Phát huy thế mạnh kinh tế tập thể (Bài cuối)

Phát huy thế mạnh kinh tế tập thể (Bài cuối)

Hiện cả nước có khoảng 30.000 hợp tác xã; trong đó có 60% số hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nhưng kinh tế tập thể vẫn là khu vực còn nhiều khó khăn trong việc tiếp cận chính sách đất đai, vốn… Đặc biệt là nguồn nhân lực cho phát triển hợp tác còn rất hạn chế, nhất là trong lĩnh vực công nghệ cao và số hóa. Trong khi đó, việc đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho hợp tác xã lại gặp nhiều khó khăn và chưa được quan tâm đúng mức.

Cần chính sách đột phá

Các hợp tác xã trên địa bàn thành phố Hà Nội đã tạo được liên kết trong sản xuất, áp dụng chuyển đổi số, công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, tuy nhiên, việc mở rộng quy mô sản xuất vẫn còn gặp nhiều khó khăn về vay vốn, chính sách về đất đai.

Chị Bùi Thị Thanh Hà, Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất và Dịch vụ nông nghiệp Thanh Hà (xã Ninh Sở, huyện Thường Tín) cho biết, hiện nay hợp tác xã cũng đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc chuyển đổi đất đai phục vụ sản xuất. Vì cơ sở chuyên sản xuất rau mầm công nghệ cao nên rất về cần mặt bằng rộng để xây dựng nhà xưởng, khu bảo quản, khâu sơ chế đóng gói sản phẩm. Hiện nay, hợp tác xã chỉ có thể dựng tạm lán rộng khoảng hơn 20 m2 làm nơi chứa vật tư, nguyên liệu. Trong khi đó, công trình trên đất hợp tác xã là nhà màng, nhà lưới công nghệ cao…, với giá trị tài sản rất lớn, nhưng cũng không được ngân hàng đồng ý là tài sản thế chấp để vay vốn.

Phát huy thế mạnh kinh tế tập thể (Bài cuối) ảnh 1Ngày 24/5, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) về đẩy mạnh triển khai chính sách tín dụng nông nghiệp, nông thôn. Ảnh: Bích Hồng/Bnews-TTXVN

Theo các chuyên gia nông nghiệp, các hợp tác xã muốn vay vốn ngân hàng bằng thế chấp đất nông nghiệp thường định giá thấp, tài sản trên đất có giá trị thì không đủ điều kiện làm tài sản bảo đảm khi vay. Ngoài ra, việc tiếp cận các quy định về chính sách đất đai hiện hành rất khó khăn đối với các hợp tác xã…

Bên cạnh đó, đến nay vẫn chưa có một cơ quan, đơn vị nào giúp các hợp tác xã kiểm toán, kể cả kiểm toán nội bộ, qua đó chứng minh năng lực sản xuất, khả năng đáp ứng các tiêu chí của hợp tác xã tiếp cận vốn của tổ chức tín dụng.

Đồng quan điểm này, chuyên gia nông nghiệp Trịnh Bá Ninh cho rằng, điều kiện để chuyển đổi một phần đất nông nghiệp của hợp tác xã sang làm kho, nhà xưởng, nhà sơ chế của các hợp tác xã là nhu cầu chính đáng, rất cần các luật khác liên quan nghiên cứu theo hướng cho phép sử dụng đa mục đích trong đất nông nghiệp. Nghĩa là hợp tác xã được phép xây dựng nhà sơ chế trên một vùng sản xuất nhất định, phù hợp với quy hoạch, nhu cầu sử dụng của hợp tác xã và tài sản này được đánh giá, công nhận bình đẳng như các tài sản cùng loại, không có sự phân biệt.

Vì vậy, để tháo gỡ khó khăn về vốn, dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi) đang lấy ý kiến đã có một số điều chỉnh, nhằm nâng cao khả năng tiếp cận vốn cho hợp tác xã, như ưu đãi vay vốn hỗ trợ lãi suất, hỗ trợ bảo lãnh tín dụng và cho phép sử dụng quỹ chung để gửi tiết kiệm hoặc làm tài sản bảo đảm khi vay vốn.

Tạo nguồn nhân lực chuyên nghiệp

Theo đánh giá của Liên minh Hợp tác xã Hà Nội, trình độ, kỹ năng và kiến thức của đội ngũ cán bộ hợp tác xã hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu. Chỉ có khoảng 20% cán bộ hợp tác xã có trình độ chuyên môn cao đẳng, đại học, còn lại là được đào tạo qua các lớp ngắn hạn… Không những vậy, các lớp đào tạo chuyên sâu cho cán bộ hợp tác xã về các nghiệp vụ như kiểm toán nội bộ, công nghệ, số hóa hợp tác xã… cũng chưa có.

Phát huy thế mạnh kinh tế tập thể (Bài cuối) ảnh 2Thành phố Hà Nội đã và đang tìm nhiều giải pháp để gỡ khó cho công tác đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của các hợp tác xã. Ảnh: hanoimoi.com.vn

Ông Từ Đức Mạnh, Trưởng phòng Kinh tế huyện Thường Tín cho biết, trình độ chuyên môn của cán bộ hợp tác xã trên địa bàn huyện chủ yếu là trung cấp trở xuống. Trong số 394 cán bộ hợp tác xã, chỉ 28 người có trình độ chuyên môn từ đại học trở lên. Tương tự, tại huyện Ba Vì, trong số 352 cán bộ hợp tác xã, chỉ 7 người có bằng đại học trở lên. Ở thị xã Sơn Tây, trong số 287 cán bộ hợp tác xã, có gần 30 người đạt trình độ chuyên môn từ đại học trở lên…

Chuyên gia nông nghiệp Trịnh Bá Ninh cho biết, để vận hành hợp tác xã thì đội ngũ cán bộ từ giám đốc, kế toán, kiểm soát… phải có trình độ cao. Bên cạnh đó, việc đổi mới kinh doanh, mở rộng thị trường và tiếp cận các chuỗi giá trị mang tính quy mô vùng, lãnh thổ, đòi hỏi cán bộ hợp tác xã phải có kiến thức chuyên môn về quản lý, tiếp thị và phát triển kinh doanh... Thế nhưng, trình độ của cán bộ hợp tác xã hiện vẫn còn hạn chế, yếu kém trong lĩnh vực thương mại, số hóa.

Trong khi đó, nguồn lực đầu tư cho đào tạo cán bộ hợp tác xã vẫn chưa được bảo đảm, hầu như không có. Chính vì vậy, nhiều năm nay, các chương trình đào tạo cho cán bộ hợp tác xã trên địa bàn Hà Nội không được triển khai.

Để có nguồn nhân nhân lực chất lượng, Hà Nội quan tâm và dành nguồn lực xứng đáng cho đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ hợp tác xã. Đặc biệt, cần xây dựng các chương trình đào tạo chuyên nghiệp, chuyên sâu; đồng thời, nâng cao kiến thức về quản lý hợp tác xã, kinh doanh, marketing, quản lý tài chính…

Ngoài ra, Hà Nội thường xuyên tổ chức các khóa đào tạo ngắn hạn để cán bộ hợp tác xã có thể cập nhật kiến thức mới nhất về kinh doanh, quản lý, pháp luật, kỹ năng đàm phán ký kết hợp đồng, chuyển đổi số, áp dụng khoa học công nghệ cao vào sản xuất...

Bởi nguồn nhân lực chuyên nghiệp và chất lượng là nồng cốt giúp cho phát triển kinh tế tập thể, các hợp tác xã lớn mạnh trong giai đoạn mới theo Nghị quyết số 20-NQ/TƯ Hội nghị lần thứ năm, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về “Tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới”.

Nam Giang

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm