Phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm ở đồng bằng sông Cửu Long

Phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm ở đồng bằng sông Cửu Long
Hội thảo với chủ đề "Tăng cường công tác tuyên truyền phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội tự nguyện khu vực Đồng bằng sông Cửu Long". Ảnh: Ngọc Thiện- TTXVN
Hội thảo với chủ đề "Tăng cường công tác tuyên truyền phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội tự nguyện khu vực Đồng bằng sông Cửu Long". Ảnh: Ngọc Thiện- TTXVN

Tại Hội thảo Tăng cường công tác tuyên truyền phát triển đối tượng tham gia BHYT và BHXH tự nguyện vùng ÐBSCL, do BHXH Việt Nam phối hợp Hội Nông dân Việt Nam tổ chức mới đây, Phó Trưởng Ban Thu (BHXH Việt Nam) Mai Ðức Thắng cho biết, khu vực ÐBSCL có số dân khoảng 18 triệu người (chiếm khoảng 21% số dân cả nước), so với tiềm năng phát triển của khu vực, thì công tác phát triển đối tượng và triển khai thực hiện chính sách BHXH, BHYT cho người dân còn nhiều hạn chế, bất cập; tỷ lệ bao phủ BHYT, số người lao động tham gia BHXH thấp hơn so mặt bằng chung của cả nước. Tính đến ngày 31-8-2017, tổng số đối tượng tham gia BHXH, BHYT là 14.321.712 người, chiếm tỷ trọng 18,1% so tổng số người tham gia BHXH (bắt buộc và tự nguyện), BHYT trên toàn quốc. Phần lớn người dân ÐBSCL chưa sẵn sàng tham gia BHXH tự nguyện và sử dụng thẻ BHYT.

Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, tính đến 31-8-2017, số đối tượng tham gia BHYT vùng ÐBSCL là 14.299.918 người, đạt tỷ lệ bao phủ BHYT là 79,9% so với dân số vùng, tăng 665.673 người (tăng 4,88% so năm 2016); chiếm tỷ trọng 15,31% so tỷ lệ bao phủ chung toàn quốc. Tuy nhiên, tỷ lệ người tham gia BHYT của một số tỉnh còn rất thấp; có sáu trong số 13 tỉnh, thành phố chưa hoàn thành chỉ tiêu bao phủ BHYT theo Quyết định số 1167/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; tỷ lệ tham gia BHYT thấp, tập trung vào nhóm đối tượng hộ gia đình, nhóm thuộc đối tượng được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng, người lao động trong các doanh nghiệp. Số đối tượng tham gia BHXH tự nguyện thấp hơn nhiều so với số đối tượng tiềm năng của vùng ÐBSCL; năm 2016, con số này giảm xuống chỉ còn 21.325 người, bằng 55% so năm 2015, do thay đổi về chính sách dẫn đến số cán bộ hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn chuyển từ tham gia BHXH tự nguyện sang tham gia BHXH bắt buộc; tám tháng đầu năm 2017, số người tham gia BHXH tự nguyện là 21.794 người, tăng 2% so năm 2016.

Thực tế cho thấy, vẫn còn khoảng bốn triệu người chưa tham gia BHYT, và hầu hết nông dân vùng này chưa tham gia BHXH tự nguyện. Phát triển BHXH, BHYT được xem là nhiệm vụ quan trọng, là điểm tựa an sinh cần thiết giúp ÐBSCL phát triển theo hướng bền vững. Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Nguyễn Hồng Lý cho biết, với mạng lưới tổ chức hội nông dân ở 13 tỉnh, thành miền Tây Nam Bộ, có đến 1.579 cơ sở hội, 10.334 chi hội và 63.679 tổ hội; hiện có 2.625.767 hộ gia đình nông dân, tương đương khoảng hơn 10 triệu nông dân. Ðây là trách nhiệm lớn, đòi hỏi hội nông dân cần phối hợp cơ quan BHXH các cấp phát huy vai trò, trách nhiệm để đưa chính sách BHXH tự nguyện, BHYT đến với hội viên, nông dân.

Nhận định về nguyên nhân của hiện trạng này, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn cho rằng, do cấp ủy, chính quyền các cấp ở một số địa phương chưa thật sự quyết liệt trong công tác chỉ đạo; tại mỗi địa phương chưa làm tốt công tác tuyên truyền, cho nên người dân chưa hiểu đầy đủ về chính sách BHXH, BHYT, thiếu thông tin về chính sách pháp luật BHXH, BHYT; nhận thức người dân về tính ưu việt, nhân văn, sự cần thiết của BHXH, BHYT còn chưa cao.

Để thay đổi tình trạng nêu trên, đại diện các địa phương đã chia sẻ nhiều giải pháp, kiến nghị có nội dung thiết thực, phù hợp tình hình thực tế tại các địa phương trong khu vực. Nhiều kinh nghiệm hay trong việc phối hợp tổ chức các hoạt động tuyên truyền giữa BHXH Việt Nam và hội nông dân các cấp đã được triển khai linh hoạt, sáng tạo và hiệu quả... Ông Phạm Lương Sơn cho rằng, để đạt được các mục tiêu về tăng cường phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình tại khu vực ÐBSCL, thời gian tới cần tập trung một số nhiệm vụ trọng tâm. Theo đó, các cấp ủy đảng, chính quyền cần tăng cường việc tiếp tục chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 21 NQ/T.Ư của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012-2020. Cuối năm nay, BHXH các địa phương phải chủ động, kịp thời tham mưu, đề xuất HÐND các cấp đưa chỉ số phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình thành chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2018; kiến nghị để cấp ủy đảng các cấp coi nội dung này là tiêu chí để đánh giá mức độ hoàn thành việc thực hiện Nghị quyết 21 của Bộ Chính trị về BHXH, BHYT tại địa phương.

Bên cạnh đó, BHXH các địa phương cần chủ động hơn trong việc phối hợp các ban, ngành, đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình ngay tại cơ sở và ở từng địa bàn, từng cụm dân cư; tiếp tục phát huy vai trò, uy tín, kinh nghiệm của hội nông dân các cấp, cũng như vai trò của các đại lý thu BHXH trong công tác tuyên truyền, phổ biến, tư vấn chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT đối với từng gia đình hội viên, đoàn viên...
Theo nhandan.com.vn
Theo nhandan.com.vn

Có thể bạn quan tâm