Phát triển Đảng ở vùng đồng bào dân tộc Chứt (Bài 1)

Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh và trưởng bản Hồ Thị Kiên vận động trẻ em trong bản đến trường. Ảnh: Hoàng Ngà - TTXVN
Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh và trưởng bản Hồ Thị Kiên vận động trẻ em trong bản đến trường. Ảnh: Hoàng Ngà - TTXVN

Sau hơn nửa thế kỷ được phát hiện và đưa về định cư dưới chân núi Kà Đay, cuộc sống của người Chứt ở bản Rào Tre (xã Hương Liên, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh) đã đổi thay rõ rệt. Xác định xây dựng tổ chức cơ sở Đảng vững mạnh là một trong những yếu tố quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế, giảm nghèo nhanh và bền vững, các cấp ủy Đảng, chính quyền tỉnh Hà Tĩnh luôn chú trọng công tác phát triển đảng viên ở vùng đồng bào dân tộc Chứt. Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam thực hiện hai bài viết với chủ đề “Phát triển Đảng ở đồng bào dân tộc Chứt”.

Phát triển Đảng ở vùng đồng bào dân tộc Chứt (Bài 1) ảnh 1Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh và trưởng bản Hồ Thị Kiên vận động trẻ em trong bản đến trường. Ảnh: Hoàng Ngà - TTXVN
 

Bài 1: Ươm mầm những “hạt giống đỏ”

Dưới cái nắng chói chang của trưa tháng Sáu cùng với “đặc sản” gió Lào bỏng rát ở vùng biên giới Việt - Lào, Trung tá Dương Thanh Tịnh, Tổ trưởng tổ công tác cắm bản Rào Tre (Đồn Biên phòng Bản Giàng, Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh) dẫn chúng tôi đi thăm bản. “Hành trình đưa Đảng về với người Chứt thật không hề dễ dàng” - Đó là những bộc bạch của Trung tá Tịnh khi mở đầu câu chuyện phát triển Đảng cho đồng bào nơi đây.

Gian nan hành trình đưa con chữ về bản

52 năm tuổi đời, hơn 30 năm tuổi quân, Trung tá Dương Thanh Tịnh đã có 15 năm là cán bộ Biên phòng cắm bản Rào Tre. Anh gắn bó với bà con dân bản như chính người thân, ruột thịt của mình và hiểu bà con hơn ai hết. Trung tá Dương Thanh Tịnh chia sẻ: “Với người Chứt, để làm được công tác phát triển Đảng, trước hết phải xóa cái đói, giảm cái nghèo, hướng dẫn bà con cách làm ăn, học được con chữ”.

Trước những năm 1960, người Chứt vẫn chưa có tên trên bản đồ các dân tộc Việt Nam. Năm 1959, trong một chuyến khảo sát, Tổ công tác của huyện Hương Khê đã phát hiện ra nhóm người lạ không biết tiếng Việt, sống trong hang đá ở khu vực giáp ranh giữa Hà Tĩnh, Quảng Bình và nước bạn Lào. Chính quyền huyện Hương Khê đã vận động nhóm người này di dân xuống bản Rào Tre và cử cán bộ lên cắm bản. Người Chứt không có tên nên xin được mang họ Hồ của Bác Hồ, Bộ đội Biên phòng nhìn mặt từng người, đoán tuổi và làm giấy khai sinh cho họ...

Năm 2000, Đồn Biên phòng Bản Giàng, Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh thành lập Tổ công tác đặc biệt cắm bản Rào Tre. Từ đó, tổ giáo viên ra đời, các anh đến từng nhà, vận động từng người dân và ngồi ngay bên bếp lửa dạy học. Tổ quân y vừa vận động vừa chữa bệnh cho bà con để thay thế các hủ tục lạc hậu.

Vốn quen với cuộc sống dựa vào thiên nhiên, khi về cư trú tại nơi ở mới, tất cả đều là xa lạ, bỡ ngỡ đối với người Chứt. Thời gian đầu, các chiến sỹ Biên phòng được cử về cắm bản phải rất vất vả để làm quen, học tiếng dân tộc, hiểu phong tục tập quán của người Chứt để cùng ăn, cùng ở, dạy tiếng Kinh và cách làm ăn cho bà con. Bộ đội Biên phòng phải cùng lúc đảm nhận nhiều công việc: người thầy dạy chữ, thầy thuốc chữa bệnh cho dân bản lúc ốm đau và cán bộ khuyến nông giúp dân phát triển kinh tế.

"Cái chữ" đến được với người Chứt vốn đã khó bởi đồng bào học theo kiểu “lâu nhớ nhanh quên”, lại quen với việc “thức đêm, ngủ ngày” của lối sống du mục trước kia nên nếu không được thúc giục, sẽ không ai chịu đến trường. Bà Hồ Lĩnh, người dân bản Rào Tre cho biết: “Bộ đội Biên phòng vất vả lắm! Sáng sớm tinh mơ, khi con gà rừng vừa cất tiếng gáy, các chú đã thức dậy, thay phiên nhau đến gõ cửa từng nhà đánh thức các cháu dậy đi học rồi”.

Trường Tiểu học gần nhất cũng xa bản của người Chứt gần 2 giờ đồng hồ đi bộ, đường xa, vất vả nên tình trạng bỏ học là thường xuyên. Các chiến sỹ Biên phòng phải luôn kiên trì bám bản vận động con em đồng bào đến trường đầy đủ và thường xuyên kèm cặp các cháu.

“Mưa dầm thấm lâu”, đến nay đồng bào dân tộc Chứt đã nói tiếng Kinh như tiếng bản địa của mình. Hầu hết con em đều được xóa mù chữ, nhiều em như Hồ Thị Kiên, Hồ Thị Đình Xuân, Hồ Văn Nam… đã học hết bậc Trung học Phổ thông… Toàn bản Rào Tre hiện có 14 em đang học Mầm non, 21 em học Tiểu học và 11 em theo học tại Trường Phổ thông dân tộc nội trú huyện Hương Khê.

Phát triển Đảng ở vùng đồng bào dân tộc Chứt (Bài 1) ảnh 2Người dân bản Rào Tre đã biết trồng cây lúa thay vì cuộc sống du canh du cư trước đây. Ảnh: Hoàng Ngà - TTXVN

 Những “hạt giống đỏ” đầu tiên


Sau khi bà con đã biết con chữ, sử dụng thành thạo tiếng Kinh, Bộ đội Biên phòng phối hợp địa phương thành lập từng tổ chức: Mặt trận Tổ quốc, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên... Lúc bấy giờ, khi cái ăn, cái mặc còn khó khăn, nhận thức về Đảng của đồng bào người Chứt hẳn là chưa thể đầy đủ, họ không mấy mặn mà với việc vào Đảng.

Trung tá Nguyễn Tiến Khánh, Chính trị viên Đồn Biên phòng Bản Giàng, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Tĩnh cho biết: Để gây dựng cơ sở Đảng, Bộ đội Biên phòng cùng với chính quyền địa phương xã Hương Liên lựa chọn được hai quần chúng ưu tú nhất của bản Rào Tre là ông Hồ Kính và bà Hồ Thị Nam. Vận động được các quần chúng ưu tú vào Đảng cũng không phải là điều dễ dàng. Bộ đội phải “miệng nói, tay làm”, trong những lần giúp dân phát triển kinh tế, phải kết hợp lồng ghép việc tuyên truyền thì bà con mới nghe theo được.

Đến năm 2003, hai quần chúng ưu tú đầu tiên là Hồ Thị Nam và Hồ Kính được kết nạp, sau đó sinh hoạt ghép với chi bộ 1 của xã Hương Liên.

Đến nay, đã 55 năm tuổi đời với gần 20 năm tuổi Đảng, được hỏi về ngày kết nạp Đảng của mình, bà Hồ Thị Nam vẫn không giấu nổi niềm vui, tự hào trong ánh mắt. Bà Nam nhớ lại: “Được đứng trong hàng ngũ của Đảng vui lắm, tự hào lắm. Nhưng từ giây phút đó, tôi cũng ý thức được trách nhiệm của mình cao hơn, vì mình là Đảng viên, là con cháu Bác Hồ mà”.

Sau khi trở thành đảng viên chính thức, ông Hồ Kính được bầu làm Trưởng bản, bà Hồ Nam là Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ của bản Rào Tre. Dưới sự dẫn dắt tận tình của bộ đội và cán bộ cắm bản, ông Hồ Kính và bà Hồ Thị Nam luôn gương mẫu đi đầu trong các phong trào lao động sản xuất, xóa đói giảm nghèo và xây dựng đời sống mới.

Nhà bà Hồ Thị Nam trồng nhiều lúa nhất bản Rào Tre với hơn 4 sào, nuôi được 3 con trâu, 4 con bò và hàng chục con gà. Đời sống khá dần lên, bà Nam còn nhiệt tình tham gia và các phong trào đoàn thể của địa phương. Từ Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ đến Trưởng bản, Bí thư chi bộ… Ở nhiệm vụ nào, bà Hồ Thị Nam cũng luôn phấn đấu hết sức mình, được bà con trong bản tin yêu. Bà Hồ Thị Nam còn vinh dự được bầu là đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện và đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã trong hai nhiệm kỳ.

Những “hạt giống đỏ” đầu tiên đã nảy mầm xanh, từ gương sáng của bà Hồ Thị Nam, ông Hồ Kính, ý thức của người Chứt về Đảng đã dần rõ ràng hơn. Liên tiếp những năm sau đó, nhiều nhân tố mới được phát hiện và kết nạp vào Đảng như: Hồ Hải, Hồ Tình, Hồ Thị Đình Xuân… (Còn tiếp)

Hoàng Ngà

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm