Phát triển du lịch gắn với bản sắc văn hóa - Bài cuối

Phát triển du lịch gắn với bản sắc văn hóa - Bài cuối
Bài 2 - Tiếp thao và hết: Tìm giải pháp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao
Nút thắt ở đâu?
Nhiều năm qua, ngành Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long đã có nhiều cố gắng đầu tư nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Tuy nhiên, đến nay, chất lượng nguồn nhân lực vùng Đồng bằng sông Cửu Long vẫn chưa đáp ứng yêu cầu. Trong các hội nghị, hội thảo diễn ra nhiều năm qua, các nhà khoa học, giới chuyên gia cũng nhận định, chất lượng nguồn nhân lực du lịch Đồng bằng sông Cửu Long quá yếu kém.
Du khách thăm quan Mũi Cà Mau, vùng đất tận cùng phía Nam của Tổ quốc. Ảnh: Mai Hưng- TTXVN
 Du khách thăm quan Mũi Cà Mau, vùng đất tận cùng phía Nam của Tổ quốc. Ảnh: Mai Hưng- TTXVN

Theo đánh giá của Hiệp hội du lịch Đồng bằng sông Cửu Long, chất lượng nguồn nhân lực của vùng yếu hơn nhiều so với các vùng khác. Một phần do yếu tố khách quan nhưng quan trọng hơn là các doanh nghiệp phải “tự bơi”, không có kinh phí đào tạo nhân viên. Đó là chưa kể tình trạng nhiều nhân viên sau khi được cử đi đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ đã “một đi không trở lại” do các doanh nghiệp khác mời về làm với mức lương cao hơn.
 
Vì vậy, có ý kiến cho rằng, chính chất lượng nguồn nhân lực du lịch quá nghèo nàn là “lực cản” lớn khiến ngành Du lịch vùng Đồng bằng sông Cửu Long phát triển chậm, chưa tương xứng với tiềm năng. Điều này thể hiện rõ khi thực tế cho thấy, tư duy và cách làm du lịch của cộng đồng còn mang tính thời vụ, chưa chuyên nghiệp, chưa thể hiện giá trị bản sắc văn hóa bản địa trong du lịch.
 
Nguyên nhân của tình trạng này xuất phát từ khả năng hoạch định chiến lược và tầm nhìn của các nhà quản lý du lịch địa phương còn hạn chế, dẫn đến sự chậm chạp trong vận hành những chương trình cải tiến, phát triển ngành Du lịch. Do vậy, Tiến sĩ Nguyễn Văn Lưu, thành viên Hội đồng tư vấn Du lịch quốc gia cho rằng, rất cần có khung chính sách và chiến lược phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phù hợp với mục tiêu phát triển du lịch.
 
Cụ thể, việc cần làm ngay là tổng điều tra nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao một cách đầy đủ, nghiêm túc và bài bản để nắm chính xác các thông số về nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao của từng địa phương trong cả nước; biết được thực trạng nguồn nhân lực du lịch từ đó có giải pháp hiệu quả.

Tuy nhiên, theo một số chuyên gia du lịch, một giải pháp mang tính bền vững là ngành Du lịch Việt Nam nói chung, vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng cần triển khai hiệu quả công tác thống kê. Đây là yêu cầu quan trọng nhưng nhiều năm qua vẫn chưa được quan tâm đúng mức nên thiếu cơ sở cho việc xây dựng, ban hành các chính sách phù hợp. Trong đó, chính sách quan trọng là xác định và đầu tư cho nguồn nhân lực du lịch.
 
Thạc sĩ Phan Thị Thái Hà, Trung tâm Thông tin du lịch, Tổng cục du lịch nhìn nhận, du lịch hiện chưa được xếp thành một ngành kinh tế độc lập trong hệ thống các ngành kinh tế quốc dân và hệ thống tài khoản quốc gia nên không được chính thức tính toán đo lường để thấy được vị trí, vai trò như các ngành kinh tế khác. Trước thực trạng này, triển khai tài khoản vệ tinh du lịch (Tourism Satellite Account - TSA) theo khuyến nghị của Tổ chức Du lịch thế giới như một công cụ chính thức là lựa chọn tối ưu.
 
Cụ thể, việc triển khai TSA nói trên sẽ cung cấp những thông tin toàn diện, chính xác, đáng tin cậy về hoạt động du lịch; cho phép đánh giá kết quả và hiệu quả kinh doanh của hoạt động du lịch thông qua các chỉ tiêu về số lượng khách du lịch, doanh thu du lịch… từ đó xác định nguồn nhân lực du lịch và khả năng du lịch tạo ra việc làm cho các nhóm lao động khác nhau, góp phần nâng cao nhận thức của các bên liên quan và cộng đồng về tầm quan trọng của du lịch đối với phát triển kinh tế - xã hội.
 
Thực hiện thế nào?
Được biết, từ năm 2012, Trung tâm Thông tin du lịch, Tổng cục du lịch đã xây dựng Kế hoạch nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thống kê du lịch và chương trình áp dụng TSA tại Việt Nam giai đoạn 2013-2020. Tuy nhiên đến nay, công tác này vẫn còn gặp nhiều khó khăn và chưa tính toán đầy đủ tác động, cũng như đóng góp của du lịch vào nền kinh tế. Ngoài ra, vẫn chưa hình thành được hệ thống cơ sở dữ liệu từ Trung ương đến địa phương.
 
Thạc sĩ Phan Thị Thái Hà cho biết thêm, những khó khăn trong triển khai kế hoạch trên là do nhiều địa phương còn lúng túng, chưa tổng hợp báo cáo từ các doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý. Chỉ có một số địa phương, tổ chức được điều tra thông tin từ khách du lịch làm cơ sở cho việc nghiên cứu thị trường khách và tính toán chỉ tiêu đánh giá kết quả hoạt động du lịch.
Những cánh rừng tràm ở U Minh Cà Mau, Đồng Tháp với một hệ thống sinh học vô cùng đa dạng. Ảnh: Huỳnh Phúc Hậu
Những cánh rừng tràm ở U Minh Cà Mau, Đồng Tháp với một hệ thống sinh học vô cùng đa dạng. Ảnh: Huỳnh Phúc Hậu

Nhân lực làm công tác thống kê du lịch ở các địa phương mỏng, hầu như không có chuyên trách riêng, thường phải kiêm nhiệm với công tác chuyên môn khác. Nhiều người làm thống kê chưa được đào tạo đúng chuyên ngành. Người làm thống kê là một trong những nhân tố quan trọng trong việc đảm bảo cung cấp các số liệu được chính xác, kịp thời. Do đó, cần chú trọng bồi dưỡng, tập huấn nâng cao kiến thức về thống kê du lịch, chia sẻ kinh nghiệm trong quản lý thống kê, tổ chức điều tra, khảo sát thông tin, xây dựng các báo cáo thống kê du lịch”, Thạc sĩ Phan Thị Thái Hà kiến nghị.
 
Ngoài ra, một số chuyên gia cũng kiến nghị, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong thống kê du lịch là rất cần thiết. Vì vậy, ngành Du lịch cần sớm nghiên cứu tạo ra hệ thống quản lý dữ liệu, có thể tra cứu, trích xuất số liệu dễ dàng.
 
Yêu cầu triển khai thống kê du lịch và áp dụng công cụ TSA nói trên càng cần thiết hơn khi theo các chuyên gia, Việt Nam đang hội nhập cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) với cam kết hợp tác quan trọng trong AEC liên quan đến du lịch là Thỏa thuận công nhận lẫn nhau về lao động du lịch (MRA-TP). Theo đó, MRA-TP cho phép người lao động trong khối ASEAN có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ được Hội đồng cấp chứng chỉ nghề du lịch của các quốc gia thành viên chứng nhận có thể tự do tìm việc ở các quốc gia thành viên.

Thạc sĩ Nguyễn Hoàng Mai, Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch cho rằng, ngoài việc góp phần đa dạng hóa các sản phẩm du lịch Việt Nam, tranh thủ nguồn khách trong khu vực, gia tăng cơ hội thu hút đầu tư, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong nước, cũng như thu hút lao động chất lượng cao, đây còn là thách thức nếu chất lượng nguồn nhân lực không được đẩy mạnh, nguy cơ mất việc làm, thậm chí mất thị phần du lịch là điều chắc chắn xảy ra. Do đó, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch, triển khai thống kê du lịch là việc cần sớm thực hiện ngay lúc này./.
 Anh Đức - Việt Âu
Báo ảnh Dân tộc và Miền núi/TTXVN

Có thể bạn quan tâm