Phát triển du lịch nông thôn gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, làng nghề

Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 922/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025.

Mục tiêu cụ thể của Chương trình là đến năm 2025 phát triển, chuẩn hóa các điểm đến và sản phẩm du lịch nông thôn. Mỗi tỉnh, thành phố phấn đấu có ít nhất một điểm du lịch nông thôn được công nhận gắn với lợi thế về nông nghiệp, văn hóa, làng nghề hoặc môi trường sinh thái của địa phương; 50% cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch nông thôn được công nhận đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch.

Chương trình cũng hướng đến việc đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với quá trình chuyển đổi số; ít nhất 50% điểm du lịch nông thôn được công nhận được số hóa và kết nối trên trang quảng bá, xúc tiến du lịch bằng công nghệ số; phấn đấu 100% điểm du lịch nông thôn được giới thiệu, quảng bá; 50% điểm du lịch nông thôn ứng dụng các giao dịch điện tử trong hoạt động du lịch; mỗi huyện nông thôn mới có tiềm năng du lịch xây dựng ít nhất một mô hình chuỗi liên kết du lịch nông nghiệp nông thôn đặc thù.

Bên cạnh đó, Chương trình còn đặt ra mục tiêu ít nhất 70% chủ cơ sở du lịch nông thôn được đào tạo, tập huấn về nghiệp vụ quản lý du lịch; 80% lao động du lịch nông thôn được bồi dưỡng, tập huấn và nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng phục vụ khách du lịch, trong đó ít nhất 50% là lao động nữ; mỗi điểm du lịch có ít nhất một nhân viên thành thạo ngoại ngữ.

Một trong các nhiệm vụ của Chương trình là nâng cấp, đầu tư phát triển điểm du lịch nông thôn gắn với việc thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới; định hướng, bố trí và tổ chức không gian lãnh thổ các khu du lịch, điểm du lịch nông thôn phù hợp với tiềm năng phát triển du lịch và đảm bảo kết nối với các tuyến du lịch trọng điểm của vùng, địa phương.

Các nhiệm vụ quan trọng khác của Chương trình có thể kể đến như: Thiết kế, cải tạo cảnh quan kiến trúc và môi trường trong toàn bộ không gian điểm du lịch vừa bảo tồn bản sắc truyền thống vừa đảm bảo điều kiện vệ sinh, thuận tiện, sinh thái; tiết kiệm đầu tư thông qua việc sử dụng các nguyên liệu tại chỗ, thân thiện với môi trường; cải tạo, nâng cấp và hoàn thiện kết cấu hạ tầng đồng bộ tại các điểm du lịch, phù hợp với nhu cầu của khách du lịch, đảm bảo hài hòa với không gian, cảnh quan gắn với đặc trưng văn hóa vùng miền...

Nội dung của Chương trình cũng đề cập tới nhiệm vụ phát triển sản phẩm du lịch nông thôn mang đặc trưng vùng, miền. Theo đó, Chương trình tập trung phát triển sản phẩm du lịch có chất lượng, đa dạng, khác biệt, gắn với bản sắc, đặc trưng vùng miền, có tính trải nghiệm và giá trị gia tăng cao, theo định hướng của thị trường và phù hợp với nhu cầu của từng đối tượng du khách (theo khách quốc tế, nội địa; theo độ tuổi…); đa dạng hóa sản phẩm, chú trọng phát triển sản phẩm mới, có tính cạnh tranh cao và bắt kịp với xu hướng và thị hiếu của khách du lịch.

Đặc biệt, Chương trình hướng tới hỗ trợ nâng cấp, hoàn thiện các cơ sở lưu trú và các công trình dịch vụ đảm bảo chất lượng dịch vụ, hạn chế tác động đến môi trường; hỗ trợ bảo tồn, phục dựng và phát triển các làng nghề, ẩm thực, trang phục truyền thống và hoạt động nông nghiệp, loại hình biểu diễn văn hóa, thể thao; phát triển các nghệ nhân; phục dựng mô hình sản xuất các sản phẩm đặc sản, truyền thống… để phục vụ khách du lịch thông qua các trải nghiệm thực tế; bảo tồn và phát huy các không gian văn hóa, di tích văn hóa lịch sử, cách mạng.

TTXVN

Tin liên quan

Điện Biên gắn phát triển làng nghề truyền thống với du lịch

Điện Biên là một tỉnh biên giới, miền núi thuộc vùng Tây Bắc của Tổ quốc. Những năm vừa qua, tỉnh đã đẩy mạnh hỗ trợ, phát triển làng nghề truyền thống gắn với du lịch, góp phần mang lại hiệu quả kinh tế cũng như nâng cao đời sống đồng bào dân tộc…


Quảng Nam tạo sản phẩm ấn tượng trong phát triển du lịch làng nghề sinh thái

Là một trong những sản phẩm du lịch mới của Quảng Nam, du lịch sinh thái, trải nghiệm đời sống văn hóa, sinh hoạt của người dân từ vùng đồng bằng, ven biển đến vùng sâu trong đất liền, nơi cư trú của cộng đồng các dân tộc thiểu số anh em, được xem là những sản phẩm du lịch độc đáo, giàu tiềm năng của tỉnh. Tuy nhiên, để loại hình du lịch này thật sự là sản phẩm mang sắc thái riêng và phát triển bền vững phải có định hướng phát triển bài bản, khắc phục tình trạng “mạnh ai nấy làm”, chạy theo số lượng, chất lượng sản phẩm chưa được chú trọng đúng mức, khiến nhiều sản phẩm du lịch mới ra đời đã “chết yểu”.


Hải Dương gắn kết du lịch giúp làng nghề phát triển

Việc đưa một số làng nghề ở Hải Dương vào các tour, tuyến tham quan của các doanh nghiệp lữ hành trong những năm gần đây đã góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch, đồng thời là một nhân tố giúp các làng nghề “sống khỏe”.


Thừa Thiên - Huế phát triển làng nghề gắn với du lịch

Tỉnh Thừa Thiên - Huế đã quy hoạch phát triển nghề truyền thống và làng nghề trên địa bàn từ nay đến năm 2020, định hướng đến năm 2025. Theo đó, tỉnh lựa chọn để tiến hành tổ chức không gian làng nghề và đào tạo nguồn nhân lực để vừa phát triển nghề, vừa trình diễn và tham gia các hoạt động quảng bá du lịch.



Đề xuất