Phát triển bền vững môi trường vùng biển đảo Kiên Giang: Bài 2- Hiệu quả các mô hình bảo vệ môi trường biển đảo

Phát triển bền vững môi trường vùng biển đảo Kiên Giang: Bài 2- Hiệu quả các mô hình bảo vệ môi trường biển đảo

Xã đảo Tiên Hải, thành phố Hà Tiên đã chính thức đạt chuẩn nông thôn mới năm 2019, trở thành xã đảo biên giới nông thôn mới của tỉnh Kiên Giang. Thành quả này có đóng góp không nhỏ từ hiệu quả các mô hình bảo vệ môi trường biển đảo, trong đó có mô hình "Đổi rác thải nhựa lấy gạo" và xây dựng lò đốt rác thải cho các hộ dân trên xã đảo.

Phát triển bền vững môi trường vùng biển đảo Kiên Giang: Bài 2- Hiệu quả các mô hình bảo vệ môi trường biển đảo ảnh 1 Người dân xã đảo Tiên Hải nhặt rác, làm sạch môi trường biển đảo. Ảnh: Hồng Đạt - TTXVN

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Tiên Hải Lương Thảo Ly, trước đây, đa số người dân xã đảo chưa có tinh thần tự giác về bảo vệ môi trường biển đảo nên còn xả giấy vụn, bọc nilon, vỏ bánh kẹo, vỏ chai nước uống các loại… ở mé biển và ven đường. Điều này làm ô nhiễm môi trường và mất mỹ quan nông thôn, trong khi các rác thải trên có thể bán phế liệu được.

Trước tình trạng trên, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã và các đoàn thể, bao gồm Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Xã đoàn, Hội Chữ Thập Đỏ, Hội Cựu chiến binh xã Tiên Hải đã xây dựng mô hình "Đổi rác thải nhựa lấy gạo". Mô hình nhằm nâng cao chất lượng triển khai thực hiện cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh"; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, sâu sắc cho người dân về ý thức bảo vệ môi trường biển đảo, vừa bảo đảm công tác an sinh xã hội, đồng thời tạo môi trường du lịch quần đảo nơi đây xanh, sạch, đẹp hấp dẫn du khách.

Phát triển bền vững môi trường vùng biển đảo Kiên Giang: Bài 2- Hiệu quả các mô hình bảo vệ môi trường biển đảo ảnh 2 Bà con xã đảo Tiên Hải mang rác thải nhựa đổi gạo”. Ảnh: Hồng Đạt - TTXVN

Mô hình "Đổi rác thải nhựa lấy gạo" triển khai từ giữa tháng 5/2020, phát động tới tất người dân trên xã đảo thu gom các loại rác thải nhựa có thể bán phế liệu, mang lại trụ sở Ủy ban nhân dân xã vào thứ Năm hàng tuần để được đổi lấy gạo, trong đó 2 kg rác thải đổi được 1 kg gạo.

Bà Huỳnh Thị Lỵ, ngụ Tổ 1, ấp Hòn Tre, xã Tiên Hải chia sẻ: "Tôi làm nghề nuôi cá lồng bè. Từ ngày mô hình "Đổi rác thải nhựa lấy gạo" được phát động, tôi và bà con ý thức hơn trong việc xả rác. Môi trường biển đỡ hẳn ô nhiễm, càng thuận lợi cho việc nuôi cá. Tôi vừa thu gom rác đổi lấy gạo, vừa vận động bà con không xả rác, tích cực tham gia mô hình, giữ gìn vệ sinh môi trường biển đảo".

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Tiên Hải Lương Thảo Ly cho biết, người dân xã đảo đều đồng tình hưởng ứng mô hình, tích cực nhặt rác, mang rác thải nhựa lên trụ sở Ủy ban để đổi lấy gạo. Sau hơn một tháng triển khai mô hình "Đổi rác thải nhựa lấy gạo", người dân Tiên Hải thu gom được gần 200 kg rác, đổi được hơn 100 kg gạo. Nhờ đó, môi trường xã đảo trở nên sạch, đẹp lên từng ngày.

Phát triển bền vững môi trường vùng biển đảo Kiên Giang: Bài 2- Hiệu quả các mô hình bảo vệ môi trường biển đảo ảnh 3Người dân xã đảo Tiên Hải thu gom rác đổi gạo. Ảnh: Hồng Đạt - TTXVN

Bên cạnh mô hình "Đổi rác thải nhựa lấy gạo", từ đầu năm 2017, Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang đã giao Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì triển khai đề án thí điểm xây dựng lò đốt rác thải tại xã đảo Tiên Hải. Theo đề án, lò đốt rác đảo Tiên Hải có tổng mức đầu tư khoảng 4 tỉ đồng, bao gồm các hạng mục: Lò đốt rác sử dụng nhiên liệu dầu diesel công suất 1,5 tấn/ngày đêm, nhà làm việc, khu vực phơi rác, xe thu gom…

Sau hơn ba năm hoạt động, lò đốt rác đảo Tiên Hải có vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu tối đa rác thải trên đảo, đảm bảo tốt công tác vệ sinh môi trường biển đảo. Hiện Tổ thu gom rác xã đảo Tiên Hải gồm 7 thành viên với một quản lý và 6 nhân viên, làm nhiệm vụ thu gom rác thải hàng ngày, mang về lò đốt rác xử lý. Anh Phan Chí Linh, nhân viên Tổ thu gom rác xã đảo Tiên Hải cho biết: Mỗi ngày, Tổ thu gom rác làm 8 tiếng. Trong đó, buổi chiều, tổ chia làm hai nhóm: nhóm đi thu gom rác trên địa bàn xã đảo, nhóm ở khu vực lò xử lý đốt rác); buổi sáng, các thành viên trong tổ tập trung cào rác để phơi khô trước khi đốt.

Bình quân, Tổ thu gom rác xã đảo Tiên Hải gom được 3 - 4 xe tương đương 7 - 8 m3 rác/ngày. Đặc biệt, trong những thời điểm mưa gió trong năm, nhân viên của tổ vẫn mặc áo mưa đi thu gom rác, đảm bảo không để rác tồn đọng. Theo anh Linh, từ đầu năm 2020 đến nay, Tổ thu gom rác xã đảo Tiên Hải mới đầy đủ thành viên nên lượng rác thải tồn đọng từ năm 2019 đến nay được giải quyết gần hết. Với phụ cấp hơn 5 triệu đồng/tháng, các thành viên trong tổ luôn tự động viên nhau ý thức trách nhiệm cao trong công việc, không quản ngại khó khăn, làm việc trong môi trường độc hại, vì một môi trường biển đảo trong lành.

Trong quá trình làm việc, Tổ thu gom rác vận động bà con tích cực dọn dẹp quanh nhà, rác thải để đúng vị trí quy định, giúp tổ thu gom triệt để rác trên xã đảo. Không chỉ thu gom rác, tổ còn phối hợp Xã đoàn cùng các đơn vị lực lượng vũ trang đóng trên địa bàn làm công tác vệ sinh môi trường trên toàn xã đảo. Các tuyến đường, bãi tắm, khu du lịch của xã đảo cũng được làm vệ sinh thường xuyên…

Xã đảo Tiên Hải thuộc quần đảo Hải Tặc với 16 đảo lớn nhỏ và hai đảo chìm, có tổng diện tích đất tự nhiên 251,4 ha. Nhờ triển khai có hiệu quả các mô hình bảo vệ môi trường, xã đảo Tiên Hải thực hiện thắng lợi mục tiêu nông thôn mới, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Qua đó, thu hút ngày càng nhiều du khách đến với Khu Du lịch quần đảo Hải Tặc để tận hưởng không khí một vùng biển đảo đẹp và trong lành.

Hồng Đạt

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm