Phát lộ địa điểm thực hiện nghi lễ từ thế kỷ 12 bên dưới Thánh đường Hồi giáo ở Iraq

Ngày 19/1, giới chức Iraq thông báo đã phát hiện các dấu tích nền móng của một phòng cầu nguyện có từ thế kỷ 12 bên dưới thánh đường Hồi giáo Al-Nuri ở thành phố Mosul, nơi tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng từng tuyên bố là "Vương quốc Hồi giáo" của mình.

Thánh đường Hồi giáo Al-Nuri với ngọn tháp nghiêng đặc trưng đang trong quá trình khôi phục sau khi bị IS phá hủy hồi tháng 6/2017. Giám đốc Cơ quan Cổ vật và di sản tỉnh Nineveh, ông Khaireddine Nasser, cho biết quá trình khai quật đã phát lộ nền móng của một phòng cầu nguyện, bên dưới độ sâu 6 mét có thêm 4 phòng khác được sử dụng để thực hiện nghi lễ thanh tẩy trong đạo Hồi. Những phòng này có chiều cao 3 mét, chiều rộng 3,5 mét, được thông với nhau và xây dựng bằng đá và thạch cao.

Công tác khai quật được Cơ quan Cổ vật và di sản tỉnh Nineveh phối hợp thực hiện với Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) và được Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) tài trợ. Theo các chuyên gia, phát hiện trên giúp các nhà khảo cổ hiểu thêm về cấu trúc của thánh đường Hồi giáo Al-Nuri đồng thời cho thấy giá trị của địa điểm khảo cổ này.

Thánh đường Hồi giáo Al-Nuri được xây dựng vào năm 1172 và đã được tu bổ nhiều lần theo thời gian. Năm 2019, UNESCO đã huy động được hơn 100 triệu USD trong khuôn khổ một sáng kiến nhằm "vực dậy tinh thần của Mosul". Khoảng 50% trong số đó do UAE tài trợ. Công tác trùng tu Thánh đường Hồi giáo Al-Nuri dự kiến sẽ hoàn tất vào cuối năm 2023.

Từ tháng 6/2014, phần lớn tỉnh Nineveh nằm dưới sự kiểm soát của IS khi lực lượng này chiếm giữ nhiều khu vực miền Bắc và Tây Iraq. Đến tháng 7/2017, Iraq chính thức tuyên bố Mosul, thành phố lớn thứ hai và là thành trì cuối cùng của IS tại Iraq, đã được giải phóng sau gần 9 tháng giao tranh dữ dội.

Phan An

Tin liên quan

Thánh đường Hồi giáo Mubarak ở An Giang - di tích Lịch sử văn hóa Quốc gia

Thánh đường Hồi giáo Mubarak ở An Giang nằm bên bờ sông Hậu thuộc ấp Châu Giang, xã Châu Phong, thị xã Tân Châu được xây dựng từ năm 1750. Đây là một trong những nhà thờ Hồi giáo (thờ thánh Ala) lâu đời nhất của cộng đồng người Chăm, theo phong cách kiến trúc thánh đường ở các nước Trung Đông, do kiến trúc sư người Ấn Độ Mohamed Amin thiết kế. Đến nay, thánh đường này đã trải qua 5 lần trùng tu, sửa chữa và lần gần nhất vào năm 1965, thánh đường Mubarak được xếp hạng Di tích Lịch sử – Văn hóa quốc gia (năm 1989).


Thánh đường Sagrada Familia: Công trình xuyên thế kỷ

Ở thành phố Barcelona, Tây Ban Nha, trong suốt thế kỷ XIX, nhiều nhà thờ và các công trình tôn giáo bị đánh sập, thiêu hủy, cướp phá do bùng phát bạo động nhân danh sự tiến bộ của nhân loại. Nhưng cũng trong thành phố này, vào cuối thế kỷ XIX, một Vương cung thánh đường đồ sộ lại được khởi công xây dựng với dự định làm vực dậy những khuôn mẫu lý tưởng cổ xưa ở các nhà thờ mang phong cách Gothic, đã trở thành một trong những minh chứng điển hình nhất trong lịch sử kiến trúc tôn giáo đương đại - đó chính là Thánh đường Sagrada Familia nằm ở Barcelona, thuộc xứ Catalan, Đông Bắc Tây Ban Nha. Công trình được xây dựng từ năm 1882 tới nay, sau hơn một thế kỷ vẫn chưa hoàn thành. Sagrada Familia không chỉ là một trong những điểm du lịch thu hút khách nhất Barcelona mà còn là biểu tượng của Tây Ban Nha.



Đề xuất