Phát triển bền vững và hiệu quả du lịch Kiên Giang (Bài 1)

Phát triển bền vững và hiệu quả du lịch Kiên Giang (Bài 1)
Bài 1:  Du lịch Kiên Giang khởi sắc

Một góc biển đảo Phú Quốc. Ảnh: Lê Huy Hải - TTXVN
Một góc biển đảo Phú Quốc. Ảnh: Lê Huy Hải - TTXVN

Thu hút nguồn lực đầu tư

Một trong những vấn đề cốt lõi phát triển du lịch Kiên Giang 5 năm qua là tỉnh đặc biệt quan tâm thu hút, triển khai thực hiện hiệu quả các dự án đầu tư. Theo Sở Du lịch Kiên Giang, đến cuối tháng 9/2017, toàn tỉnh thu hút được 274 dự án đầu tư du lịch đang còn hiệu lực triển khai thực hiện tại 4 vùng du lịch trọng điểm, với tổng vốn đầu tư 231.762 tỷ đồng. Theo đó, vùng du lịch Phú Quốc thu hút 218 dự án, chiếm 79% toàn tỉnh, với tổng vốn đầu tư 222.275 tỷ đồng, hiện đã có 30 dự án đi vào hoạt động. Ông Huỳnh Quang Hưng - Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc cho biết: Các dự án phần lớn đầu tư vào cơ sở vật chất, kỹ thuật du lịch như nhà hàng, khách sạn, khu nghỉ dưỡng, trung tâm thương mại, mua sắm kết hợp dịch vụ du lịch, khu vui chơi, giải trí. Phú Quốc thu hút nhiều nhà đầu tư thực sự có năng lực, kinh nghiệm đầu tư một số dự án quy mô, tầm cỡ quốc tế đã đưa vào hoạt động như: Khu du lịch sinh thái Vinpearl và Vườn thú Safari Phú Quốc của Tập đoàn Vingroup; Sungroup, Bim, CEO, JW Marriott…

Bên cạnh đó, vùng du lịch thành phố Rạch Giá, U Minh Thượng, thắng cảnh Hà Tiên, Kiên Lương, Hòn Đất mời gọi thu hút đầu tư hạ tầng du lịch kết hợp khai thác lợi thế điều kiện tự nhiên, sinh thái, truyền thống văn hóa lịch sử, bảo tồn và phát huy giá trị các di tích, lễ hội, hoạt động văn hóa dân gian, làng nghề… phục vụ du khách, phát triển du lịch.

Tỉnh cũng tập trung huy động hàng chục ngàn tỷ đồng đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, hệ thống điện trong đất liền và vùng biển đảo phục vụ phát triển du lịch. Nhiều dự án, công trình giao thông trọng điểm hoàn thành, đưa vào sử dụng phục vụ tốt việc đi lại của nhân dân và khách du lịch như: tuyến tránh thành phố Rạch Giá, đoạn cửa khẩu quốc tế Hà Tiên tiếp giáp Campuchia, tuyến Minh Lương - Thứ Bảy - Cái Bát nối với tỉnh Cà Mau, nâng cấp và mở rộng Quốc lộ 61 đoạn Bến Nhứt - Cái Tư nối với tỉnh Hậu Giang…; đầu tư nâng cấp, mở rộng hàng trăm km đường tỉnh lộ và xây dựng cầu bê tông kết nối với các điểm, khu du lịch trên địa bàn.

Trên đảo ngọc Phú Quốc, hàng trăm km đường trục chính Nam - Bắc đảo, hệ thống đường trục, đường vòng quanh đảo và cầu bê tông được đầu tư xây dựng, nâng cấp, mở rộng tạo nên mạng lưới giao thông đồng bộ, hiện đại, tạo bước đột phá phát triển du lịch Phú Quốc. Ngoài ra, Cảng biển An Thới, Cảng hành khách quốc tế Phú Quốc, Cảng Bãi Vòng được đầu tư xây dựng cùng với hệ thống tàu cao tốc hiện đại, nhanh chóng, an toàn nối Phú Quốc - Hà Tiên, Phú Quốc - Rạch Giá và ngược lại phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân và du khách đến đảo ngọc.

Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc Huỳnh Quang Hưng nhấn mạnh: “Hệ thống giao thông được Trung ương và tỉnh tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng đồng bộ, hiện đại đã góp sức quan trọng, tạo nên bước nhảy vọt phát triển kinh tế - xã hội của Phú Quốc, nhất là lĩnh vực du lịch. Đặc biệt, việc hoàn thành Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc, đưa vào khai thác giai đoạn 1 đã kết nối, đưa Phú Quốc gần hơn với thế giới và các thành phố lớn của cả nước như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ… tạo điều kiện thuận lợi cho du lịch Phú Quốc cất cánh.”

Ông Trần Chí Dũng, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang cho biết: Những năm qua, tỉnh vận dụng tốt các chính sách ưu đãi đầu tư của Trung ương, tạo môi trường thuận lợi thu hút nhiều nguồn lực trong và ngoài nước tham gia đầu tư phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch. Cơ sở lưu trú du lịch được các doanh nghiệp đầu tư phát triển với tốc độ nhanh và mạnh, từ 269 cơ sở với gần 5.300 phòng năm 2012 đến nay phát triển lên 485 cơ sở với 13.855 phòng, trong đó có 3.455 phòng đạt tiêu chuẩn 3 - 5 sao. Hệ thống cơ sở lưu trú du lịch phát triển rộng khắp đến một số vùng phụ cận có tiềm năng du lịch như Hòn Đất, Kiên Hải, Châu Thành, An Biên, Vĩnh Thuận… Tỉnh đã có 5 khách sạn 5 sao đạt chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế được quản lý điều hành từ những thương hiệu có tên tuổi trên thế giới và trong nước như Marriott, Novotel, Accor, Vingroup …

Chợ đêm Phú Quốc. Ảnh: Lê Sen - TTXVN
Chợ đêm Phú Quốc. Ảnh: Lê Sen - TTXVN

Điểm đến thân thiện

Với ưu thế về khí hậu, cảnh quan thiên nhiên, nhân văn và tài nguyên biển, đảo, rừng kết hợp huy động nguồn lực đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng đã tạo điều kiện thuận lợi cho du lịch Kiên Giang phát triển, trở thành điểm đến thân thiện của du khách thập phương. Hình ảnh du lịch Phú Quốc - Kiên Giang đã được giới thiệu, quảng bá rộng rãi trong nước và thế giới, trở thành điểm đến hấp dẫn, thu hút khách du lịch.

Ông Hoàng Văn Tâm - du khách đến từ Thủ đô Hà Nội cho biết: Tôi có điều kiện đi du lịch nhiều nơi trong nước và nước ngoài. Tỉnh Kiên Giang có nhiều loại hình, sản phẩm du lịch khá phong phú, đa dạng và hấp dẫn như: thăm quan, giải trí, nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, tâm linh… Đặc biệt là đảo ngọc Phú Quốc không những cơ sở vật chất, hạ tầng đáp ứng được nhu cầu của du khách mà còn có môi trường tự nhiên xanh với rừng và biển trong lành. Các bãi biển đẹp, di tích lịch sử Nhà tù Phú Quốc, chùa Hộ quốc, Dinh Cậu, chợ đêm Phú Quốc, khu giải trí Vinpearland, Công viên động vật hoang dã Safari, đua chó xoáy Phú Quốc, vườn hồ tiêu, nghề làm nước mắm cá cơm truyền thống, nuôi trai ngọc … là những nơi mà du khách không thể bỏ qua khi đến Phú Quốc. Sắp tới đây, cáp treo An Thới - Hòn Thơm xây dựng hoàn thành, đưa vào khai thác sẽ thu hút khách du lịch đến Phú Quốc nhiều hơn.

Theo Sở Du lịch Kiên Giang, từ năm 2013 - tháng 6/2017, tỉnh đã đón hơn 20 triệu lượt du khách, trong đó trên 1,1 triệu lượt khách quốc tế; tăng trưởng bình quân 12,2%/năm; doanh thu xã hội từ du lịch hơn 11.000 tỷ đồng. Trong 9 tháng năm 2017, hơn 4,8 triệu lượt du khách đến tỉnh thăm quan, du lịch, nghỉ dưỡng, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm 2016, trong đó khách quốc tế khoảng 279.150 lượt người; doanh thu ước đạt hơn 3.431 tỷ đồng, tăng 24,4% so cùng kỳ. Hai địa phương thu hút khách du lịch nhiều nhất là đảo ngọc Phú Quốc đón trên 2,7 triệu lượt du khách và Hà Tiên đón hơn 1,5 triệu lượt du khách.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Mai Văn Huỳnh nhấn mạnh: Với mục tiêu tập trung xây dựng, phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Kiên Giang từng bước hướng đến là một trong những trung tâm du lịch của cả nước với hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật ngày càng hoàn thiện đồng bộ, chất lượng sản phẩm dịch vụ du lịch không ngừng cải thiện, cơ bản đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của du khách trong và ngoài nước.

Theo đó, tỉnh Kiên Giang tăng cường hợp tác liên kết vùng, liên kết sản phẩm với các địa phương như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Lâm Đồng và các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long; mở rộng kết nối tuor tuyến, hợp tác phát triển và đa dạng hóa sản phẩm du lịch, quảng bá hình ảnh du lịch địa phương, thu hút du khách; ký kết các bản ghi nhớ hợp tác về du lịch với tỉnh Salavan (Lào), Trat và Phuket (Thái Lan), các tỉnh Kampot, Kep, Preah Sihanouk và Koh Kong (Campuchia).

Cùng với đó, Kiên Giang xây dựng môi trường du lịch bền vững, đảm bảo an ninh, an toàn cho khách du lịch; chú trọng phát triển du lịch xanh Phú Quốc để quảng bá đến du khách và các nhà đầu tư những tiềm năng du lịch đặc thù của đảo ngọc; xây dựng hình ảnh thân thiện, hiền hòa, mến khách của du lịch Kiên Giang trong lòng du khách và cung cách phục vụ “vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi”. (Còn nữa)
 
Lê Huy Hải

Có thể bạn quan tâm