Phát sinh nhiều ổ dịch tả lợn châu Phi tại các địa phương

Phát sinh nhiều ổ dịch tả lợn châu Phi tại các địa phương
Tiêu hủy ổ dịch tả lợn châu Phi của gia đình ông Nguyễn Duy Chuyên, xã Tân Hiệp A, huyện Tân Hiệp (Kiên Giang). Ảnh: Hồng Đạt - TTXVN
 Tiêu hủy ổ dịch tả lợn châu Phi của gia đình ông Nguyễn Duy Chuyên, xã Tân Hiệp A, huyện Tân Hiệp (Kiên Giang). Ảnh: Hồng Đạt - TTXVN

Huyện Tân Hiệp là địa phương đầu tiên của tỉnh Kiên Giang phát hiện dịch tả lợn châu Phi chịu ảnh hưởng dịch lớn nhất với 971 con lợn nhiễm bệnh.

Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Kiên Giang Nguyễn Quang Toàn cho biết, hiện mỗi ngày có từ 8 - 10 xe tải vận chuyển khoảng 400 - 500 con lợn từ các tỉnh Đồng Nai, Tiền Giang, nhiều nhất là Bến Tre, nhập vào Kiên Giang để phục vụ người tiêu dùng. Số lượng lợn này chủ yếu chuyển đi huyện đảo Phú Quốc, các huyện Châu Thành, Hòn Đất, An Minh và thành phố Hà Tiên.

Hiện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang đang tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể trực thuộc thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng chống dịch; coi nhiệm vụ phòng, chống, khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách. Đồng thời, kiên quyết không để các loại dịch bệnh nguy hiểm khác trên động vật xảy ra, nhất là bệnh cúm gia cầm H5N1.

Kiên Giang đã lập 13 chốt, tổ kiểm dịch trên các tuyến giao thông chính ra vào địa bàn. Đồng thời, tỉnh đã cấp 4,2 tỷ đồng cho Chi cục Chăn nuôi và Thú y để tổ chức phòng, chống dịch tả lợn châu Phi.

Ngày 1/6, thông tin từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Hà Tĩnh cho biết, tính đến thời điểm hiện nay, ngoài huyện Cẩm Xuyên có lợn ốm chết buộc phải tiêu hủy vì dương tính với bệnh dịch tả lợn châu Phi thì  tại xã Hồng Lộc, huyện Lộc Hà cũng đã tiêu hủy 12 con lợn vì dương tính với dịch tả lợn châu Phi, tại hộ ông Mai Văn Minh, thôn Trung Sơn, xã Hồng Lộc, huyện Lộc Hà, Đây cũng là hộ đầu tiên của huyện Lộc Hà xuất hiện lợn ốm chết buộc phải tiêu hủy vì vì dương tính với dịch tả lợn châu Phi.

Như vậy tính đến ngày 1/6, tại tỉnh Hà Tĩnh đã có 4 hộ, ở hai huyện là Cẩm Xuyên (3 hộ) và Lộc Hà (1 hộ) có lợn ốm chết buộc phải tiêu hủy, với tổng số 105 con lợn, vì dương tính với dịch tả lợn châu Phi.

Tại tỉnh Nam Định, dịch tả lợn châu Phi lan rộng ra hầu hết các xã, phường, thị trấn tại 10/10 huyện, thành phố.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nam Định, đến ngày 30/5, dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện tại 213/229 xã, phường, thị trấn ở tất cả các huyện, thành phố. Tổng số lợn ốm, chết phải  tiêu hủy lên tới trên 188.560 con tại 29.176 hộ chăn nuôi, với tổng trọng lượng tiêu hủy trên 10 nghìn tấn (số lợn chết và tiêu hủy chiếm 23,1% tổng đàn lợn của tỉnh).

Ước tính kinh phí hỗ trợ cho công tác phòng, chống dịch và các hộ chăn nuôi có lợn mắc bệnh phải tiêu hủy của tỉnh đã lên tới vài trăm tỷ đồng. Nhiều gia trại, trang trại nuôi đứng trước nguy cơ trắng tay, nợ nần vì dịch bệnh.

Nguyên nhân khiến dịch tả lợn châu Phi lan rộng và khó kiểm soát được cơ quan chức năng tỉnh Nam Định đưa ra là do hình thức chăn nuôi nhỏ lẻ chiếm trên 80% số hộ chăn nuôi và phần lớn nằm trong khu dân cư, điều kiện chuồng trại, vệ sinh không đảm bảo yêu cầu, mật độ chăn nuôi cao.

Hơn nữa, việc không thực hiện kiểm dịch nội tỉnh do đó khó kiểm soát thương lái; đồng thời chưa thực hiện triệt để việc khử trùng các phương tiện vận chuyển lợn cũng là một trong những yếu tố khiến dịch lây lan nhanh.

Trước diễn biến phức tạp, khó lường của dịch tả lợn châu Phi, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Phạm Đình Nghị yêu cầu, các địa phương, cơ quan chuyên môn và người chăn nuôi thực hiện nghiêm, đồng bộ các giải pháp phòng, chống để hạn chế dịch bệnh lây lan, gây hại.

Các địa phương tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn các hộ chăn nuôi phun phòng, khử trùng tiêu độc đúng quy trình kỹ thuật, đủ liều lượng thuốc theo mức độ bệnh dịch phát sinh để đảm bảo hiệu lực tiêu diệt mầm bệnh.

Đặc biệt là tập trung quản lý chặt chẽ việc xử lý lợn mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi nói riêng, các loại động vật nói chung, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng vứt xác lợn và động vật chết ra kênh mương, sông, ngòi gây ô nhiễm môi trường và lây lan dịch bệnh.

Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định lưu ý, cơ quan chức năng và các địa phương trong tỉnh thực hiện nghiêm việc thống kê, kê khai số lượng lợn ốm, chết phải tiêu hủy và chính sách hỗ trợ thiệt hại cho người chăn nuôi, đảm bảo khách quan, đúng quy định. Cùng với đó, nâng cao nhận thức, hướng dẫn người dân thực hiện quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, phòng, chống dịch bệnh.

Tại tỉnh Đắk Lắk, chiều 1/6, ông Đoàn Ngọc Thượng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) cho biết, thành phố đã ban hành Quyết định công bố dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột.
 
Cán bộ chi cục chăn nuôi thú y tỉnh Đắk Lắk rắc vôi bột khử trùng đàn lợn bị dịch tả lợn châu Phi tại hộ gia đình ông Lê Văn Bán, thôn 11, xã Hòa Phú. Ảnh: Phạm Cường - TTXVN
Cán bộ chi cục chăn nuôi thú y tỉnh Đắk Lắk rắc vôi bột khử trùng đàn lợn bị dịch tả lợn châu Phi tại hộ gia đình ông Lê Văn Bán, thôn 11, xã Hòa Phú. Ảnh: Phạm Cường - TTXVN

Theo Quyết định vùng đang xảy ra dịch tả lợn châu Phi là xã Hòa Phú, vùng dịch bị uy hiếp là các xã Hòa Khánh, Hòa Xuân và phường Khánh Xuân; vùng đệm là xã EaKao, phường EaTam, Tân Thành và Thành Nhất.

Ủy ban nhân dân thành phố Buôn Ma Thuột yêu cầu trong thời gian có dịch, tạm dừng các hoạt động mua, bán, vận chuyển lợn và sản phẩm của lợn ra, vào vùng dịch; các xã, phường tập tuyên truyền, vận động người dân thực hiện 5 không (không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển heo bệnh, lợn chết; không giết mổ, tiêu thụ thịt lợn bệnh, heo chết; không vứt lợn chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt).

Phòng Kinh tế, Trạm Chăn nuôi và Thú y, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Hòa Phú và các xã, phường trong vùng dịch uy hiếp thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch tả lợn châu Phi, có các biện pháp triệt để, nhanh chóng không để dịch lây lan trên địa bàn. Đối với các xã, phường chưa có dịch, cần tập trung công tác phòng, chống dịch, giám sát chặc chẽ tình hình dịch, sớm phát hiện ổ dịch khi mới bùng phát và kịp thời bao vây, nhanh chóng dập tắt ổ dịch, ngăn chặn lây lan ra diện rộng.

Trước đó, ngày 28/5, ổ dịch tả lợn châu Phi xuất hiện trên đàn lợn 33 con của gia đình ông Lê Văn Bán, thôn 11, xã Hòa Phú, thành phố Buôn Ma Thuột. Ngay sau khi phát hiện dịch bệnh, Chi cục chăn nuôi và thú y tỉnh Đắk Lắk đã phối hợp với lực lượng chức năng của thành phố Buôn Ma Thuột, xã Hòa Phú tiến hành tiêu hủy đàn lợn 33 con, trong đó có 4 con chết, với trọng lượng trên 2.640kg, triển khai các biện tiêu độc, khử trùng khu vực chăn nuôi.
 
TTXVN
TTXVN

Có thể bạn quan tâm