dương) cho rằng, Trung tâm không phải nơi cho thuê mặt bằng. Việc xây dựng Trung tâm về khía cạnh cơ sở hạ tầng có thể làm dễ dàng, nhưng làm thế nào để “thổi hồn” tạo ra những hoạt động kết nối, hợp tác mới khó. Thành phố cần có nhiều buổi tiếp xúc, trao đổi với các thành phần của hệ sinh thái để đưa ra một mô hình hoạt động mang tính bền vững, lâu dài.
 
Trong khi đó, ông Hoàng Linh, Giám đốc Điều hành CirCO (chuyên cung cấp các dịch vụ về không gian làm việc chung) đặt kỳ vọng, Trung tâm sẽ tạo ra những tín hiệu tích cực cho cả hệ sinh thái. Sự ra đời của trung tâm này cho thấy Nhà nước rất quan tâm và thật sự mong muốn hỗ trợ cộng đồng, bên cạnh những tổ chức tư nhân. Trung tâm này cũng sẽ là một đầu mối hỗ trợ về chính sách, thứ mà các startup luôn cần.
 
Những chủ trương, chính sách hỗ trợ khởi nghiệp từ năm 2016 đến nay của Thành phố Hồ Chí Minh đã góp phần hình thành một cộng đồng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo lớn mạnh. Từ đó, các mô hình ươm tạo, các quỹ đầu tư trong và ngoài nước đã tham gia để hình thành một hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, với nhiều doanh nghiệp công nghệ phát triển. Thành phố vẫn tiếp tục hoàn thiện và phát triển chính sách, dành nhiều ưu tiên đặc biệt để giúp cho cộng đồng khởi nghiệp thực sự có môi trường thuận lợi để phát triển bền vững (Hết)./.
             Tiến Lực
Báo ảnh Dân tộc và Miền núi/TTXVN

Có thể bạn quan tâm