Phát triển đô thị Thành phố Hồ Chí Minh gắn với liên kết vùng (Bài cuối)

Phát triển đô thị Thành phố Hồ Chí Minh gắn với liên kết vùng (Bài cuối)
Bài cuối: Hạn chế tăng dân số cơ học  
Xem xét ở góc độ quy hoạch vùng
Để giải quyết hết tất cả những vấn đề bất cập trong việc quản lý đô thị, đặc biệt là trước áp lực của tăng dân số cơ học, nhiều chuyên gia giao thông đô thị cho rằng, Thành phố Hồ Chí Minh cần sớm nghiên cứu phát triển các hành lang đô thị để kết nối với hành lang đô thị của các tỉnh, thành giáp ranh. Từ đó, giải quyết các sai lầm trong quá trình phát triển đô thị của thành phố.
Một góc Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Hoàng Hải-TTXVN
Một góc Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Hoàng Hải-TTXVN 
 
Lý giải vấn đề này GS TS. Nguyễn Trọng Hòa, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Thành phố Hồ Chí Minh cho hay, có thể phát triển hành lang đô thị theo hướng Bắc – Tây Bắc sân bay Tân Sơn Nhất như một khu vực đối trọng với phần đô thị hiện nay để kết nối với hành lang đô thị của cả vùng kéo dài từ huyện Thuận An, Dĩ An, tỉnh Bình Dương sang huyện Đức Hòa, Đức Huệ, tỉnh Long An.
  
Với định hướng này, Thành phố Hồ Chí Minh từng bước sẽ giảm được áp lực phát triển đô thị xung quanh sân bay Tân Sơn Nhất, khu vực thời gian qua đã phát triển thiếu kiểm soát theo kiểu “vết dầu loang” không bền vững trong tương lai.
 
Cũng theo GS TS. Nguyễn Trọng Hòa, vấn đề trên cần phải được xem xét trong tầm nhìn chung trong “quản lý phát triển đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh từ góc độ quy hoạch vùng”. Theo hướng này, khi nghiên cứu hãy “làm mờ đi” ranh giới quản lý hành chính hiện nay đang “bó chặt” và kìm hãm sự phát triển theo những quy luật khách quan của các đô thị trong vùng.
 
“Sau khi thực hiện nghiên cứu trên với một vùng đô thị có quan hệ hữu cơ. Trong đó từng đô thị được rà soát lại về mặt quy hoạch sẽ “ráp lại” ranh hành chính và có thể kiến nghị điều chỉnh thích hợp để Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh – thành phố trong vùng tiếp tục quản lý phát triển”, GS TS. Nguyễn Trọng Hòa cho biết.
 
Những vấn đề nêu trên chính là nhằm làm sao giải bài toán “dân số - lao động – việc làm – nhà ở” để không chỉ Thành phố Hồ Chí Minh mà các tỉnh, thành trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam phát triển đô thị theo hướng bền vững. Tất nhiên các tỉnh, thành trong vùng phải sẵn sàng chia sẻ lợi ích, triệt tiêu những yếu tố cạnh tranh là một yêu cầu trước tiên.
 
Chia sẻ lợi ích
Như vậy, có nhiều ý kiến của các chuyên gia về kinh tế cho rằng, Thành phố Hồ Chí Minh cần xác định trở thành trung tâm tài chính, công nghệ cao… không "ôm đồm" quá nhiều chức năng mà có sự chia sẽ cho các địa phương lân cận. Đây là một vấn đề mà thành phố cần lưu tâm để không chỉ phát triển đúng định hướng là một đô thị hạt nhân của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, mà còn giúp cho thành phố giải quyết vấn đề phát triển đô thị bền vững, hạn chế tình trạng tăng dân số cơ học.
 
Theo PGS TS. Trương Thị Hiền, Học viện cán bộ Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố cần khuyến khích phát triển khu vực dịch vụ, đặc biệt là nhóm ngành dịch vụ cao cấp. Bởi lĩnh vực công nghiệp không phải là khu vực có lợi thế so sánh nhất đối với thành phố vì quỹ đất có hạn nên không còn nhiều diện tích cho sản xuất công nghiệp. Đồng thời, lợi thế về phát triển công nghiệp trên địa bàn thành phố đang có xu hướng giảm dần so với các địa phương khác trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
 
Bên cạnh đó, có ý kiến chuyên gia cho rằng khi thành phố xác định đúng hướng và chỉ tập trung phát triển kinh tế mũi nhọn gắn với công nghệ cao cũng sẽ tạo ra sự “chọn lọc” người nhập cư. Bởi họ cần phải trang bị trình độ tay nghề mới phù hợp với yêu cầu ngày càng cao của một đô thị hiện đại.
 
Cuối cùng để tránh xung đột về lợi ích, các địa phương phải ngồi lại với nhau để cùng xây dựng chiến lược phát triển đô thị, xây dựng một cơ chế chia sẻ nguồn thu để đảm bảo hài hòa lợi ích cho các bên.
  
Vấn đề này theo Thạc sỹ Nguyễn Thị Ngân, Trung tâm nghiên cứu phân tích thông tin Viện nghiên cứu phát triển Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, việc xây dựng cơ chế chia sẻ nguồn thu sẽ góp phần tạo ra cơ sở trong việc liên kết cũng như chia sẻ trách nhiệm sâu rộng hơn trong tương lai, tiếp cận gần hơn với mô hình đô thị kết nối thực chất chứ không chỉ là kết nối về mặt giao thông. Đồng thời, cách làm này có thể phát huy được sở trường của thành phố trong việc tạo ra những cái mới mang tính đột phá.
 
Nếu Thành phố Hồ Chí Minh cùng các địa phương trong vùng giải quyết tốt những vấn đề này thì không những Thành phố Hồ Chí Minh sẽ từng bước giải quyết được một cách bền vững những “điểm nghẽn” của quản lý đô thị mà còn tạo điều kiện để các tỉnh trong vùng khai thác tốt nhất những tiềm năng sẵn có của mình.

Một cơ chế liên kết, phối hợp nhịp nhàng như thế này giữa các tỉnh trong vùng sẽ nhằm đảm bảo cơ chế hoạt động của vùng được vận hành thống nhất./.
  Anh Đức - Việt Âu
Báo ảnh Dân tộc và Miền núi/TTXVN

Có thể bạn quan tâm