Phát huy vai trò của báo chí trong nâng cao nhận thức về bình đẳng giới

Phát huy vai trò của báo chí trong nâng cao nhận thức về bình đẳng giới
Giao lưu với cán bộ làm công tác trong ngành Thông tin tuyên truyền về công tác bình đẳng giới. Ảnh: Quốc Khánh - TTXVN
Giao lưu với cán bộ làm công tác trong ngành Thông tin tuyên truyền về công tác bình đẳng giới. Ảnh: Quốc Khánh - TTXVN

Bình đẳng giới là một mục tiêu quan trọng cần hướng đến không chỉ của Việt Nam mà của các nước trên thế giới, là một trong những tiêu chí đánh giá sự phát triển của một xã hội. Đảng và Nhà nước ta đã luôn chú trọng đến các chương trình, chiến lược nhằm thúc đẩy hơn nữa công tác bình đẳng giới.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Văn Phương, Vụ trưởng Vụ cán bộ, Trưởng ban Vì sự tiến bộ phụ nữ (Bộ Thông tin và Truyền thông), nhấn mạnh: Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2019 với chủ đề “ Chấm dứt bạo lực với phụ nữ và trẻ em” là điểm nhấn trong năm nhằm đẩy mạnh các hoạt động vì bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới trên toàn quốc. Do đó, Hội nghị này được tổ chức nhằm góp phần tạo ra sự thay đổi về nhận thức của từng cán bộ, công nhân viên chức, người lao động trong ngành thông tin và truyền thông trong việc thực hiện bình đẳng giới, từ đó lan tỏa tinh thần này rộng khắp tới cộng đồng, xã hội, mỗi gia đình nói chung.

Tại Hội nghị, các đại biểu nhấn mạnh đến sự quan trọng của báo chí và các phương tiện truyền thông trong việc thay đổi và nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, trong định hướng dư luận xã hội, thúc đẩy sự tham gia chủ động và chung tay hành động của cộng đồng đối với công tác bình đẳng giới.

Theo ông Vương Trinh Quốc, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Lào Cai, trong thời đại bùng nổ thông tin, báo chí càng phải giữ vững vai trò quan trọng trong việc định hướng thông tin, đấu tranh loại bỏ cái xấu, bảo vệ cái tốt, đồng thời đáp ứng tốt nhất quyền thông tin của các tầng lớp nhân dân, tạo đồng thuận xã hội. Trong thời gian qua các cơ quan báo chí, cơ quan tuyên truyền tại Lào Cai đã tích cực đẩy mạnh tuyên truyền về công tác bình đẳng giới trên đài, báo, bản tin, cổng thông tin điện tử, mạng xã hội, hệ thống truyền thanh cơ sở. Các chương trình, chuyên mục tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng như: Lào Cai hội nhập; Đại đoàn kết các dân tộc Lào Cai; Phụ nữ và cuộc sống; Phụ nữ vùng cao hôm nay; Ứng xử tuổi mới lớn; Dân tộc và phát triển; Gương điển hình tiên tiến; Khởi nghiệp; Giảm nghèo - Những cách làm sáng tạo...  đã phổ biến, tuyên truyền, giáo dục chính sách, pháp luật về bình đẳng giới, gia đình và phụ nữ, phòng chống bạo lực trên cơ sở giới, ngợi ca truyền thống tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam. Đồng thời, các chương trình nói trên cũng biểu dương những tập thể và cá nhân phụ nữ tiêu biểu trong các hoạt động chuyên môn, nghiên cứu khoa học, công tác xã hội, hoạt động đoàn thể; phê phán những hành vi vi phạm pháp luật về bình đẳng giới...

Theo các đại biểu dự Hội nghị, để làm tốt hơn nữa vai trò định hướng dư luận, góp phần thay đổi nhận thức và hành vi đối với công tác bình đẳng giới, hoạt động báo chí tại Lào Cai nói riêng và các địa phương khác nói chung cần ưu tiên truyền thông về bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị nhằm hướng tới Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Đồng thời, tuyên truyền, vận động xóa bỏ các phong tục, tập quán lạc hậu - nguyên nhân sâu xa dẫn đến bất bình đẳng giới; nêu gương tốt, điển hình trong thực hiện bình đẳng giới góp phần nâng cao vị thế của phụ nữ trong đời sống xã hội và gia đình. Bên cạnh đó, báo chí cần đầu tư, tạo điều kiện cho hoạt động tuyên truyền, giáo dục về bình đẳng giới ở cơ sở; xây dựng các chương trình truyền thông, đưa thông tin về cơ sở nhằm đảm bảo phụ nữ được tiếp cận thông tin, hiểu biết pháp luật, đặc biệt là đối với phụ nữ vùng cao, vùng đồng bào dân tộc; xây dựng tủ sách pháp luật ở cơ sở, các loại sách phải có nội dung đơn giản, dễ đọc, dễ nhớ và phù hợp với từng đối tượng; đổi mới hình thức tuyên truyền, đảm bảo các hình thức đa dạng, phù hợp với đặc điểm vùng, miền, tập tục, ngôn ngữ của mỗi địa phương.

Công nghệ thông tin chính là công cụ đặc biệt quan trọng để ngành thông tin và truyền thông thực hiện mục tiêu bình đẳng giới, từ đó lan tỏa ra các ngành, nghề khác. Do đó, các địa phương cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội trong triển khai các hoạt động tuyên truyền để nâng cao chất lượng nội dung, phổ biến thông tin, đáp ứng tốt quyền tiếp cận thông tin của người dân nhằm nâng cao vị thế phụ nữ nói chung và phụ nữ vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng. Cùng với đó, các cơ quan chức năng tăng cường giám sát, kiểm soát hoạt động truyền thông nhằm đảm bảo sự phù hợp với chính sách pháp luật về bình đẳng giới, khuyến khích, tạo điều kiện cấp phép cho các cơ quan, đơn vị xuất bản sản phẩm truyền thông tuyên truyền về bình đẳng giới và sự tiến bộ của phụ nữ...

Cũng tại hội nghị, nhiều nội dung liên quan đến thực hiện bình đẳng giới trong cán bộ, công chức, viên chức và người lao động đã được chia sẻ, thảo luận sôi nổi, hấp dẫn với các hình thức như tọa đàm, ca múa nhạc, sân khấu hóa...
Hương Thu

Có thể bạn quan tâm