Phát triển cây Sa nhân tím - hướng giảm nghèo bền vững xã miền núi Pú Đao

Phát triển cây Sa nhân tím - hướng giảm nghèo bền vững xã miền núi Pú Đao
Bà con xã Pú Đao trồng và chăm sóc cây Sa nhân tím dưới tán rừng. Ảnh: Công Tuyên -TTXVN
Bà con xã Pú Đao trồng và chăm sóc cây Sa nhân tím dưới tán rừng.
Ảnh: Công Tuyên -TTXVN
Pú Đao là xã miền núi, khí hậu mang đặc điểm của khí hậu vùng nhiệt đới núi cao Tây Bắc, ít chịu ảnh hưởng của bão, cộng với việc chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm lớn, rất thuận lợi để loại cây Sa nhân tím phát triển, cho năng suất chất lượng cao. Hiện trạng sản xuất nông nghiệp của xã cho thấy việc phát triển vùng sản xuất chuyên canh Sa nhân tím trên địa bàn xã là hướng đi phù hợp với điều kiện tự nhiên của xã và nhu cầu của thị trường. Theo ông Nguyễn Quang Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Nậm Nhùn, huyện có diện tích rừng trên 70.000 ha, diện tích rừng rất lớn cho nên phát triển cây dược liệu dưới tán rừng là một tiềm năng, lợi thế của huyện. Để thực hiện chủ trương của tỉnh Lai Châu, huyện Nậm Nhùn đã định hướng cho xã Pú Đao lựa chọn cây Sa nhân tím là cây trồng chủ lực trong việc xây dựng mô hình phát triển của xã. Theo đó, đến nay xã đã trồng được 46 ha, trong đó có 42 ha trồng dưới tán rừng và 4 ha trồng trên đất nương. Qua khảo sát của cơ quan chuyên môn, tỉ lệ cây sống và sinh trưởng tốt đạt trên 95%. Sau khi thu hoạch, thu nhập bình quân dự kiến khoảng 30 - 50 triệu đồng/ha, cao hơn 2-3 lần trồng lúa, ngô; bình quân mỗi 1 ha sản xuất tạo việc làm 5 - 10 lao động... Ông Nguyễn Quang Hải cho biết: “Quỹ đất dưới tán rừng trên địa bàn huyện, cụ thể là ở xã Pú Đao là rất lớn. Vì thế, việc phát triển cây Sa nhân tím dưới tán rừng mang lại nhiều lợi ích như: tận dụng được quỹ đất dưới tán rừng để phát triển kinh tế; tạo việc làm cho lao động địa phương; giúp người trồng bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy và gắn bó với rừng tốt hơn...”. Chị Sùng Thị Xá, bản Hồng Ngài, xã Pú Đao cho biết, trước đây, người dân trong xã thường trồng các loại cây ngô, khoai, sắn nhưng mà năng suất không cao, hiện được Nhà nước hỗ trợ trồng cây Sa nhân tím có giá trị kinh tế cao hơn. “Cây sa nhân tím này có thể trồng ở rừng lại không tốn đất nương của mình, mình mong muốn nó trở thành 1 cây có giá trị năng suất cao để giúp người dân xóa đói giảm nghèo. Cây này có thể trồng dưới tán rừng nên vừa có thể chăm sóc vừa có thể bảo vệ rừng”, chị Sùng Thị Xá chia sẻ thêm.
Hướng dẫn bà con kỹ thuật trồng và chăm sóc cây Sa nhân tím dưới tán rừng. Ảnh: Công Tuyên - TTXVN
Hướng dẫn bà con kỹ thuật trồng và chăm sóc cây Sa nhân tím dưới tán rừng. Ảnh: Công Tuyên - TTXVN
Ông Ly A Vừ, Phó Chủ tịch UBND xã Pú Đao cho biết, xã Pú Đao có diện tích rừng khá rộng (trên 5.000 ha) so với các xã khác. Việc đưa cây Sa nhân tím vào trồng dưới diện tích đất dưới tán rừng là việc làm cần thiết. Đồng thời, nâng trình độ dân trí, nhận thức về khoa học công nghệ đối với nhân dân vùng dự án, thay đổi tư duy về phương thức canh tác mới; tạo sản phẩm chất lượng cao phục vụ đời sống của nhân dân tại địa phương và xuất khẩu... Ông Nguyễn Quang Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Nậm Nhùn cho biết, thực hiện chủ trương của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và của tỉnh Lai Châu trong việc phát triển chuỗi liên kết trong sản xuất đối với các xã hiện nay đang triển khai xây dựng nông thôn mới, huyện định hướng và giới thiệu cho xã Pú Đao một đơn vị doanh nghiệp để liên kết thực hiện dự án trên địa bàn. Theo đó, UBND xã Pú Đao đã liên kết với Công ty cổ phần Giống rau hoa quả Trung ương triển khai Dự án “Phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm Sa nhân tím trên địa bàn xã Pú Đao”. Theo dự án, phía doanh nghiệp sẽ cam kết cung cấp giống, hỗ trợ kỹ thuật và giúp bà con bao tiêu sản phẩm với giá ổn định mà không lo được mùa mất giá. “Khi liên kết với xã trong việc trồng cây Sa nhân tím, phía Công ty cổ phần Giống rau hoa quả Trung ương cam kết, thứ nhất là cung ứng giống giúp người trồng đảm bảo chất lượng, chủng loại. Tiếp đến, hướng dẫn kỹ thuật cho bà con trong quá trình trồng, chăm sóc cây; thứ ba là cam kết bao tiêu sản phẩm khi bà con có thu hoạch cây Sa nhân tím”, ông Phó Chủ tịch UBND huyện Nậm Nhùn khẳng định. Việc xây dựng chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm Sa nhân tím tại xã Pú Đao không những giúp bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sinh thái, hạn chế xói mòn đất, nâng cao độ che phủ, ổn định và điều khòa khí hậu. Đồng thời, từng bước đưa cây Sa nhân tím trở thành nghành sản xuất chủ lực trong lĩnh vực trồng trọt, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, tăng thu nhập cho người dân, góp phần phát triển kinh tế, giữ vững an ninh trật tự tại địa phương.
Công Tuyên

Có thể bạn quan tâm