Phát triển cây dược liệu ở Đăk Tô gặp khó

Chăm sóc, làm cỏ cây dược liệu tại Tổ hợp tác trồng Dược liệu tại xã Tân Cảnh. Ảnh: Cao Nguyên-TTXVN
Chăm sóc, làm cỏ cây dược liệu tại Tổ hợp tác trồng Dược liệu tại xã Tân Cảnh. Ảnh: Cao Nguyên-TTXVN

Với mục tiêu trồng 130 ha cây dược liệu trong năm 2021, nhưng đến nay huyện Đăk Tô, tỉnh Kon Tum mới trồng được gần 40 ha và khó hoàn thành đúng kế hoạch mà tỉnh giao.

Phát triển cây dược liệu ở Đăk Tô gặp khó ảnh 1Chăm sóc, làm cỏ cây dược liệu tại Tổ hợp tác trồng Dược liệu tại xã Tân Cảnh. Ảnh: Cao Nguyên-TTXVN

Dược liệu là cây trồng có giá trị kinh tế cao hơn so với các loại cây trồng khác trên địa bàn vì vậy, huyện Đăk Tô xác định mục tiêu phát triển cây dược liệu với định hướng hình thành vùng chuyên canh cây dược liệu nên nhiều giải pháp để thực hiện đạt mục tiêu trồng 700 ha vào năm 2030 đã được đề ra.

Cụ thể, huyện chỉ đạo xây dựng một số vùng trồng cây dược liệu tập trung để đánh giá hiệu quả, từ đó, làm cơ sở khuyến cáo nhân rộng. Đồng thời, các xã, thị trấn rà soát diện tích rừng phù hợp để phát triển dược liệu các loại dưới tán rừng, góp phần tạo sinh tế bền vững cho người dân.

Phát triển cây dược liệu ở Đăk Tô gặp khó ảnh 2Cây sâm dây giống bắt đầu trồng tại xã Văn Lem. Ảnh: Cao Nguyên-TTXVN

Huyện cũng hỗ trợ cây giống để trồng 14 ha cây thảo quả dưới tán rừng trên địa bàn xã Văn Lem; dùng nguồn vốn sự nghiệp khuyến nông hỗ trợ đầu tư mô hình trồng thử nghiệm cây ba kích tím tại hai xã Tân Cảnh và Văn Lem; lồng ghép nguồn vốn sự nghiệp khuyến nông xây dựng mô hình liên kết trồng nha đam với diện tích 8,5 ha. Ngoài ra, huyện lồng ghép nguồn vốn sự nghiệp khuyến nông hỗ trợ hệ thống tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho hai tổ hợp tác trồng dược liệu tại xã Tân Cảnh, với diện tích 6 ha

Tuy nhiên thực tế, việc trồng cây dược liệu trên địa bàn huyện Đăk Tô trong 3 năm qua chủ yếu mang tính tự phát, nhỏ lẻ; các hình thức hợp tác như hợp tác xã, hiệp hội, công ty...rất ít.

Phát triển cây dược liệu ở Đăk Tô gặp khó ảnh 3Các loại cây dược liệu được trồng tại xã Văn Lem. Ảnh: Cao Nguyên-TTXVN

Theo ông A Quang, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đăk Tô, hiện ở một số xã ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, điều kiện của bà con rất khó khăn trong khi chi phí đầu tư, phát triển cây dược liệu rất cao. Huyện Đăk Tô chưa có doanh nghiệp lớn để đầu tư liên kết phát triển rộng, tiêu thụ sản phẩm nên rất khó trong việc tuyên truyền, vận động người dân phát triển dược liệu. Cùng đó, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên việc tìm kiếm, thu hút các nhà đầu tư tìm hiểu, xây dựng chuỗi liên kết sản xuất dược liệu còn nhiều khó khăn, hạn chế….

Theo ông A Quang, trước thực tế trên, để cây dược liệu có thể phát triển bền vững tại địa phương, UBND huyện Đăk Tô đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh Kon Tum xem xét, phân bổ kinh phí thực hiện đề án đầu tư, phát triển và chế biến dược liệu theo Quyết định số 1466/QĐ-UBND năm 2018 cho huyện Đăk Tô. Điều này nhằm góp phần đẩy nhanh tiến độ phát triển cây dược liệu trên địa bàn huyện.

Ngoài ra, các sở, ngành trong tỉnh cũng giới thiệu doanh nghiệp tiềm năng có nhu cầu liên kết đầu tư phát triển cây dược liệu, xây dựng nhà máy chế biến sản phẩm dược liệu trên địa bàn huyện Đăk Tô. Đồng thời, xem xét, đầu tư xây dựng mô hình liên kết chuỗi giá trị sản phẩm dược liệu trên địa bàn huyện gắn với xây dựng cánh đồng lớn, thực hiện phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Huyện Đăk Tô định hướng các xã phía đông giáp với huyện Tu Mơ Rông như: Văn Lem, Đăk Trăm có thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp trồng các loại cây sâm dây, đương quy, hoàng sin cô, sa nhân tím… Còn các xã khác trong huyện chủ yếu trồng nghệ đen, đinh lăng…

Cao Nguyên

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm