Phát triển bảo hiểm xã hội tự nguyện – cách làm hiệu quả từ xã Nhị Long

Phát triển bảo hiểm xã hội tự nguyện – cách làm hiệu quả từ xã Nhị Long

Cuộn tròn tờ 20 nghìn đồng bỏ vào chú heo tiết kiệm do Bảo hiểm Xã hội huyện tặng, chị Trần Thị Thảo nói vui “mỗi ngày bỏ chút lấy vốn dưỡng già”.

Ngay sau khi tham gia buổi tuyên truyền, phổ biến chính sách về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế do Bảo hiểm Xã hội và Hội Phụ nữ huyện Càng Long (Trà Vinh) phối hợp tổ chức tại ấp Rạch Rô 2 (xã Nhị Long), đặc biệt là được biết về những lợi ích khi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và bảo hiểm y tế hộ gia đình, chị Trần Thị Thảo cùng nhiều chị em khác đã quyết định tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện cho mình.

Phát triển bảo hiểm xã hội tự nguyện – cách làm hiệu quả từ xã Nhị Long ảnh 1 Chi hội Phụ nữ ấp Rạch Rô 3, xã Nhị Long, huyện càng Long (Trà Vinh) chuẩn bị khui heo đất tham gia BHXH tự nguyện. Ảnh: BHXH/baotravinh.vn

“Để dành khi trẻ, tuổi già vui khỏe”

Những chú heo đầy sắc màu là món quà Bảo hiểm Xã hội huyện Càng Long tặng cho những người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Mỗi chú đều mang trên mình dòng chữ rất ý nghĩa, thể hiện đầy đủ tính nhân văn trong chính sách an sinh của Đảng, Nhà nước: “Tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện - Để dành khi trẻ, tuổi già vui khỏe”.

Ở cái tuổi 46, không còn trẻ, chị Thảo xác định tích cóp tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện ngay từ lúc này, mỗi ngày chỉ cần bỏ lợn 10-20 nghìn đồng, là mỗi tháng đã có một khoản tiền đủ để đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện và có quyền nghĩ đến một tuổi già an nhàn. Chị hiểu rằng, cần có một nguồn tài chính ổn định để khi về hưu không phụ thuộc vào con cái hay các tổ chức xã hội.

Chồng làm nghề phụ hồ, ngoài công việc nhà nông, chị Thảo còn có thêm nghề chăm sóc tóc. Ở vùng nông thôn này, nghề làm tóc thu nhập không được là bao, nhưng cũng đủ để đảm bảo cuộc sống cho gia đình, nuôi trẻ ăn học. Việc bỏ lợn tiết kiệm mỗi ngày cũng không phải là vấn đề khó khăn với chị.

Muộn còn hơn không, khi được nghe cán bộ Bảo hiểm Xã hội huyện tư vấn, chị đã quyết định tham gia. Và cho đến lúc đủ thời gian tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, đủ tuổi để nhận lương hưu, chị sẽ bớt được gánh nặng cho con cháu.

“Hồi trước, nhà tôi cũng là hộ nghèo, rồi dần dần dành dụm, vươn lên thoát nghèo. Giờ thu nhập hàng tháng, tôi trích ra một phần để tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Nuôi heo đất tiết kiệm để tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, sau này, tôi có lương hưu hàng tháng, con nào nuôi tôi cũng khỏe, cũng đỡ”, chị Trần Thị Thảo chia sẻ.

Nuôi heo đất tiết kiệm, tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện

Mô hình nuôi heo đất tiết kiệm tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đang ngày càng thu hút sự tham gia của nhiều người dân nông thôn ở ấp Rạch Rô 2, xã Nhị Long, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh. Mô hình này do Bảo hiểm Xã hội huyện và Hội Phụ nữ huyện phối hợp thực hiện với các buổi tuyên truyền về tận xã, giúp cho người dân hiểu rõ hơn về ý nghĩa nhân văn của chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, đặc biệt là chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện cho những người lao động tự do, người làm nghề nông, những quyền lợi khi tham gia.

Nói về kinh nghiệm phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và bảo hiểm y tế hộ gia đình, ông Nguyễn Minh Kha, Phó Chủ tịch UBND xã Nhị Long, huyện Càng Long cho biết, hàng năm, xã đều được giao chỉ tiêu và phối hợp chặt chẽ với Bảo hiểm Xã hội huyện để phát triển số người tham gia. Nhận định đây là chính sách nhân văn của Nhà nước, hỗ trợ cho người dân để sau này có được khoản lương hưu đảm bảo an sinh tuổi già và chăm sóc sức khỏe tốt hơn, bà con đã đồng tình cùng chính quyền địa phương tham gia thực hiện.

Phát động phong trào nuôi heo đất tiết kiệm là một trong những giải pháp hiệu quả mà Nhị Long thực hiện để phát triển số người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Phong trào được đông đảo bà con hưởng ứng. Mỗi ngày, người dân bỏ heo đất tiết kiệm ít thì 10 ngàn, nhiều thì vài chục ngàn đồng, tùy theo mức thu nhập, từ đó tích cóp, đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế hộ gia đình.

Ông Nguyễn Văn Đông, khóm 4, xã Nhị Long chia sẻ, nhờ nhân viên Bảo hiểm xã hội tuyên truyền và xem thêm trên báo, đài, hiểu về chính sách, ông quyết định tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. “Đóng ngày 5-10 ngàn, 20 ngàn, tùy khả năng, sau này tới tuổi hưu mình được nhận lương hưu hàng tháng”, ông nói.

Không chỉ tham gia vào lưới an sinh này, ông Đông còn là một tuyên truyền viên tích cực về chính sách. Đi uống cà phê, đi làm, đi chợ hay bất cứ khi nào có cơ hội, ông đều tuyên truyền cho bà con về chính sách bảo hiểm xã hội để sau này nhận lương hưu. Đến nay, ông đã vận động hơn 300 người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Theo ông Đông, trước đây, bảo hiểm xã hội tự nguyện tính theo mức chuẩn nghèo khu vực nông thôn là 700 ngàn/tháng, với tỷ lệ đóng hằng tháng 22%, số tiền đóng mỗi tháng tương đương với 138.600 đồng (Nhà nước đã hỗ trợ 10%). Từ đầu năm 2022, mức chuẩn nghèo khu vực nông thôn tăng lên 1,5 triệu đồng. Theo đó, mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện tối thiểu là 330 ngàn đồng/tháng (nhà nước hỗ trợ 33 ngàn mỗi tháng, còn người tham gia tự đóng 297 ngàn đồng). Điều này đã gây những khó khăn nhất định với người dân. Song, ông vận động bà con, “mình tham gia ở mức cao hơn, sau này hưởng mức lương cao hơn”.

“Khó khăn thì mình bỏ ống heo, ngày bỏ chừng 10 ngàn. Bình thường, ngày uống 2 ly cà phê, nay uống 1 thôi, còn 10 ngàn bỏ ống heo là mình có thể đóng được ở mức thấp nhất rồi”, ông Đông chia sẻ cách tuyên truyền, vận động của mình. Nhờ đó, đi tới đâu, ông cũng vận động được bà con tham gia. Người nào nghèo quá, không còn khả năng, ngưng tham gia nhưng vẫn bảo lưu để sau này đóng lại.

Phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy an sinh xã hội


Hội Phụ nữ xã Nhị Long có nhiều giải pháp sáng tạo để thu hút ngày càng nhiều chị em tham gia bảo hiểm y tế hộ gia đình và bảo hiểm xã hội tự nguyện. Hội thành lập các tổ bảo hiểm y tế, mua bảo hiểm y tế xoay vòng thông qua việc hùn vốn, mỗi người 50 ngàn đồng/tháng, mỗi tháng có hai hội viên được nhận vốn để tham gia…

Là hội viên Hội Phụ nữ xã Nhị Long, bà Nguyễn Thị Thu Tư ở ấp Rạch Rô 2 được Hội cho vay vốn 25 triệu đồng để phát triển chăn nuôi. Từ chỗ trước đây chỉ làm ruộng, gia đình bà đã chuyển hẳn sang chăn nuôi bò, gà vịt xiêm và trồng dừa. Năm bán 1 lứa bò, vài lứa gà vịt, cộng với thu nhập từ trồng dừa khoảng 4-5 triệu đồng mỗi tháng, bà cũng có tổng thu nhập cả trăm triệu đồng một năm. Đồng vốn xoay vòng, lúc đầu vay vốn, bà chỉ mua được một con bò, niờ nhà bà đã có 5 con bò thịt.

Nhờ khoản thu nhập này, bà Tư có điều kiện trang trải cuộc sống hiện nay và chăm lo cho tương lai khi tuổi già đang đến gần. Được chị em trong Hội Phụ nữ xã tuyên truyền, phổ biến về lợi ích của việc tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, bà không chỉ tham gia cho mình, mà đã vận động con gái, con trai, con dâu cùng tham gia. Đến nay, nhà bà đã có 5 người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.

“Thấy bảo hiểm này có rất nhiều lợi ích, tôi tham gia. Mức đóng hiện nay là vừa túi tiền của hộ nông dân như chúng tôi. Tích lũy mỗi quý, tôi đóng 1,2 triệu đồng. Sau này, khi lớn tuổi, mình cũng dành dụm được một khoản, có lương ổn định. Vì vậy tôi cũng động viên các con tham gia”, bà Tư chia sẻ.

Đi bằng “hai chân”, vừa chú trọng phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, vừa thúc đẩy an sinh xã hội, Nhị Long xây dựng nông thôn mới một cách bền vững. Về vùng đất thuần nông này, chúng tôi thực sự ngỡ ngàng khi xe ô tô có thể bon bon trên các trục đường liên ấp trải nhựa khang trang, sạch, đẹp, ven đường là những khoảng xanh mát mắt với hàng dừa, hàng dầu, những rặng cây cảnh, hoa khoe sắc.

Kinh tế phát triển, người dân thoát nghèo và từng bước vươn lên làm giàu, từ đó quan tâm chăm sóc sức khỏe, tham gia bảo hiểm y tế hộ gia đình, bảo hiểm xã hội tự nguyện để có lương hưu, như một khoản tiết kiệm cho tuổi già. Theo Phó Chủ tịch UBND xã Nguyễn Minh Kha, đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của xã chỉ còn 0,4% (36 hộ), tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đã đạt trên 90% và Nhị Long là xã thực hiện chỉ tiêu phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đạt cao hơn hẳn so với các xã trong huyện.

Chu Thanh Vân

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm