Phát triển du lịch về nguồn (Bài 1)

Đông đảo người dân đến viếng mộ cụ Đồ Chiểu tại huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Ảnh: Chương Đài - TTXVN
Đông đảo người dân đến viếng mộ cụ Đồ Chiểu tại huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Ảnh: Chương Đài - TTXVN

Du lịch tham quan các di tích lịch sử hay du lịch về nguồn không chỉ giúp du khách khám phá, tìm hiểu về di tích, điểm đến, mà còn mang ý nghĩa nhân văn, góp phần bồi đắp tinh thần yêu nước, thể hiện sự trân trọng, biết ơn đối với những người có công với đất nước. Gìn giữ, phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch, tạo sức lan tỏa cho điểm đến, đồng thời là những “địa chỉ đỏ” vừa thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, giáo dục truyền thống, vừa khẳng định sức hấp dẫn của sản phẩm du lịch chính là đích đến của loại hình du lịch đậm chất nhân văn này. Đây là nội dung phóng viên Thông Tấn Xã Việt Nam (TTXVN) phản ánh qua hai bài viết chủ đề Phát triển du lịch về nguồn - nhìn từ các địa phương Nam Bộ.

Phát triển du lịch về nguồn (Bài 1) ảnh 1 Ngày 19/9/2021, Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Bộ Tư lệnh Thành phố, Ủy ban nhân dân huyện Củ Chi tổ chức chương trình về nguồn “Hành trình xanh về vùng Đất Thép” dành cho lực lượng tuyến đầu phòng chống dịch COVID-19 tại các phường, xã, thị trấn trên địa bàn thành phố. Trong ảnh: Lực lượng tuyến đầu phòng chống dịch COVID-19 tham gia tour về nguồn tại huyện Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: TTXVN phát. Ảnh: TTXVN phát

Bài 1: Loại hình du lịch nhiều ý nghĩa

Xuyên suốt chiều dài lịch sử hình thành và phát triển, tại các địa phương thuộc vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long còn lưu giữ nhiều di tích lịch sử - văn hóa thể hiện dấu ấn của từng giai đoạn, ghi nhớ tinh thần yêu nước, thương dân của các thế hệ đi trước đã có công xây dựng, bảo vệ non sông, bờ cõi.

Mỗi điểm đến là một địa chỉ đỏ


Thống kê từ các địa phương cho thấy, nhiều tỉnh, thành phố phía Nam đang sở hữu lượng lớn các di tích lịch sử - văn hóa, trong đó có nhiều di tích được xếp hạng quốc gia, quốc gia đặc biệt, trở thành nền tảng, chất liệu cơ bản để địa phương phát triển mạnh loại hình du lịch về nguồn.

Theo Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh, hiện thành phố có 185 di tích lịch sử - văn hóa, kiến trúc nghệ thuật hoặc khảo cổ học được xếp hạng là di tích cấp quốc gia và cấp thành phố, ghi dấu ấn các thời kỳ lịch sử của vùng đất, con người Sài Gòn xưa - Thành phố Hồ Chí Minh hôm nay. Trong đó, hai di tích được xếp hạng di tích quốc gia hạng đặc biệt là Di tích lịch sử Dinh Độc Lập và Di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi.

Di tích lịch sử Dinh Độc Lập tọa lạc tại Quận 1 - trung tâm thành phố là nơi vào trưa 30/4/1975, lá cờ Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam đã tung bay trên nóc Dinh, kết thúc 30 năm kháng chiến hào hùng của dân tộc Việt Nam, thống nhất đất nước. Còn Di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi ở hai xã Phú Mỹ Hưng và Nhuận Đức, huyện Củ Chi, được biết đến với hệ thống đường hầm dọc ngang, nhiều tầng, xuyên trong lòng đất, kết hợp với những chiến hào, công sự trên mặt đất trong thời kỳ kháng chiến. Đây là nơi các đồng chí lãnh đạo Khu ủy, Quân khu Sài Gòn - Gia Định từng sống và làm việc, trực tiếp chỉ đạo, lãnh đạo Cách mạng Sài Gòn - Gia Định giành nhiều thắng lợi vẻ vang trong suốt hai cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm. Hiện nay, Khu di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi là nơi giáo dục truyền thống, điểm đến tham quan, du lịch, mang ý nghĩa tri ân công ơn của các anh hùng, liệt sỹ đã chiến đấu, hy sinh trên vùng đất Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định năm xưa.

Phát triển du lịch về nguồn (Bài 1) ảnh 2Ngày 19/9/2021, Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Bộ Tư lệnh Thành phố, Ủy ban nhân dân huyện Củ Chi tổ chức chương trình về nguồn “Hành trình xanh về vùng Đất Thép” dành cho lực lượng tuyến đầu phòng chống dịch COVID-19 tại các phường, xã, thị trấn trên địa bàn thành phố. Trong ảnh: Thành viên tham gia tour về nguồn dâng hương tại Đền Bến Dược, huyện Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: TTXVN phát

Cùng ở vùng Đông Nam Bộ, tỉnh Bình Dương có trên 60 di tích đã được xếp hạng cấp tỉnh và cấp quốc gia. Trong đó, nhiều di tích mang đậm dấu ấn hào hùng, là điểm đến tham quan, về nguồn, tri ân các thế hệ cha anh đã từng chiến đấu, bảo vệ vùng đất miền Đông Nam Bộ. Đó là các di tích: Nhà tù Phú Lợi ở thành phố Thủ Dầu Một, Địa đạo Tây Nam Bến Cát tại thị xã Bến Cát, Sở Chỉ huy tiền phương Chiến dịch Hồ Chí Minh ở huyện Dầu Tiếng, Chiến khu Đ ở huyện Bắc Tân Uyên...

Xuôi về Đồng bằng sông Cửu Long, Bến Tre - quê hương của phong trào Đồng khởi năm xưa, cũng là địa phương có nhiều điểm đến du lịch về nguồn, du lịch gắn với di tích lịch sử.

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bến Tre Nguyễn Văn Bàn cho biết, toàn tỉnh hiện có gần 80 di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia và cấp tỉnh. Trong các chương trình triển khai gìn giữ, bảo tồn di tích cũng như định hướng chiến lược phát triển du lịch, các di tích này luôn được chú trọng bảo tồn, phát huy giá trị, là điểm đến được nhiều du khách lựa chọn. Có thể nhắc tới một số di tích lịch sử tiêu biểu trên địa bàn tỉnh như di tích Đồng khởi Bến Tre ở xã Định Thủy, huyện Mỏ Cày Nam, Mộ và khu lưu niệm danh nhân Nguyễn Đình Chiểu tại xã An Đức, huyện Ba Tri, Khu lưu niệm Đền thờ nữ tướng Nguyễn Thị Định ở xã Lương Hòa, huyện Giồng Trôm, Khu di tích đầu cầu tiếp nhận vũ khí Bắc-Nam, nơi có địa danh Bến tàu không số ở xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú.

Phát triển du lịch về nguồn (Bài 1) ảnh 3Danh nhân Nguyễn Ðình Chiểu không chỉ là nhà văn hóa lớn tiêu biểu của miền đất Nam Bộ nói riêng, Việt Nam nói chung mà còn là tấm gương sáng về nhân cách, đạo đức, tiêu biểu cho văn hóa của dân tộc. Sức ảnh hưởng, cốt cách, giá trị những tác phẩm của ông đã vươn tầm thế giới, được cả nhân loại tìm hiểu, nghiên cứu. Qua đó, càng khẳng định giá trị di sản cao đẹp mà Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu để lại cho hậu thế, đóng góp hữu hiệu cho công cuộc bảo tồn và phát huy giá trị tốt đẹp của di sản văn hóa Việt trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Trong ảnh: Đông đảo người dân đến viếng mộ cụ Đồ Chiểu tại huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Ảnh: Chương Đài - TTXVN

Tương tự, thành phố trung tâm Đồng bằng sông Cửu Long là Cần Thơ cũng có gần 40 di tích lịch sử - văn hóa đã được xếp hạng. Thời gian qua, công tác trùng tu, tôn tạo các di tích tiếp tục được quan tâm, một số công trình nổi bật từng bước trở thành điểm đến gắn kết với phát triển du lịch của thành phố như: Di tích lịch sử chiến thắng Ông Hào ở huyện Phong Điền, nơi diễn ra chiến công oai hùng của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm vào năm 1965; Di tích Đền thờ đồng chí Châu Văn Liêm (ở huyện Thới Lai) - người chiến sỹ Cộng sản kiên cường, người từng tham dự Hội nghị hợp nhất các tổ chức Cộng sản, thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam do đồng chí Nguyễn Ái Quốc quốc chủ trì tại Hương Cảng (Trung quốc) vào năm 1930; Khu di tích lịch sử Địa điểm thành lập Chi bộ An Nam Cộng sản Đảng Cờ Đỏ - Chi bộ đầu tiên ở Cần Thơ...

Hình thành nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn

Đề cập đến loại hình du lịch tham quan điểm đến được hình thành, khai thác trên cơ sở các địa chỉ đỏ, nhiều chuyên gia khẳng định, mỗi chuyến du lịch không chỉ đơn thuần là chuyến vui chơi, tham quan hay nghỉ dưỡng, mà còn là dịp để mỗi du khách tìm hiểu, thể hiện sự tri ân đối với thế hệ cha anh đã hy sinh, cống hiến cho quê hương, đất nước, mang ý nghĩa giáo dục và đậm chất nhân văn.

Theo Giám đốc Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Ánh Hoa, sở hữu 366 tài nguyên du lịch, trong đó có trên 220 điểm đến gắn với giá trị tài nguyên văn hóa vật thể, Thành phố Hồ Chí Minh coi việc xây dựng, khai thác các điểm đến là di tích lịch sử - văn hóa, là một trong những giải pháp quan trọng, góp phần đa dạng sản phẩm, khẳng định sức hút của trung tâm du lịch lớn trong cả nước.

Lãnh đạo Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, một trong những sản phẩm du lịch nổi bật gắn với di tích lịch sử là hành trình tour mang tên “Theo dấu chân biệt động Sài Gòn” được nhiều doanh nghiệp lữ hành đưa vào khai thác, tạo cho du khách trải nghiệm và cảm xúc rất đặc biệt. Với điểm đến là di tích Bia tưởng niệm các chiến sỹ Biệt động Sài Gòn đã hy sinh trong cuộc tấn công vào Dinh Độc Lập, trong Cuộc tổng tiến công Xuân Mậu Thân năm 1968, Bảo tàng tình báo biệt động Sài Gòn- Gia Định ở đường Trần Quang Khải, Quận 1 hay Quán cà phê Đỗ Phủ - cơm tấm Đại Hàn (đường Đặng Dung, Quận 1) - nơi từng là trạm giao liên có hộp thư bí mật của lực lượng biệt động Sài Gòn, du khách được tham quan, tìm hiểu về sự hy sinh, chiến công của các chiến sỹ biệt động năm xưa, trong đó có những người chính là nguyên mẫu của các nhân vật trong bộ phim truyện nổi tiếng "Biệt động Sài Gòn”. Không những thế, chú ý hoàn thiện từng chi tiết trong sản phẩm tour, các doanh nghiệp lữ hành còn lồng ghép giới thiệu, đưa du khách qua những đường phố từng in dấu chân cùng chiến công của người chiến sỹ biệt động: đường Nguyễn Thị Minh Khai, Lê Duẩn, Nguyễn Đình Chiểu, hay giới thiệu du khách thưởng thức món ăn, thức uống quen thuộc của người Sài Gòn xưa như cà phê bơ cùng giò cháo quẩy, tạo thêm nét riêng cho sản phẩm trải nghiệm.

Còn theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Dương Nguyễn Thanh Phong, tỉnh có nhiều sản phẩm thuộc các loại hình du lịch sinh thái, du lịch tham quan làng nghề kết hợp mua sắm, du lịch tham quan các di tích lịch sử, văn hóa, du lịch nghỉ dưỡng cuối tuần, du lịch thể thao cao cấp. Trong đó, hành trình về thăm di tích lịch sử là một trong những sản phẩm nổi bật với điểm nhấn là tour liên kết với các địa phương trong khu vực Đông Nam Bộ như Thành phố Hồ Chí Minh, Tây Ninh, Bình Phước, với hành trình mang tên “Sắc xanh ngày mới”, “Chinh phục nóc nhà Đông Nam Bộ”, “Tình đất đỏ miền Đông”. Trong mỗi tour, điểm đến là các địa chỉ đỏ như Địa đạo Củ Chi ở Thành phố Hồ Chí Minh, di tích Nhà tù Phú Lợi ở Bình Dương hay Căn cứ lịch sử Tà Thiết (Bộ Chỉ huy quân giải phóng miền Nam Việt Nam) ở Bình Phước luôn là điểm dừng chân để lại ấn tượng sâu sắc cho du khách.

Phát triển du lịch về nguồn (Bài 1) ảnh 4Đoàn đại biểu Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu mặc niệm, tưởng nhớ các Anh hùng liệt sỹ ở Nghĩa trang Hàng Dương, huyện Côn Đảo. Ảnh: Thanh Vũ - TTXVN

Trong khi đó, theo lãnh đạo Sở Du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu, các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn luôn được xem là tài nguyên du lịch có sức hấp dẫn và đã trở thành một trong những sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng của địa phương. Trong đó, riêng huyện Côn Đảo với hệ thống các di tích - địa chỉ đỏ như Nhà tù Côn Đảo, nghĩa trang Hàng Dương, Cầu tàu 914, Cầu Ma Thiên Lãnh đã trở thành điểm đến của du khách trong những chuyến du lịch về nguồn, tri ân người có công với đất nước. Hiện mỗi năm, Côn Đảo đón trung bình trên 300.000 lượt du khách tới tham quan, trải nghiệm theo tour du lịch về nguồn, du lịch tâm linh và các chuyến sinh hoạt truyền thống. (Xem tiếp Bài 2: Tăng sức hấp dẫn cho các điểm đến)

Thanh Trà

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm