Phát huy nguồn lực văn hóa của cộng đồng các dân tộc theo hướng bền vững là nguồn lực phát triển đất nước

Phát huy nguồn lực văn hóa của cộng đồng các dân tộc theo hướng bền vững là nguồn lực phát triển đất nước

Ngày 15/4, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ban quản lý Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức Diễn đàn “Văn hóa các dân tộc Việt Nam - Nguồn lực phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc” tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội). Đây là một trong số các hoạt động nhân "Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam" (19/4).

Diễn đàn với sự tham dự của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng và đại diện các Ban, Bộ, ngành Trung ương cùng đông đảo đồng bào dân tộc thiểu số…

Phát huy nguồn lực văn hóa của cộng đồng các dân tộc theo hướng bền vững là nguồn lực phát triển đất nước ảnh 1Ông Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát biểu khai mạc diễn đàn. Ảnh: Hoàng Tâm

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng khẳng định, Việt Nam là một quốc gia đa dân tộc, được xây dựng và phát triển bởi 54 dân tộc. Mỗi dân tộc có văn hoá truyền thống, ngôn ngữ riêng; có nguồn gốc lịch sử hình thành và phát triển rất lâu đời. Cùng sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam, cùng đồng lòng tạo nên lịch sử dụng nước và giữ nước hàng ngàn năm nên các dân tộc Việt Nam có sự gắn kết cộng sinh, cộng mệnh rất chặt chẽ. Chính điều này đã góp phần tạo nên nền văn hóa Việt Nam mang tính thống nhất trong đa dạng. Đó là đặc trưng, đồng thời là quy luật phát triển văn hóa nước nhà, là yếu tố làm nên sức mạnh nội sinh, tổng hợp sức mạnh quốc gia và sức hấp dẫn, thuyết của nền văn hóa Việt Nam, góp phần định vị bản sắc dân tộc trên trường quốc tế.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng, trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã hết sức quan tâm đầu tư cho văn hóa; Đến nay đã xây dựng đồng bộ mạng lưới cơ sở văn hóa, nghệ thuật từ trung ương đến địa phương, từ cấp tỉnh, thành phố đến cấp xã, thôn bản với hàng chục nghìn thiết chế văn hóa phân bố ở các vùng, miền trong cả nước. Mạng lưới cơ sở văn hóa như các cơ sở nghiên cứu, đào tạo nhân lực, nhà sáng tác, bảo tàng, thư viện, nhà trưng bày triển lãm văn học nghệ thuật, rạp hát nghệ thuật biểu diễn, trung tâm chiếu phim, trung tâm hoạt động văn hóa thanh thiếu nhi, các tượng đài, khu vui chơi giải trí… phân bố khắp các tỉnh thành trong cả nước đang trở thành nguồn lực quan trọng để phát triển đất nước.

Phát huy nguồn lực văn hóa của cộng đồng các dân tộc theo hướng bền vững là nguồn lực phát triển đất nước ảnh 2Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: Hoàng Tâm

Trong giai đoạn hiện nay, Đảng và Nhà nước ta có chủ trương đẩy mạnh phát triển văn hóa trong chính trị và phát triển văn hóa trong kinh tế nhằm hướng đến xây dựng nền chính trị lành mạnh, chống lại sự suy thoái về tư tưởng, đạo đức, phát triển kinh tế dựa trên nền tảng văn hóa, đạo đức, hướng đến vì con người, cộng đồng, dân tộc. Đồng thời, trên bình diện đối ngoại quốc tế, chúng ta đang tăng cường quảng bá, giới thiệu sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa các dân tộc Việt Nam ra thế giới; từng bước thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp văn hóa thể hiện sức sáng tạo khả năng chuyển hóa các nguồn lực văn hóa dồi dào trong cộng đồng các dân tộc nhằm phát huy sức mạnh mềm văn hóa và nâng cao vị thế hình ảnh đất nước Việt Nam trên trường quốc tế. Do đó, việc khai thác, phát huy nguồn lực văn hóa của cộng đồng các dân tộc để phát triển và hội nhập quốc tế theo hướng bền vững là hết sức quan trọng.

Để khai thác nguồn lực văn hóa, phát triển con người, đất nước, chúng ta cần quán triệt quan điểm xây dựng và phát triển văn hóa là sự nghiệp của toàn dân, do Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân là chủ thể sáng tạo, đội ngũ trí thức giữ vai trò quan trọng. Chúng ta cần huy động sự tham gia của tất cả các bên liên quan có vai trò đóng góp, thúc đẩy nguồn lực văn hoá các dân tộc cho sự phát triển đất nước.

Về phía Nhà nước, các Bộ, Ban, ngành, chính quyền địa phương cần nỗ lực xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm tăng cường đầu tư cho văn hóa, bảo vệ và phát huy di sản văn hóa, khuyến khích tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư, khai thác, phát huy nguồn lực văn hóa các dân tộc cho phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là phát triển du lịch, tuyên truyền, quảng bá văn hóa, đào tạo nhân lực văn hóa.

Về phía cộng đồng các dân tộc, với tư cách là chủ thể sáng tạo, tham gia và hưởng thụ văn hóa, cần nâng cao trách nhiệm bảo vệ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, tham gia tích cực vào hoạt động sáng tạo, truyền dạy và thực hành văn hóa; kế thừa và phát huy những phẩm chất truyền thống tốt đẹp của con người Việt Nam; tiếp thu và bổ sung những giá trị mới nhằm xây dựng con người có những giá trị phù hợp với thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh Diễn đàn này chính là dịp để các nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp, các tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp và đồng bào các dân tộc đến từ các địa phương trên lãnh thổ Việt Nam gặp nhau, trao đổi, trình bày các quan điểm, sáng kiến nhằm làm rõ vấn đề xây dựng, huy động và phát huy nguồn lực văn hóa các dân tộc Việt Nam nhằm phát triển đất nước hướng tới mục tiêu phồn vinh, nhân dân hạnh phúc.

Diễn đàn đã nhận được 58 tham luận của các đại biểu cùng nhiều ý kiến thảo luận chất lượng tại diễn đàn.

Phát huy nguồn lực văn hóa của cộng đồng các dân tộc theo hướng bền vững là nguồn lực phát triển đất nước ảnh 3GS.TS Bùi Quang Thanh, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam phát biểu tham luận tại Diễn đàn. Ảnh: Hoàng Tâm

Các đại biểu tham gia diễn đàn đã cho ý kiến, tập trung vào một số nội dung như sự đa dạng của văn hóa dân tộc và một số vấn đề đặt ra hiện nay, những vấn đề bảo tồn, phát huy di sản văn hóa các dân tộc trong bối cảnh hiện nay, từ đó lưu giữ bản sắc, đồng thời đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế, xã hội của cộng đồng…

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thị Phương Châm, Viện Nghiên cứu Văn hóa, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam chia sẻ: Nguồn lực văn hóa các dân tộc thiểu số có vai trò vô cùng quan trọng trong sự phát triển của mỗi cộng đồng nên việc nghiên cứu vừa tổng thể, bao quát, vừa chuyên sâu, cụ thể về nguồn lực văn hóa các dân tộc thiểu số là vô cùng cần thiết để nhận diện nguồn lực văn hóa này một cách chính xác, đầy đủ, cập nhật và đặc biệt là không định kiến giúp cho việc hiểu sâu về quá trình hình thành và phát huy nguồn lực văn hóa các dân tộc thiểu số, từ đó có những chiến lược, những hành động thiết thực để phát huy tốt nguồn lực văn hóa này trong phát triển kinh tế xã hội vùng dân tộc thiểu số.

Phát huy nguồn lực văn hóa của cộng đồng các dân tộc theo hướng bền vững là nguồn lực phát triển đất nước ảnh 4Các đại biểu tham gia thảo luận trực tiếp. Ảnh: Hoàng Tâm 

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thị Phương Châm cho rằng hiện nay, vấn đề phát huy nguồn lực văn hóa các dân tộc thiểu số đã ngày càng được chú ý đúng mức hơn, nội dung này được đề cập, được tích hợp, được nhấn mạnh trong nhiều chính sách, nhiều chương trình phát triển kinh tế xã hội vùng dân tộc thiểu số, đặc biệt là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào Dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.

Phát huy nguồn lực văn hóa của cộng đồng các dân tộc theo hướng bền vững là nguồn lực phát triển đất nước ảnh 5Ý kiến trao đổi của các đại biểu cũng nêu lên tầm quan trọng của văn hóa dân tộc, nguồn lực nội sinh quan trọng để phát triển bền vững đất nước. Ảnh: Hoàng Tâm

Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Quang Thanh, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho rằng, Kinh nghiệm của các cộng đồng quốc gia đa dân tộc trong khu vực và trên thế giới cho phép khẳng định rằng, nền kinh tế thị tr­ường và xu thế toàn cầu vừa mang lại những thời cơ và giao lưu kinh tế - xã hội tích cực, vừa tạo nên những nguy cơ lớn đối với văn hóa các dân tộc…

Qua những thảo luận trực tiếp, của các đại biểu đã nâng cao và lan tỏa những nhận thức về nguồn lực văn hóa các dân tộc Việt Nam, những tiếng nói từ thực tiễn trong quản lý nhà nước, hoàn thiện thể chế và cổ vũ sáng tạo đồng thời đề xuất kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả xây dựng và sử dụng nguồn lực văn hóa các dân tộc Việt Nam trong phát triển đất nước.

Hoàng Tâm

(DTMN)

Có thể bạn quan tâm