Bài 1 - Tăng cường xử lý rác thải vùng biển đảo

Phát triển bền vững môi trường vùng biển đảo Kiên Giang

Phát triển bền vững môi trường vùng biển đảo Kiên Giang

Kiên Giang là một trong 28 tỉnh, thành trong cả nước có biển, với hai huyện đảo là Phú Quốc và Kiên Hải cùng phần đất liền ven biển trải dài qua 7 huyện, thành phố (Hà Tiên, Kiên Lương, Hòn Đất, Rạch Giá, Châu Thành, An Biên, An Minh), 50/145 xã, phường, thị trấn có biển. Tỉnh đã có nhiều giải pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường biển đảo, qua đó góp phần thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế và du lịch biển đảo, tăng cường bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Phát triển bền vững môi trường vùng biển đảo Kiên Giang ảnh 1 Bãi biển Núi Đèn, thành phố Hà Tiên (Kiên Giang) trong giai đoạn thi công sắp hoàn thành để phục vụ khách du lịch. Ảnh: Lê Huy Hải - TTXVN  

Bài 1: Tăng cường xử lý rác thải vùng biển đảo

Với một vùng biển đảo xinh đẹp, du lịch Kiên Giang ngày càng phát triển, kéo theo lượng du khách ngày càng nhiều. Đây chính là một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến cho lượng rác thải, nước thải trên địa bàn tăng theo. Các địa phương có thế mạnh phát triển du lịch như huyện đảo Phú Quốc, Kiên Hải đang tích cực tuyên truyền giáo dục nâng cao ý thức người dân, đặc biệt tăng cường xử lý rác thải làm sạch môi trường du lịch biển đảo.

Theo Báo cáo của Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên WWF, năm 2018, tổng lượng chất thải rắn phát sinh tại huyện đảo Phú Quốc khoảng 155 tấn/ngày, đêm nhưng chỉ thu gom được hơn 90 tấn/ngày.

Rác thải được Ban Quản lý công trình công cộng thu gom và vận chuyển tới các bãi rác tạm. Trong khi đó, huyện Phú Quốc hiện có bốn bãi rác lộ thiên, chưa đảm bảo quy chuẩn môi trường.

Bên cạnh đó, các vùng ven, khu vực nông thôn của huyện đảo, khả năng thu gom rác còn hạn chế do thiếu nhân lực, trang thiết bị và điều kiện đi lại khó khăn. Đa số người dân tự thu gom rồi chôn, lấp, đốt bỏ. Một bộ phận người dân thải trực tiếp ra kênh rạch, biển gây ảnh hưởng đến phương tiện giao thông đường thủy, ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt và nuôi trồng thủy sản...

Với tốc độ phát triển kinh tế, xã hội như hiện nay, dự báo đến năm 2025 và 2030, tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn huyện Phú Quốc lần lượt là 517 tấn/ngày và 718 tấn/ngày. Đây là một thách thức lớn đối với Kiên Giang nói chung và huyện Phú Quốc nói riêng, do nguồn kinh phí để triển khai cơ sở xử lý chất thải rắn lớn, trong khi đó nguồn ngân sách nhà nước còn hạn hẹp, không đủ để đầu tư.

Trước tình trạng lượng rác thải tăng cao, từ tháng 6/2019, Phú Quốc chọn ngày thứ Bảy tuần đầu tiên của mỗi tháng thực hiện "Ngày vì môi trường Phú Quốc" với phương châm "Mỗi tổ chức, cá nhân một hành động vì môi trường đảo ngọc Phú Quốc thêm xanh, sạch, đẹp và an toàn, thân thiện". "Ngày vì môi trường Phú Quốc" hàng tháng đã trở thành phong trào đi vào cuộc sống, giúp nâng cao nhận thức của cộng đồng về vệ sinh, bảo vệ môi trường, để Phú Quốc luôn xanh, sạch, đẹp, tạo ấn tượng đẹp trong lòng khu khách trong và ngoài nước.

Tại huyện đảo Kiên Hải, ước tính tổng lượng rác thải toàn huyện phát sinh khoảng 14,6 tấn/ngày, phân bố đều ở 4 xã đảo. Công tác thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt của huyện do Ban Quản lý thu gom rác thải và vệ sinh môi trường thực hiện. Hiện số lượng chất thải rắn sinh hoạt được thu gom khoảng 10 tấn/ngày, đạt khoảng 80%. Lượng rác sau khi thu gom được, đổ vào các bãi rác tạm. Đối với những nơi chưa được thu gom, chính quyền tổ chức vận động người dân không được xả xuống biển mà tự thu gom sau đó đốt hoặc chôn lấp.

Hiện nay, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh đề xuất với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang tiếp tục đầu tư, phân bổ kinh phí mở rộng các tuyến thu gom rác, đóng cửa, xử lý triệt để các bãi rác tạm gây ô nhiễm môi trường và đầu tư các trạm trung chuyển rác; xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn trên địa bàn huyện đảo Phú Quốc và Kiên Hải; hướng dẫn, triển khai các giải pháp, mô hình thu gom, xử lý rác thải phù hợp với các xã đảo trên địa bàn tỉnh. Các xã đảo xa đất liền như: Hòn Thơm, Thổ Chu (huyện đảo Phú Quốc) cần có giải pháp ưu tiên đầu tư thí điểm lò đốt rác thải thủ công để đốt rác thải sinh hoạt…

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Kiên Giang, các cấp lãnh đạo cần có cơ chế chính sách vận động, khuyến khích phương thức xã hội hóa, kêu gọi từ các nguồn vốn tổ chức phi Chính phủ đầu tư cho bảo vệ môi trường; tuyên truyền vận động phát huy các mô hình tình nguyện của các tổ chức, doanh nghiệp, công ty du lịch tham gia vào các phong trào, chiến dịch thu gom, xử lý rác, làm sạch biển trên các xã đảo. Đồng thời, công tác thanh tra, kiểm tra bảo vệ môi trường tại các cơ sở kinh doanh sản xuất tập trung được đẩy mạnh; xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân, các cơ sở vi phạm theo Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường; tập trung giải quyết dứt điểm những vấn đề tồn tại về ô nhiễm môi trường gây bức xúc trong cộng đồng.

Ngoài ra, Chi cục Biển và Hải đảo phối hợp với Chi cục Bảo vệ môi trường, các đơn vị liên quan hàng năm xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện tốt công tác tuyên truyền thông qua các hoạt động thiết thực, hình thức tổ chức trực quan, sinh động như: treo băng rol, baner, pano; tổ chức lễ mít tinh, diễu hành, thu gom, xử lý rác thải; trưng bày sách về biển, đảo; soạn thảo, in ấn, phát cho người dân các sản phẩm tuyên truyền thân thiện với môi trường... Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của chính quyền các cấp và của cộng đồng dân cư về chủ quyền biển, đảo, bảo vệ môi trường, khai thác bền vững tài nguyên biển, đảo.

Hồng Đạt

Bài 2- Hiệu quả các mô hình bảo vệ môi trường biển đảo

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm