Phát triển bền vững du lịch nơi cực Nam đất nước (Bài cuối)

Phát triển bền vững du lịch nơi cực Nam đất nước (Bài cuối)

Bài 2 (Bài cuối): Vượt khó, sẵn sàng cho bước phát triển mới

Cũng như nhiều địa phương trong cả nước, du lịch Cà Mau đang chịu ảnh hưởng do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Du lịch Cà Mau đang có giải pháp phù hợp, thích ứng trong trạng thái bình thường mới, đồng thời kỳ vọng tạo sự hấp dẫn, mới mẻ để thu hút du khách nhiều hơn trong thời gian tới.

Phát triển bền vững du lịch nơi cực Nam đất nước (Bài cuối) ảnh 1Nông dân Trần Thanh Liêm, ấp 10, xã Nguyễn Phích, huyện U Minh hướng dẫn du khách tham quan vườn dâu của gia đình. Ảnh: Kim Há-TTXVN

Thích ứng trong trạng thái bình thường mới

Tính đến ngày 17/5, tại Cà Mau chưa ghi nhận trường hợp mắc COVID-19 trong cộng đồng, song không vì thế công tác phòng, chống dịch ở địa phương được phép lơi là, chủ quan. Thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch bệnh, đảm bảo an toàn du khách và nhân viên du lịch là yêu cầu cao nhất trong thời điểm này tại Cà Mau. Vì vậy, các điểm du lịch tại địa phương dù đa phần có ưu thế là không gian thoáng, mở song tại từng điểm đến, các đơn vị luôn chú trọng tuân thủ tuyệt đối thông điệp “5K” trong tiếp đón du khách. Các đơn vị cân nhắc việc tổ chức dịch vụ du lịch một cách phù hợp.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Cà Mau Tiêu Minh Tiên cho biết, tỉnh đã ban hành Bộ tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng, chống COVID-19 đối với hoạt động du lịch với những quy định rất cụ thể ở từng hạng mục, lĩnh vực lưu trú, khu, điểm du lịch. Các điểm đến, khu điểm du lịch phải đáp ứng đầy đủ yêu cầu đảm bảo phòng, chống dịch, thể hiện ở từng nội dung như: Cơ sở được quản lý an toàn, cơ sở phục vụ khách an toàn, điều kiện làm việc của nhân viên an toàn và tiếp nhận khách an toàn.

Vừa có những ngày đón khách thành công dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 song ngay trong tháng 5 lại gặp tình trạng vắng khách do ảnh hưởng của dịch COVID-19, ông Trần Thanh Liêm, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Trang trại xanh - Vườn sinh thái Ba Liêm ở xã Nguyễn Phích (huyện U Minh) chia sẻ: Mùa này, những vườn dâu Cái Tàu của hợp tác xã đang vào độ chín vàng rất đẹp. Tuy nhiên, để đảm bảo phòng, chống dịch, hợp tác xã không đón khách đoàn, chỉ đón khách lẻ, ít người và luôn nhắc nhở họ tuân thủ các yêu cầu phòng, chống dịch bệnh. Trong thời gian này, hợp tác xã không phục vụ ẩm thực để hạn chế tiếp xúc, đảm bảo yêu cầu phòng dịch.

Trong khi đó, theo anh Phạm Duy Khanh - Giám đốc Khu du lịch sinh thái Mười Ngọt (xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời), những ngày này có rất ít du khách tới tham quan, trải nghiệm tại đây. Anh động viên từng thành viên trong gia đình cùng những người thợ gác kèo ong ở đây tranh thủ sửa chữa, nâng cấp một số hạng mục phục vụ du khách.

Tuy vắng khách song Khu du lịch sinh thái Mười Ngọt vẫn đảm bảo cung ứng, gửi bán theo địa chỉ các mặt hàng đặc sản như mật ong, sáp ong đến cho du khách ở khắp mọi miền từng có dịp đến thăm và trải nghiệm tại khu du lịch, qua đó vừa duy trì nguồn thu cho khu du lịch vừa tạo thêm cầu nối, giúp du khách luôn nhớ và hẹn dịp sẽ trở lại đây.

Thực hiện nhiều giải pháp căn cơ

Tuân thủ các yêu cầu phòng, chống dịch bệnh, nâng cấp, đổi mới sản phẩm du lịch, tạo thuận lợi cho hoạt động đón khách sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát, du lịch Cà Mau đề ra nhiều giải pháp sẵn sàng cho những bước phát triển trong thời gian tới.

Theo ông Trần Hồng Quân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, địa phương xác định du lịch là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn và đề ra nhiều giải pháp để phát triển bền vững. Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch Khu du lịch quốc gia Mũi Cà Mau và tỉnh đã có quy hoạch nhiều khu du lịch khác ở địa phương như Khu du lịch Khai Long, Khu du lịch Hòn Đá Bạc, Khu du lịch sinh thái ở các huyện Trần Văn Thời, U Minh… Trên cơ sở đó, tỉnh tập trung đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, tạo thuận lợi cho việc thu hút du khách và đổi mới, đa dạng sản phẩm du lịch tại mỗi điểm đến. Tỉnh tăng cường xúc tiến, mời gọi nhà đầu tư đến vùng đất cực Nam đất nước tìm hiểu, đầu tư vào các lĩnh vực, trong đó có du lịch. Lãnh đạo tỉnh sẵn sàng tiếp xúc để giới thiệu chính sách, các dự án và hỗ trợ nhà đầu tư từ khâu thủ tục cho đến quá trình triển khai dự án.

Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau Tiêu Minh Tiên: Phát huy thế mạnh địa phương, phát triển du lịch với những điểm đến hấp dẫn và có sức cạnh tranh cao, thời gian tới, tỉnh tiếp tục xây dựng sản phẩm, loại hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng Cà Mau đạt thương hiệu quốc gia. Tỉnh đổi mới, gia tăng các sản phẩm trải nghiệm tại 14 khu, điểm du lịch cộng đồng đã được công nhận.

Cà Mau chú trọng khai thác, giới thiệu nét đặc sắc của văn hóa bản địa, tăng cường đưa sắc thái văn hóa địa phương vào phát triển thành sản phẩm du lịch, cụ thể như: Phát triển các đội văn nghệ, tổ chức thường niên hoạt động lễ hội truyền thống hay nghiên cứu tổ chức sự kiện có tính đặc thù gắn với các lễ hội nhằm hướng tới khôi phục, bảo tồn nét văn hóa vùng đất và con người Cà Mau trong tổng thể phát triển chung của Đồng bằng sông Cửu Long.

Tỉnh tăng cường quảng bá, hợp tác phát triển du lịch trong và ngoài nước nhằm giới thiệu nhiều hơn về vùng đất, văn hóa, con người Cà Mau đến du khách trong nước, quốc tế. Cà Mau chủ động liên kết, hợp tác, kết nối tour tuyến du lịch với các tỉnh, thành phố trong khu vực hình thành nhiều chuỗi sản phẩm du lịch liên vùng. (Hết)

Thanh Trà - Minh Hưng - Kim Há

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm