Phát triển các mô hình nuôi biển cho hiệu quả kinh tế cao ở Ninh Thuận

Mô hình nuôi hàu Thái Bình Dương treo dây trên bè nổi khu vực Đầm Nại (huyện Ninh Hải, Ninh Thuận). Ảnh: Nguyễn Thành – TTXVN
Mô hình nuôi hàu Thái Bình Dương treo dây trên bè nổi khu vực Đầm Nại (huyện Ninh Hải, Ninh Thuận). Ảnh: Nguyễn Thành – TTXVN

Với lợi thế đường bờ biển dài hơn 105 km cùng hệ thống đầm, vịnh, ao đìa đa dạng, người dân tại các địa phương ven biển ở tỉnh Ninh Thuận đã mạnh dạn đầu tư, phát triển nghề nuôi biển. Qua đó, góp phần giải quyết việc làm, cải thiện đáng kể đời sống người dân trong điều kiện dịch COVID-19.

Phát triển các mô hình nuôi biển cho hiệu quả kinh tế cao ở Ninh Thuận  ảnh 1Mô hình nuôi hàu Thái Bình Dương treo dây trên bè nổi khu vực Đầm Nại (huyện Ninh Hải, Ninh Thuận). Ảnh: Nguyễn Thành – TTXVN

Tại huyện Ninh Hải, tận dụng môi trường sinh thái biển thuận lợi, người dân đang tận dụng tối đa mặt nước biển ven bờ vào việc nuôi trồng hải sản. Đối tượng nuôi biển phổ biến được các hộ nuôi lựa chọn là các loài cá biển có giá trị kinh tế cao như: cá bớp, cá mú trân châu, cá chim, hàu thái bình dương, tôm hùm và một số loài nhuyễn thể.

Bà Lương Thị Hiền là một trong những hộ tiên phong ở thị trấn Khánh Hải thử nghiệm mô hình nuôi cá mú trân châu trong lồng bè cho biết, qua tìm hiểu các mô hình nuôi cá mú trân châu, gia đình mà đã đầu tư gần 70 triệu đồng thiết kế bè, lồng lưới và nhập 500 con giống từ cơ sở sản xuất giống uy tín trên địa bàn. Mặc dù lần đầu tiên nuôi thử nghiệm, nhưng cá mú trân châu thích nghi tốt với điều kiện môi trường tự nhiên vùng biển Đầm Nại nên sinh trưởng và phát triển nhanh.

Phát triển các mô hình nuôi biển cho hiệu quả kinh tế cao ở Ninh Thuận  ảnh 2Người dân thị trấn Khánh Hải, huyện Ninh Hải thu hoạch cá mú Trân Châu nuôi trong lồng bè để đưa đi tiêu thụ. Ảnh: Nguyễn Thành – TTXVN

Thức ăn cho cá mú chủ yếu là các loại cá tạp cắt nhỏ và cám công nghiệp và sau 10 tháng nuôi, tỷ lệ cá sống đạt trên 80%. Mỗi con cá thương phẩm nặng từ 8 lạng đến trên 1 kg và vừa qua gia đình thu hoạch trên 300kg cá, với giá bán dao động từ 150.000 – 180.000 đồng/kg cho doanh thu khoảng 50 triệu đồng. So với các đối tượng nuôi truyền thống thì nuôi loại cá mú này cho hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều. Sau vụ nuôi thử nghiệm, gia đình tiếp tục mở rộng lồng bè nuôi với số lượng cá mú trân châu nhiều hơn.

Lựa chọn mô hình nuôi hàu thái bình dương để phát triển sinh kế, anh Nguyễn Hữu Tài ở xã Tri Hải, huyện Ninh Hải cho hay, gia đình đang nuôi bốn lồng bè hàu theo mô hình treo dây tại Đầm Nại. Vừa qua, tình dịch dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn được kiểm soát, gia đình thu hoạch hai bè được trên 8 tấn. Thương lái đến mua xô tại bè với 11.000 đồng/kg và cho doanh thu gần 90 triệu đồng. Nếu có nhân công phân loại, giá bán sẽ cao hơn như: hàu loại I con to kích cỡ từ 10 - 13 con/kg, hiện có giá từ 26.000 – 35.000 đồng/kg, hàu đã tách vỏ có giá từ 100.000 – 120.000 đồng/kg.

Phát triển các mô hình nuôi biển cho hiệu quả kinh tế cao ở Ninh Thuận  ảnh 3Phân loại hàu Thái Bình Dương sau khi thu hoạch. Ảnh: Nguyễn Thành – TTXVN

Anh Tài chia sẻ kinh nghiệm, chi phí đầu tư ban đầu cho một bè nuôi hàu 100 m2 khoảng từ 30 – 40 triệu đồng. Mỗi bè thả khoảng từ 2.500 – 3.000 dây giá thể cấy hàu giống. Nuôi hàu có cái lợi là không cần cho ăn, thức ăn của hàu chủ yếu là tảo đơn bào, chất hữu cơ lơ lửng trong nước, người nuôi chỉ cần theo dõi và vệ sinh để hạn chế bị ốc và các sinh vật, đất bùn bám vào làm hàu chết hoặc chậm phát triển. Khi hàu lớn có thể tách ra thả vào lồng nuôi để tránh bị thất thoát do rơi xuống đáy bùn, hàu lớn nhanh chỉ sau khoảng từ 4 – 5 tháng nuôi có thể xuất bán, giá cả tương đối ổn định.

Theo thống kê của ngành thủy sản Ninh Thuận, tỉnh hiện có 276 bè với 2.642 lồng nổi đang nuôi tôm hùm, sản lượng thu hoạch tôm hùm trong 8 tháng năm 2021 đạt khoảng 30 tấn. Tuy gặp ảnh hưởng dịch COVID-19, lưu thông hàng hóa gặp khó khăn, song giá bán tôm hùm bông vẫn dao động ở mức từ 1.500.000 - 2.300.000 đồng/kg và tôm hùm xanh có giá từ 600.000 - 700.000 đồng/kg.

Song song đó, các hộ tiến hành thả nuôi khoảng 800 lồng nuôi các loại cá biển như cá bớp, cá mú trân châu, cá chim...với tổng sản lượng thu hoạch đạt gần 190 tấn, giá bán dao động từ 100.000 – 140.000 đồng/kg. Đồng thời, thả nuôi 60 ha ốc hương sản lượng thu hoạch khoảng 720 tấn, giá bán ốc dao động ở mức cao khoảng từ 245.000 - 275.000 đồng/kg. Diện tích nuôi hàu, cua, ghẹ khoảng 25 ha mặt nước; trong đó có 402 bè nuôi hàu với tổng sản lượng thu hoạch đạt khoảng 680 tấn.

Phát triển các mô hình nuôi biển cho hiệu quả kinh tế cao ở Ninh Thuận  ảnh 4 Các thùng đựng cá mú Trân Châu được sục khí để đảm bảo cá tươi sống đến nơi tiêu thụ. Ảnh: Nguyễn Thành – TTXVN

Theo ông Đặng Văn Tín, Chi Cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Ninh Thuận, các mô hình nuôi biển đã góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập, nhiều mô hình nuôi biển đã phát triển trở thành nghề chính của người dân. Để khơi dậy tiềm năng nuôi trồng thủy sản trên biển, tỉnh đang đẩy mạnh thực hiện đồng bộ các giải pháp về tuân thủ quy hoạch vùng nuôi, cải tiến công nghệ nuôi biển để thích ứng với điều kiện tự nhiên và biến đổi khí hậu. Cùng đó, tập trung phát triển các đối tượng nuôi biển có giá trị kinh tế cao, có lợi thế cạnh tranh và thị trường tiêu thụ.

Trong những tháng còn lại của năm 2021, Ninh Thuận tiếp tục nhân rộng các mô hình nuôi biển cho hiệu quả kinh tế cao; đẩy mạnh nghiên cứu, sản xuất nguồn giống các loại cá biển chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu đa dạng của người nuôi. Các ngành chức năng mở các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật nuôi, quan trắc môi trường nước, cảnh báo dịch bệnh, kịp thời thông báo cho các hộ nuôi chủ động phòng tránh. Các địa phương tăng cường quản lý về thức ăn, kiểm soát dịch bệnh, hướng dẫn thu hoạch, bảo quản sau thu hoạch, liên kết mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm để nghề nuôi biển ngày càng mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

Đồng thời, tỉnh cũng kết hợp thực hiện những cơ chế, chính sách ưu đãi để thu hút các đơn vị, doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia đầu tư, chuyển giao kỹ thuật nuôi tiên tiến để phát triển nghề nuôi trồng thủy sản. Các địa phương tiếp tục nghiên cứu, áp dụng mô hình nuôi cá lồng công nghiệp theo công nghệ Na Uy, nuôi kết hợp các loài hải sản theo hình thức hữu cơ, sinh thái gắn với bảo vệ nguồn lợi thủy sản ven bờ nhằm thúc đẩy nghề nuôi biển phát triển theo hướng bền vững.

Nguyễn Thành

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm