Phát triển cây dược liệu tại vùng dân tộc thiểu số và miền núi

Quang cảnh hội nghị hướng dẫn triển khai nội dung đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý. Ảnh: Tuấn Anh – TTXVN
Quang cảnh hội nghị hướng dẫn triển khai nội dung đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý. Ảnh: Tuấn Anh – TTXVN

Ngày 4/11, tại thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền (Bộ Y tế) tổ chức Hội nghị hướng dẫn triển khai nội dung đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi 2021 - 2030 (giai đoạn I, năm 2021 - 2025).

Phát triển cây dược liệu tại vùng dân tộc thiểu số và miền núi ảnh 1Quang cảnh hội nghị hướng dẫn triển khai nội dung đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý. Ảnh: Tuấn Anh - TTXVN

Hội nghị đã phổ biến nội dung cơ bản của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; Hướng dẫn thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển vùng dược liệu quý thông qua chương trình mục tiêu quốc gia. Các đại biểu thảo luận các vấn đề liên quan đến phát triển cây dược liệu tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Theo đại biểu đến từ Sở Y tế tỉnh Đắk Nông, việc phát triển cây dược liệu vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi trong bối cảnh được Nhà nước hỗ trợ về vốn vay, giống, kỹ thuật canh tác… là điều hết sức thuận lợi, tạo thêm sinh kế cho người dân. Tuy nhiên, trước hết cần có đánh giá cụ thể về tính thích hợp của từng vùng miền đối với những loại cây dược liệu cụ thể, từ đó có sự định hướng cho người dân và doanh nghiệp tham gia trồng cây dược liệu. Bên cạnh đó, việc đảm bảo đầu ra cho các cây dược liệu cần được quan tâm và mục tiêu phải hướng đến thị trường xuất khẩu để nâng cao giá trị kinh tế của cây dược liệu, góp phần phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Cùng quan điểm trên, ông Nguyễn Ngọc Thu, đại diện doanh nghiệp từ Đắk Lắk cho rằng, tiềm năng phát triển cây dược liệu ở địa phương là rất lớn, nguồn lao động là bà con dân tộc thiểu số rất dồi dào, diện tích đất canh tác còn nhiều để phát triển cây dược liệu. Tuy nhiên, bài toán đặt ra là thị trường tiêu thụ ổn định để thật sự đem lại sinh kế cho người dân. Do đó, các cơ quan, ban ngành được giao nhiệm vụ triển khai, phát triển trồng cây dược liệu cần nghiên cứu, tính toán vấn đề phát triển công nghiệp chế biến dược liệu sau thu hoạch và hỗ trợ tiềm kiếm thị trường tiêu thụ cho người trồng.

Ông Trần Minh Ngọc, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền cho biết: Mục tiêu đặt ra về phát triển vùng dược liệu quý là bước đầu hình thành hệ thống chuỗi giá trị phát triển dược liệu quý; hình thành ý thức nuôi trồng dược liệu theo chuỗi giá trị và bảo tồn nguồn gen dược liệu, đảm bảo các quy trình và tiêu chuẩn quản lý chất lượng kết hợp bảo vệ và phát triển rừng bền vững.

Các dự án phát triển dược liệu quý tại các địa bàn đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, sử dụng tối thiểu 50% lao động là người dân tộc thiểu số, do các tổ chức kinh tế và cá nhân, hộ gia đình người dân tộc thiểu số, hộ nghèo sinh sống trong vùng có điều kiện tự nhiên phù hợp cùng tham gia thực hiện và được cam kết hỗ trợ sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

Theo ông Trần Minh Ngọc, sự thành công của các dự án phụ thuộc hoàn toàn vào mối liên kết 4 nhà (nhà nông, nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp và ngân hàng), trong đó đảm bảo bao tiêu đầu ra sản phẩm là mấu chốt. Trong thiết kế của chương trình này, doanh nghiệp đóng vai trò rất quan trọng để đảm bảo đầu ra cho bà con trồng dược liệu. Đối với doanh nghiệp (hay còn gọi là chủ trì liên kết), trong chương trình này, các địa phương phải lựa chọn được chủ trì liên kết đảm bảo được năng lực về kinh tế, năng lực để triển khai, đặc biệt là năng lực để bao tiêu sản phẩm cho người dân.

Việt Nam có tiềm năng to lớn về phát triển dược liệu với 5117 loài, trong đó có nhiều loại dược liệu quý, hiếm. Hàng năm, tổng số dược liệu được sử dụng trong ngành Y tế ở nước ta ước tính 100.000 tấn với tổng giá trị thị trường trên 400 triệu USD/năm. Việc sử dụng thuốc, các sản phẩm từ dược liệu là một xu hướng của thế giới hiện nay.

Theo ông Nguyễn Thế Thịnh, Cục trưởng Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền, với tiềm năng và thế mạnh trên, phát triển cây dược liệu quý hứa hẹn sẽ góp phần phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đây là lần đầu tiên cây dược liệu được ưu tiên hỗ trợ đầu tư thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia dành cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đây cũng là sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước đối với việc phát triển vùng trồng dược liệu quý tại vùng đồng bào sinh sống tại vùng dân tộc thiểu số và miền núi, một quyết sách mang tính chiến lược trong việc thực hiện mục tiêu phát triển bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, gắn phát triển dược liệu với sinh kế của người dân.

Ông Nguyễn Thế Thịnh cho hay, theo lộ trình Chính phủ đề ra, giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025 sẽ đầu tư hỗ trợ phát triển dược liệu quý được triển khai thí điểm thực hiện theo hình thức dự án liên kết chuỗi giá trị tại 22 huyện, của 21 tỉnh với 18 dự án vùng trồng dược liệu quý và 4 dự án Trung tâm nhân giống ứng dụng công nghệ cao. Trong thời gian tới, Viện Dược liệu (Bộ Y tế) sẽ hướng dẫn, hỗ trợ cho 22 Ủy ban nhân dân huyện trong toàn quốc triển khai nghiên cứu, khảo sát, đánh giá, xây dựng, hoàn thiện phương án phát triển vùng trồng dược liệu quý (18 dự án vùng trồng dược liệu quý) và triển khai trung tâm nhân giống, bảo tồn và phát triển dược liệu ứng dụng công nghệ cao (4 trung tâm nhân giống) hoàn thành trước ngày 1/12/2022.

Tuấn Anh

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm