Phát triển chăn nuôi lợn theo hướng an toàn sinh học ở Hà Nam

Phát triển chăn nuôi lợn theo hướng an toàn sinh học ở Hà Nam

Dịch tả lợn châu Phi bùng phát tại một xã của tỉnh Hà Nam từ tháng 2/2019, sau đó nhanh chóng lan rộng ra 111 xã, phường, thị trấn của 6 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Cơn khủng hoảng dịch tả lợn châu Phi đã khiến hàng chục nghìn hộ chăn nuôi điêu đứng. Tuy nhiên, nhờ chăn nuôi lợn theo hướng an toàn sinh học, không ít hộ chăn nuôi trên địa bàn đã vượt qua đại dịch, phát triển chăn nuôi hiệu quả.

Phát triển chăn nuôi lợn theo hướng an toàn sinh học ở Hà Nam ảnh 1Phun tiêu độc khử trùng tại trang trại lợn của gia đình anh Vũ Ngọc Trí, xã Văn Xá, huyện Kim Bảng. Ảnh: Nguyễn Chinh - TTXVN

Trang trại của anh Nguyễn Văn Hồng, xã Kim Bình, thành phố Phủ Lý thường xuyên duy trì khoảng 250 con lợn nái và hơn 2.000 con lợn thịt. Từ nhiều năm nay, anh Hồng đã chú trọng việc tuân thủ các kỹ thuật chăn nuôi an toàn sinh học. Về giống, anh giữ lại tất cả lợn con của đàn nái sinh ra, hoàn toàn không nhập ở ngoài; thực hiện tiêm đầy đủ các loại vắc xin phòng bệnh cho lợn; vệ sinh, khử trùng tiêu độc được thực hiện thường xuyên.

Vì vậy, năm 2019, khi dịch tả lợn bùng phát mạnh tại tất cả các địa phương trong tỉnh Hà Nam với hàng trăm nghìn con lợn phải tiêu hủy nhưng trang trại của anh Hồng không bị ảnh hưởng, mọi hoạt động sản xuất diễn ra bình thường. Mỗi năm trang trại của anh xuất ra thị trường 300 – 400 tấn lợn hơi.

Anh Nguyễn Văn Hồng cho biết, hiện nay vắc xin dịch tả lợn châu Phi chưa có nên những người chăn nuôi như anh chỉ có cách là nuôi theo hướng an toàn sinh học; trong đó, biện pháp hữu hiệu mà gia đình anh thực hiện là dùng vôi bột và thuốc sát trùng xử lý chuồng trại thường xuyên. Chỉ có 5 công nhân được đi vào trong trại để chăm sóc đàn lợn. Các công nhân này được phân công phụ trách từng khu chuồng riêng và trước khi vào trại phải đi qua một cái mương sát trùng. Hạn chế tuyệt đối người ra vào trại, mọi hoạt động đều được giám sát qua hệ thống camera.

Cũng nhờ áp dụng nghiêm kỹ thuật chăn nuôi an toàn sinh học ở tất cả các khâu từ chuồng trại, chọn giống, chăm sóc, thú ý, xử lý chất thải… đồng thời, kết hợp với sử dụng chế phẩm để tăng cường sức đề kháng cho đàn lợn mà trang trại của anh Vũ Ngọc Trí, xã Văn Xá, huyện Kim Bảng cũng chưa từng bị dịch tả lợn châu Phi tấn công. Trung bình mỗi tháng trang trại của anh Trí xuất bán hơn 100 con lợn thịt ra thị trường, thu lãi khoảng 1 triệu đồng/con.

Anh Vũ Ngọc Trí chia sẻ, với kinh nghiệm chăn nuôi lợn nhiều năm qua cho thấy, chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học là vấn đề then chốt quyết định sự thành công; đặc biệt là trong tình hình dịch tả châu Phi xuất hiện và diễn biến phức tạp suốt thời gian qua.

Tuy nhiên, để có được trang trại lợn an toàn sinh học, anh Trí cũng đã phải học hỏi và đầu tư rất nhiều. Bởi khác với nuôi lợn truyền thống, chuồng trại lợn an toàn sinh học phải đồng bộ. Từ chuồng lồng cho lợn hậu bị, chuồng sàn cho lợn nái, chuồng úm lợn con, chuồng cho lợn thịt phải riêng biệt. Hệ thống cho ăn, uống, kho chứa thức ăn, hệ thống xử lý chất thải phải đầy đủ. Bên cạnh đó, cần cách ly người ra vào trại lợn phải là ưu tiên số một để tránh việc mang mầm bệnh vào trại.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Nam, dịch tả lợn châu Phi xuất hiện đầu tiên tại 1 hộ chăn nuôi của xã Văn Xá, huyện Kim Bảng ngày 27/2/2019 và nhanh chóng lan rộng 111 xã, thị trấn trên địa bàn toàn tỉnh với hơn 132.600 con lợn đã phải tiêu hủy. Thiệt hại do dịch tả lợn châu Phi gây ra rất lớn, khoảng trên 500 tỷ đồng.

Đến ngày 14/2/2020, 100% xã trên địa bàn tỉnh công bố hết dịch tả lợn châu Phi. Tuy nhiên, ngày 20/9/2020, dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện trở lại tại xã Phú Phúc, huyện Lý Nhân. Đến nay, dịch đã lây lan ra 7 xã của huyện Lý Nhân và Bình Lục với gần 1.000 con lợn phải tiêu hủy. Điều đáng nói là, dịch tả lợn châu Phi xảy ra chủ yếu tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Nam cho biết, phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học không chỉ góp phần phát triển chăn nuôi bền vững mà đây cũng chính là xu thế phát triển của chăn nuôi hiện đại, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trên địa bàn tỉnh Hà Nam, thời gian qua, những trang trại lớn nào thực hiện đúng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học hầu như không bị dịch tả lợn châu Phi tấn công.

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Nam Nguyễn Mạnh Hùng, trong bối cảnh dịch tả lợn châu Phi còn diễn biến phức tạp, để chăn nuôi hiệu quả, người dân cần tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình chăn nuôi lợn an toàn sinh học mà ngành nông nghiệp đã hướng dẫn, tập huấn.

Tại những địa phương đang còn dịch, tuyệt đối không được tái đàn. Khi tái đàn cần chú trọng việc khử trùng, tiêu độc định kỳ chuồng trại chăn nuôi, nhập con giống rõ nguồn gốc, xuất xứ đảm bảo sạch bệnh và tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin; theo dõi, giám sát chặt chẽ đàn lợn; khi thấy lợn có biểu hiện bệnh bất thường phải báo ngay cho chính quyền địa phương và cơ quan chức năng để kiểm tra và có biện pháp xử lý kịp thời.

Nguyễn Chinh

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm